Mua nhà thời đắt đỏ: Mua hay không mua?

28/11/2004 16:06 GMT+7

Đó là tâm trạng của tôi khi đứng trước căn nhà nằm trong một ngõ cụt gần Nhà Văn hóa quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Báo đăng đại thể: mặt bằng 25 mét vuông, mới xây, khung 3 tầng, cách phố Bạch Mai 40 mét, 410 triệu...

Còn bây giờ, sau khi đưa tay áo lên đầu, thấm thấm, ngửi ngửi những giọt nước... không rơi từ trời lúc tránh xe ở đoạn ngõ có bề ngang chưa đầy 1 mét, tôi đang bồi hồi ngắm “nàng”!

“Nàng” nhỏ nhắn xinh xinh, xem ra khá hợp với tôi (túi tiền) và với cái thói tự ti không dám mơ cao sang nhưng cũng đừng quê quá. Mặt tiền của “nàng” chừng 2,1 mét thông thủy và đáy cũng vậy. Tính ra nhân với chiều dài 10 mét thì chưa đủ thước tấc, nhưng bù vào đó, đoạn giữa độ 4 mét của “nàng” đột nhiên phình ra, lùm lùm như bà bầu năm tháng. Hơi choáng, nhưng tôi cố trấn tĩnh để phát hiện thêm vẻ đẹp khác của “nàng”, hy vọng có thêm lý do để xiêu lòng vì dẫu gì thì cũng còn gỡ gạc được bằng cái văn minh đô thị. Xem ra, chủ nhân của “nàng” là người rất biết tính toán. Trên cái thân hình “gầy đét” của nàng là hai tầng lầu với công trình phụ đi kèm, đầy đủ tiện nghi, phòng ở sơn bả, gạch hoa sáng loáng. Tôi đã bị chinh phục.

Tôi trở xuống nhà, định gọi ngay ông chủ lại để thảo luận giá cả, nhưng một lần nữa cái “bầu năm tháng” đập vào mắt đã khiến tôi chững lại. Khó nhọc chia tay “nàng” và như mọi anh chàng si tình không đủ đức vị tha, tôi đành để thời gian định đoạt. Và thời gian đã nói với tôi câu này: Chớ sờ vào của ấy!

Trong lúc “tìm quên”, được người quen giới thiệu, tôi lại đưa chân đến một căn hộ tầng 4 của khu nhà mới xây xong đầu năm 2003 ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, nay thuộc quận mới Hoàng Mai. Chủ căn hộ cho biết chị ta đang cần tiền và cái giá 380 triệu là khá mềm so với diện tích 45 mét vuông, tường còn thơm mùi sơn mới. Nhìn kỹ thì căn hộ này cùng các căn khác ở tầng 4 có vẻ như được xây thêm bên trên khu 3 tầng nên phòng ở có chỗ hơi méo mó, nhưng điều khiến tôi hài lòng lại là giá cả. Tôi chuyển sang chuyện giấy tờ và định bụng mặc cả cao nhất 350 triệu. Chủ cho biết chỉ viết giấy tay và vòng vo, khi thì bảo của người cháu đang đi học nhờ bán, lúc nói của mình và xem ra không có vẻ sốt sắng khi tôi đề nghị đưa việc mua bán ra chính quyền. Theo ý chị ta thì mua bán nhà cửa bây giờ cũng như mua cái xe máy, viết tay rồi nhà mình mình ở, ai đuổi được. Nhưng tôi mua nhà không phải để chờ bị đuổi và càng không thể đồng ý cái kiểu bị người khác đùa giỡn trên đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Nghĩ thế thôi, lòng vẫn vấn vương cho đến hôm sau, trở lại ban ngày, phát hiện toàn bộ chiều dài mặt trước của khu nhà, phần tiếp giáp mặt đất bị nứt ra, bật lên hơn nửa tấc.

Cho đến thời điểm này, giá nhà ở Hà Nội đã tương đối chững lại, có vẻ hơi lên một chút và ít có khả năng xuống. Tuy nhiên, nhà cho người có thu nhập thấp vẫn là bài toán trong... mơ, bởi thu nhập thấp nghĩa là chỉ đủ để sống hơi chật vật giữa thủ đô thì làm gì có tiền để dành đủ mua căn nhà khiêm tốn từ 380 đến 500 triệu. Ấy là cái giá “khả mua” và “khả bán” nhất vì thấp hơn chỉ có cách mua nhà không giấy tờ rồi... nín thở chờ đợi hoặc mua đất nông nghiệp có hy vọng được chuyển mục đích sử dụng. Nhưng, đã làm Chí Phèo thì phải... cùn, ít ai có trong tay độ 200 đến 300 triệu lại tự đặt mình vào tình trạng lửng lơ cá vàng với nhiều khả năng mất trắng. Còn với người có số vốn dưới 200 triệu thì tốt nhất là tìm một cơ hội làm ăn hoặc đầu tư nào ít rủi ro nhất để bảo toàn vốn và chờ dịp phất. Bét ra cứ gửi ngân hàng kiếm lãi bổ sung vào bữa ăn hằng ngày, hay có nguồn cố định để thuê nhà, được vậy khoản này coi như... miễn phí. Tuy nhiên... “bài thuốc” này không dùng cho người bị bệnh tim mạch, đặc biệt trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt như hiện nay.

Lý sự tìm nhà

Nếu như rất nhiều diễn viên điện ảnh, ca sĩ, nhạc sĩ thành danh... nói rằng họ đến với nghề do sự tình cờ, thì trong lĩnh vực đi xem nhà, đất tôi thấy cũng vậy! Tình cờ... đi tìm nhà ở, tôi phát hiện cái thú của người biết đủ thứ linh tinh, nhất là có thể tham gia trao đổi đến nơi đến chốn vào cái đề tài đang là mối quan tâm của nhiều người. Và đặc biệt, trên đường “thiên lý” nhà ở, tôi đã có dịp chia sẻ sâu sắc tâm trạng với những người cùng hoàn cảnh, để có thể nói một câu na ná như ai đó khi Neil Amstrong và Apolo 11 lên tới mặt trăng: Thế giới gần nhau lắm!

Tuy nhiên, cũng như Amstrong chỉ mới bước lên mặt trăng, trong muôn trùng bí ẩn vũ trụ mà con người khao khát chinh phục, phương tiện của tôi vẫn là “con tàu” 400 - 500 triệu và không gian là những căn nhà trong ngõ sâu hun hút hoặc những căn hộ tập thể đã xuống cấp và cơi nới, tu sửa cả chục lần nhưng còn ở được. Mới năm ngoái thôi, có lần đọc báo “bắt được” căn nhà cấp bốn 35 mét vuông đất trong ngõ gần Đại học Y Hà Nội thuộc quận Đống Đa, tôi điện thoại cho chủ nhà rồi hộc tốc chạy đến sợ có người tranh mất. Giá bán 550 triệu, hơi quá so với khả năng nhưng nghĩ cũng đáng, bởi trên ấy dân trí vẫn được xem là cao hơn hẳn so với nơi tôi đang thuê ở tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, cách đây mấy năm còn gọi là làng. Nhưng cuối cùng, tôi đã không bao giờ đến được ngôi nhà “mơ ước" đó vì sau khi trải qua 5, 6 con ngách, bấm điện thoại, chủ nhà bảo đi qua 3 ngách nữa rồi... gọi lại. Tôi trở ra, trong lòng không kịp chán nản vì còn phải dắt lùi xe do không có chỗ quay đầu và liên tục hỏi dò lối ra đường lớn!

Như đã nói, điều đó không ảnh hưởng đến nhu cầu xem nhà đã trở thành thú vui của tôi. Nhà trong ngõ không được thì chung cư. Nhưng hiềm cái, loay hoay với mấy cái nhà dưới đất, ngước lên đã thấy giá chung cư cao không kém cái thế sừng sững chọc trời của nó. Tiền như tôi mà nghĩ đến căn hộ Định Công hay Bắc Linh Đàm lúc này nghe oi ả quá! 600 - 700 triệu cho một “tòa” trên 30-40 mét trời cao và cao hơn thế nữa! Cầm lòng vậy, xuống thang, chọn loại nhà nửa tập thể, nửa chung cư mới xây vài năm trước ở 29 Lạc Trung. Giáp Tết, “thách đấu” với chủ một căn hộ tầng năm, chừng 55 mét vuông, đầu hồi. Chủ ra giá 520 triệu, trả 430 triệu chưa thỏa thuận được. Sau Tết, chưa kịp hỏi lại “nàng” đã vội lên chuyến xe hoa nghe đâu 460 triệu. Xoay sang những căn khác cùng khu, tầng 4, 5: 500 - 600 triệu; tầng 3: 600 - 700 triệu; tầng dưới nữa: đừng có mơ hoang! Lại còn chuyện này nữa: “Họ chỉ rao thế thôi, không bán đâu, nhiều chủ đã có nhà trên phố, những căn này chỉ để dành chờ giá lên nữa đấy” - chị Hà, người thuê một căn hộ ở đây với giá 800.000 đồng/tháng, tiết lộ. Ra vậy, nhiều chủ rao chỉ để biết và để sướng vì thấy giá trị tài sản mình cứ tăng vọt từng ngày chứ không thực có nhu cầu mua bán.

Miễn cưỡng, đành lùi thêm bước nữa, để mắt qua những căn hộ tập thể có “tuổi thọ” độ 30 - 40 năm, lấy diện tích kha khá, chừng 45 - 50 mét vuông bù cho cái thiệt thòi cũ kỹ. Chủ một căn hộ tầng 3, khu tập thể Bộ Y tế, dốc Thọ Lão đưa mắt scan (quét) một lượt từ đầu đến chân người mua, tỏ ý thiếu tin tưởng, rồi phán: không dưới 500 triệu. Chính xác mà nói thì cũng có những căn hộ tập thể cũ 300 - 400 triệu, nhưng diện tích chỉ chừng 20 - 30 mét vuông, trên cao, đã cơi nới, công trình phụ kém vệ sinh; hoặc tầng dưới thì thiếu ánh sáng, không thể tính đến chuyện ở lâu dài.

“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”!

Tôi có cô bạn thân, lập gia đình, ra riêng hồi đầu năm ngoái. Cũng thuộc diện “tình cờ” có nhu cầu như tôi nhưng đã nhanh chóng vay mượn anh em tậu luôn căn hộ 30 mét vuông, tầng 5 ở Thanh Xuân với giá 180 triệu. Cuối năm có người trả đến 300 triệu, “lãi ròng” những 120 triệu, nhưng bạn tôi bảo biết thế cho vui chứ bán đi chắc gì mua lại được. Cũng cô này trước đó một năm luôn cho rằng đường nhà cửa của mình chắc “thót hậu” suốt đời với mức lương văn phòng mấy trăm ngàn đồng một tháng. Thế mới hay không có gì bất biến và cũng như những chuyện vui buồn giữa chúng tôi mỗi lúc gặp nhau, sau mấy câu ta thán, toan lo là lại cười phe phé. Cũng phải nhận rằng trong chuyện nhà cửa, người có ít tiền lắm khi dễ mua hơn nhiều tiền và có vẻ bao giờ số tiền chuẩn bị so với căn nhà ta muốn mua cũng hụt đi đôi chút.

Quả tình, nhắc đến chuyện nhà cửa, cũng như tôi, bây giờ số người trông chờ vào Nhà nước chẳng còn là mấy. Thoảng hoặc nghe chuyện chính sách nhà cho người có thu nhập thấp cũng quan tâm, nhưng dấn vào một chút là ù cả tai và có ngay cảm giác mình như người ngoài cuộc. Lâu dần nhà ở cho người thu nhập thấp được hiểu như cơ hội làm ăn của người sẵn tiền sẵn của. Nhìn thì biết: nhà xây xong, mua rồi để đó vẫn nhiều. Nhà có người ở chí ít cũng được bán qua dăm bảy chủ. Còn với người có nhu cầu thực sự thì hoặc không đủ tiền mua, hoặc đành biến nó thành cơ hội kiếm chút ít bằng cách vay mượn tạm thời, mua xong bán trả. Vậy giải pháp nào cho người có thu nhập thấp? Mọi chuyện có lẽ phải trở lại từ đầu. Và, điểm bắt đầu chưa phải sẽ xây bao nhiêu căn hộ mà là định nghĩa chính xác khái niệm người có thu nhập thấp và thu nhập đó là bao nhiêu. Mặt khác, có một cơ chế để bảo đảm chắc chắn rằng nhà được xây lên đến đúng tay người có nhu cầu sử dụng.

Mỗi người có một lý do khác nhau để nói về tầm quan trọng của ngôi nhà với họ. Còn anh bạn tôi tên Hoàng, cán bộ Đoàn ngành đường sắt, đang lọ mọ làm ngôi nhà cho mình, tâm sự: “Bây giờ làm cán bộ mà hỏi ra chưa có nhà ở, đời sống khó khăn thì nói chẳng ai nghe đâu!”. Xem ra nếu không cực đoan quá sẽ hiểu điều anh nói là có lý.

Chuyện nhà cửa nhiêu khê là vậy nhưng đêm đến, ngoại trừ những người cơ nhỡ hoặc lang thang trên đường vì những lý do lãng mạn, đâu có ai phải sống ngoài đường. Và tôi, dẫu chưa mua được nhà thì tỉ lệ nụ cười mỗi ngày vẫn nhiều hơn nhăn nhó. Nhưng cũng đôi khi tự hỏi: Vì sao thế giới ngày nay người ta không còn suy tính nhiều đến chuyện đói, no mà đã chuyển mối quan tâm qua vấn đề “sang trọng” hơn, đó là chất lượng cuộc sống.

Theo KTNN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.