Hàng Tết năm nay có thiếu?

08/12/2007 23:34 GMT+7

Dự báo sức mua của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý sẽ tăng trên 30% so với các tháng trong năm.

Hà Nội “đua” hàng

Thời điểm này, 70 siêu thị và trung tâm thương mại tại Hà Nội đang trong "chiến dịch" chạy đua chuẩn bị hàng Tết.


Bánh kẹo, một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm - Ảnh: D.Đ.Minh

Noel, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008 cách nhau hơn một tháng. Do vậy đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Ông Chu Xuân Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội cho biết, tổng công ty và các đơn vị thành viên đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng, trong đó chuẩn bị 240 tấn thịt các loại, 800 tấn thực phẩm chế biến, 100 tấn rau, 200 tấn bánh mứt kẹo, 1,1 triệu chai/lon bia rượu nước ngọt các loại, 600 tấn dầu ăn, 65 tấn mì chính, 160 tấn đường... 

"Để kịp thời cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn trong dịp lễ, tết, Tổng công ty thương mại Hà Nội cũng vừa ra mắt 14 cửa hàng Hapro Food và chuẩn bị khai trương thêm 6 cửa hàng tại các quận nội thành Hà Nội. Chúng tôi cam kết đảm bảo cung ứng hàng hóa có nguồn gốc, chất lượng rõ ràng, đảm bảo vệ sinh và giá thành phù hợp nhất" - ông Kiên khẳng định. Còn bà Lê Thị Liên, Phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm Hà Nội cũng cho hay, công ty đã chuẩn bị 100 tỉ đồng mua 3.500 tấn gạo các loại và 200 tấn bột mì phục vụ Tết. 

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như sau: "...UBND các địa phương tổ chức nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, thị trường, giá cả trên địa bàn, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trong phạm vi địa phương. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn cho nhân dân trong dịp lễ Noel, Tết dương lịch và Tết âm lịch 2008...  Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường hàng hóa và tiền tệ, thực hiện các giải pháp kiểm soát tổng phương tiện thanh toán và các biện pháp kiềm chế tăng giá vào dịp cuối năm, khi tiền lương, tiền thưởng, giải ngân vốn đầu tư xây dựng tăng cao, lượng kiều hối về nhiều...". 

Q.T

Tổng công ty bia-rượu-nước giải khát Hà Nội dự kiến đưa ra thị trường 115 triệu lít bia các loại phục vụ lễ, Tết. Trong đó 51 triệu lít phục vụ Tết Nguyên đán 2007 (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2007) nhưng ở thời điểm này mặt hàng rượu bia đang rất khan hàng. Các nhà máy sản xuất không đáp ứng so với nhu cầu tiêu thụ. Các loại bia Halida, bia Hà Nội đang gặp khó khăn về nguồn hàng. Hiện siêu thị đang làm việc với nhà cung cấp cố gắng không để thiếu hàng trong dịp Tết. Các công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hải Châu, bánh kẹo Hà Nội cũng đang chạy đua để đưa ra thị trường 2.427 tấn bánh mứt kẹo các loại. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm dự kiến đưa ra thị trường 360 tấn thịt lợn sạch, 260 tấn thịt gia cầm an toàn, 1 triệu quả trứng gà sạch trong tháng Tết. 

Hưởng ứng chủ trương bình ổn giá cả hàng hóa trong dịp cuối năm, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc siêu thị Big C cho biết, Big C Thăng Long cam kết đảm bảo giảm giá từ 1-10% đối với 300 mặt hàng đến cuối năm. Hệ thống siêu thị Big C cũng là nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chương trình giá rẻ tới mọi nhà mang tên "WOW" nhằm cung cấp cho khách hàng những hàng hóa có giá thấp nhất so với cùng sản phẩm trên thị trường. Các mặt hàng nhạy cảm như rượu, bia, các sản phẩm thịt nguội... Big C đã trả tiền mua trước. Số hàng hóa này được tích trữ trong kho của siêu thị nên có thể kiểm soát tốt số lượng và giá cả những mặt hàng thường biến động lớn trong dịp cuối năm. Dự kiến doanh số trong những tháng cuối năm sẽ tăng 20% nên Big C có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng khoảng 50-70 tỉ đồng phục vụ người tiêu dùng. Hiện Big C đang có chương trình giảm giá phục vụ Noel và năm mới. Trong đó, giảm giá 10% cho 150 mặt hàng thực phẩm tươi sống và 200 mặt hàng thực phẩm khô. Tiếp theo là chương trình chuẩn bị Tết từ 2.1-20.1.2008, khuyến mãi các đồ gia dụng, dệt may, hóa phẩm, thực phẩm kho với mức giảm giá từ 10-30%. 

Ngoài ra, để đối phó với những biến động phức tạp của giá cả, dịch bệnh, thời tiết ở gia súc, gia cầm... Các siêu thị Metro, Big C, Fivimart, Intimex... cũng đã có kế hoạch tăng 20% so với dự trữ cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, nhập khẩu các mặt hàng đông lạnh cao cấp như thịt bò New Zealand, Argentina, đùi gà Mỹ... Theo ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp 200 tỉ đồng với lãi suất bằng 0 để doanh nghiệp có vốn dự trữ hàng hóa. Như vậy, hàng hóa năm nay sẽ không thiếu, sự hỗ trợ kịp thời của thành phố chắc chắn sẽ góp phần bình ổn giá vào dịp cuối năm.  

TP.HCM chạy nước rút


Đại diện các siêu thị tại TP.HCM cho biết các nhà cung cấp hàng báo giá tăng 10-20% vào dịp Tết -  Ảnh: D.Đ.Minh

Phần lớn các doanh nghiệp tại TP.HCM đang chạy nước rút chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm. Ông Bùi Duy Đức - Giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản  (Vissan) - cho biết: "Hiện Vissan đã chuẩn bị được khoảng 30-40% lượng hàng lạp xưởng, đồ hộp để chuẩn bị cho dịp Tết. Các mặt hàng khác như giò lụa, thịt heo, xúc xích thì đến gần Tết mới chuẩn bị sản xuất. Ngoài ra Vissan còn chuẩn bị khoảng 4.000 tấn heo, 400 tấn thịt trâu, bò, 1.700 tấn rau, củ, quả. Chúng tôi cũng dự trữ khoảng 20% nguồn hàng để phòng trường hợp thị trường biến động, đảm bảo sẽ cung cấp đủ nhu cầu cho người tiêu dùng". Ông Kiều Minh Lực - Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Việt Nam - cũng cho biết: "Như mọi năm, CP ổn định lượng hàng thịt heo cung cấp cho cả nước là 2.000 con/ngày, riêng TP.HCM là 1.000 con/ngày. Tuy nhiên, về nguồn thịt gà và trứng thì năm nay do có bệnh Marek's gây thiệt hại về đàn gia cầm nên CP bị hụt sản lượng so với kế hoạch, do đó chưa thể xác định được sản lượng thịt phục vụ dịp tết. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là giá thịt heo sẽ tiếp tục tăng lên trong các ngày lễ cuối năm do có dấu hiệu khan hiếm và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao".

Ông Châu Nhựt Trung - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ cũng cho biết: "Để chuẩn bị cho các ngày lễ tết cuối năm, công ty đã tăng 100% sản lượng dự trữ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Cụ thể lượng gà chuẩn bị là 230.000 con, vịt là 180.000 con; cánh gà, lòng gà là 100 tấn. So với Tết năm trước, năm nay sản lượng này đã được nâng lên gấp đôi". Theo ông Trung, giá bán các mặt hàng phục vụ Tết đã được đăng ký với UBND thành phố và cho dù thị trường biến động thế nào thì giá vẫn phải được giữ nguyên như mức đăng ký. 

Theo đại diện các hệ thống siêu thị như Coop Mart,   Maximark, hiện các đơn vị cung cấp hàng đã bắt đầu chào và báo giá hàng Tết, hầu hết đều tăng giá lên so với ngày thường khoảng 10 - 20%. Chẳng hạn như mặt hàng nước giải khát tăng khoảng 10%, thực phẩm chế biến, đông lạnh, bánh kẹo tăng từ 15 - 20%. Từ đầu tháng 10 đến nay đã có nhiều đơn vị thông báo sẽ tăng giá, thậm chí có đơn vị còn báo tăng giá theo nhiều đợt, mỗi đợt tăng từ 10 - 30%. 

Sở Thương mại thành phố Hà Nội dự kiến lượng hàng hóa thiết yếu tiêu thụ trên địa bàn là 130.000 tấn hàng hóa và từ 12 - 15 triệu chai, lon bia, nước giải khát. Đặc biệt, lượng xăng dầu tiêu thụ tăng khoảng từ 20 - 25%, dự kiến khoảng 15.000m3. Với mức dự kiến này, Sở Thương mại Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp có kế hoạch dự trữ hàng hóa. Cụ thể, Tổng công ty lương thực miền Bắc đã chuẩn bị 177.000 tấn gạo, bột mì. Công ty xăng dầu khu vực 1 dự trữ 12.000m3 xăng dầu, tăng 2.800m3 so với mức tiêu thụ tháng Tết Đinh Hợi, Tổng công ty thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên dự trữ 2.165 tấn hàng hóa, 1,1 triệu chai, lon bia, rượu, nước ngọt các loại. Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát sản xuất đưa ra thị trường 115 triệu lít bia, 104 triệu lít rượu, các công ty bánh kẹo trên địa bàn Hà Nội dự kiến đưa ra thị trường 2.500 tấn bánh kẹo các loại, các trung tâm thương mại, siêu thị dự trữ hàng tăng hơn 20% so với dịp Tết năm ngoái với tổng số tiền khoảng 400 tỉ đồng...  

Q.T

Thu Hằng - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.