Ngư dân không đơn độc

31/05/2014 03:00 GMT+7

Theo tinh thần tại phiên họp Chính phủ hôm 29.5, Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản sẽ sớm được ban hành. Đây có thể coi là một văn bản pháp quy được dự thảo và ban hành với thời gian ngắn kỷ lục.

Một hệ thống các chính sách dành cho ngư dân, từ đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, khắc phục rủi ro, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đến chính sách xã hội khác sẽ được ban hành. Theo đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, ngân sách nhà nước đầu tư cho hạ tầng lớn nhất, ước tính lên tới 20.000 tỉ đồng. Nguồn vốn tín dụng cho vay lãi suất thấp khoảng 10.000 tỉ đồng. 

Ngư dân ra khơi đã không đơn độc khi những nhà soạn thảo chính sách, nhà quản lý cũng đồng lòng cùng họ vươn khơi, bám biển, sẵn sàng trở thành các cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thực ra, việc hỗ trợ ngư dân bám biển không phải đến bây giờ mới được đề cập. Năm 1997, Chính phủ ban hành Quyết định 393/1997/QÐ-TTg về cho vay đánh bắt xa bờ. Ðây là chương trình quy mô lớn nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp do các mẫu tàu thiết kế chưa phù hợp với tập quán khai thác của ngư dân, dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp. Tại hội nghị bàn giải pháp, chính sách phát triển thủy sản tháng 4.2014, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát thừa nhận “dù đã đầu tư nhiều nhưng chương trình "Đánh bắt xa bờ" vẫn chưa phát triển mạnh, hiện vẫn còn đến 99% tàu cá là tàu gỗ”. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1787/QÐ-TTg về triển khai thí điểm chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, công suất lớn, tại Quảng Ngãi. Theo đó, nhà nước cho vay 80% kinh phí đóng tàu với lãi suất cố định 3%/năm, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, các ngân hàng rất dè dặt giải ngân, do việc cho vay thực hiện theo cơ chế tín dụng thông thường, không có cơ chế bảo hiểm, thế chấp tài sản hoặc xử lý rủi ro đặc thù.

Chiến lược biển đến năm 2020 xác định: Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển, phấn đấu đóng góp 53-55% tổng GDP, 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Rõ ràng, vươn khơi bám biển là xu thế tất yếu của ngư dân, vừa để khai thác tiềm năng kinh tế biển, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Tuy nhiên, kinh nghiệm rút ra từ chương trình đánh bắt xa bờ, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép cho thấy, quyết tâm của Chính phủ không thôi chưa đủ, nếu không có những thay đổi trong nhận thức và cách thức thực hiện.

Để hỗ trợ ngư dân bám biển, không chỉ đơn thuần là hỗ trợ họ mua tàu hiện đại mà phải cần nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng phương thức sản xuất tập thể trên biển và hậu cần nghề cá cho ngư dân. Sự việc trên biển vừa qua cho thấy, ngư dân cần phải được liên kết bằng mô hình kinh tế tập thể, các khâu sau của đánh bắt phải được tổ chức theo chuỗi để gia tăng năng suất và chất lượng hải sản.

Cuối cùng, cần thiết có phương thức để thay đổi toàn diện cách tư duy về đầu tư cho ngư nghiệp; thay đổi tư duy của ngư dân trong việc tiếp nhận và nâng cao trình độ sản xuất.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.