Cao su và khu công nghiệp

01/12/2009 01:11 GMT+7

Ngày 25.11 vừa rồi, Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG) phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư, mở nhà máy ở các... khu công nghiệp – đô thị mở ngay trên đất trồng cao su của chính VRG.

Lâu nay, dư luận xã hội bất bình về việc các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước mang tiền vốn của Nhà nước đầu tư “ngoài luồng” tràn lan. Hiệu quả chưa thấy, nhưng nhiều dự án thất bại thì đã rõ. Đối với VRG, việc “lấn sân” đầu tư sang lĩnh vực khác ngoài cao su đã gặp phải phản ứng gay gắt, khi phải hy sinh đất trồng cao su để xây dựng khu công nghiệp - đô thị. Tính đến nay, tập đoàn này đã đầu tư xây dựng 12 khu công nghiệp - đô thị trong cả nước. VRG đã chặt phá hơn 5.000 ha cao su năng suất cao ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai để lấy thêm đất cho các dự án này. Ông Lê Quang Thung, Tổng giám đốc VRG đã thừa nhận đó là sự thật.

Tại sao VRG lại làm như vậy? Câu trả lời từ VRG là do đất sử dụng để kinh doanh từ việc xây dựng khu công nghiệp - đô thị mang lại hiệu quả hơn đất trồng cao su. “Nếu hiệu quả không cao hơn, chúng tôi đã không chuyển đổi”, ông Thung khẳng định. Theo lý giải của người đứng đầu một trong những ngành xuất khẩu then chốt của VN, 1 ha đất trồng cao su mang lại lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/năm, nhưng với diện tích đó, đem cho nước ngoài thuê sau khi khu công nghiệp hoàn thành thì “hiệu quả hơn rất nhiều, gấp nhiều lần”. Ông Thung cho rằng, thực ra chuyện chặt phá cao su để làm khu công nghiệp cũng khiến ông “buồn”, nhưng đấy là có sự đồng ý chuyển đổi của Nhà nước, vả lại đất là do địa phương quản lý, không phải của tập đoàn (?).

Vốn đầu tư những dự án này rất lớn. Chẳng hạn như khu liên hợp công nghiệp đô thị Phước Đông - Bời Lời (hơn 2.000 ha, Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng, khu công nghiệp Đông Nam (342 ha, Củ Chi, TP.HCM) với vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng... VRG đã phải vay ngân hàng 80% vốn đầu tư, 20% còn lại là vốn của tập đoàn. Đầu tư vào khu công nghiệp - đô thị bình thường mất 5 - 7 năm để lấy lại vốn, ông Thung thì “tự tin” rằng sau... 10 - 14 năm ông có thể thu hồi vốn từ việc đầu tư vào 12 khu công nghiệp - đô thị. Trong thời gian chờ đợi, VRG phải chấp nhận doanh thu khiêm tốn từ các khu công nghiệp đóng góp vào tổng doanh thu của tập đoàn chưa tới 5%!

Một vấn đề “đau đầu” nữa của ngành cao su VN là xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm phần lớn, giá trị thấp, giá cả bấp bênh (năm nay ước xuất khẩu khoảng 650.000 tấn, tăng 5% nhưng kim ngạch chỉ đạt gần 1 tỉ USD, giảm tới 33%). Vậy mà trong 12 khu công nghiệp - đô thị của tập đoàn, không có một nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu cao su.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.