"Ký ức đánh rơi" - Truyện ngắn của Yến Linh

15/12/2007 20:08 GMT+7

Trước khi biến mất, Khoa đẩy cho tôi mẩu giấy xé vội. Trên ấy là số điện thoại mới của gã. Gã cười tăm tối sau khi nhấp ngụm cà phê. Có gì đó lạnh toát chạy dọc sống lưng tôi.

>> Nghe đọc truyện

- Tôi sẽ đi! Khi nào cần, hãy gọi cho tôi!

Tôi nhấp ngụm cà phê, mân mê mẩu giấy, vuốt những nếp gấp thật thẳng thớm. Vô nghĩa! Không rõ ràng những vệt cứa trong tim. Cảm xúc nhập nhằng bấn loạn khó gọi thành tên. Không tài nào đặt cho nó một tên gọi. Là buồn? Là nhớ? Là hụt hẫng hay trống vắng? Khoảng im lặng tưởng kéo dài bất tận. Tôi rơi tõm vào một hố thẳm nào đó, không thể tìm được phương hướng. Nhưng nhanh chóng, tôi định thần lại được. 

Cuộc đời nào mà chẳng có những cuộc chia tay. Có gì là mãi mãi đâu ta ơi... Huống chi đây không phải là tình yêu.  

Tôi hờ hững chúc vội vài câu, không hề hỏi Khoa sẽ đi đâu, làm gì.

Bấy giờ là mùa đông. Gió lạnh táp vào da thịt. Khoa khoác lên người tôi chiếc áo jean bạc thếch nồng mùi mồ hôi, trước khi vụt qua tôi trên chiếc xe Vespa cổ loang lổ tróc sơn.

Tôi và Khoa, mối quan hệ được hai đứa gán cho danh nghĩa bạn bè. Vì thế, việc Khoa biến mất không có gì phải buồn. Đó là quyết định của gã. Thành phố hơn tám triệu dân thiếu vắng một người cũng chẳng hề hấn gì. Xuất hiện và biến mất luôn là quy luật tất yếu của tất cả mọi thứ trên cõi đời. Nếu gã là "ai đó", hẳn mọi thứ sẽ khác đi. Đằng này, chỉ là Khoa. Chỉ là gã. Chỉ là thiếu vắng một người cùng ngồi cà phê vào những ngày thành phố trở gió. Có gì mà phải buồn. Tôi tự nhủ, ép mình vào lối tư duy AQ.

Khoa gọi bồi bàn mang ra gói Caraven. Gã đốt thuốc, rít mạnh, nhả khói. Chúng tôi chơi trốn tìm đâu đó trong miên man suy nghĩ của riêng mình. 

Tôi nhớ, sau buổi gặp trong chu kỳ những thứ bảy lãng đãng buồn hôm ấy, tôi không vội về nhà ngay mà lang thang qua vài con đường nhiều cây của trung tâm thành phố. Đi dạo dưới những hàng cây tĩnh lặng bao giờ cũng khiến người ta thư thái, dễ chịu hơn nhiều. Lá bàng xao xác dưới chân. 

Mệt mỏi trên những con đường cô độc, tôi dừng lại nhờ người bán tò he nặn con tò he mang gương mặt mình. Vài phút sau, trên tay tôi là khuôn mặt vô hồn lạnh lẽo. Đôi mắt màu bóng đêm u tối ngạo nghễ, nhìn tôi thách thức. Tôi nhếch miệng cười cảm ơn chiếu lệ. Rồi đi. Rồi tiếp tục hành trình đơn độc trong ý nghĩ trên đường. Quanh co thêm ở vài khúc cua với con tò he trong tay, tôi dừng lại chào thằng bé bán châu chấu làm bằng lá dừa, mua chín con. Số chín là số may mắn mà. Thằng bé mỉm cười hạnh phúc lẫn ngạc nhiên khi đưa những con châu chấu cho tôi. Thời bây giờ người ta không thích những thứ này cho lắm. Thảng hoặc chỉ là vài cô cậu lãng mạn nào đó muốn thưởng thức phong vị đồng quê.

Tôi chùng lòng khi nghĩ đến Khoa.

Những con châu chấu trên tay và khuôn mặt bụi bặm, lạnh lẽo vô hồn của Khoa hiện ra trong trí óc. Khoa thích sưu tầm những con châu chấu. Gã treo chúng trên vách, trên trần nhà hay để bất kỳ nơi nào. Có thể gã sẽ sơn phết cho những con châu chấu màu đỏ của máu, màu đen hoặc những vệt màu u ám xám xịt loang lổ kỳ quặc. Những con châu chấu bằng giấy, bằng lá dừa, bằng xương thịt đau đớn chung một số phận.   

Tôi mở túi xách, lục tìm mẩu giấy Khoa đưa cho. Nó nằm đâu đó dưới đáy túi. Và ngay lúc ấy, tôi nghĩ mình định nghĩa được thứ cảm giác bên trong mình. Là nuối tiếc. Là hụt hẫng. Là muốn văng tục chửi hai gã thanh niên tóc nhuộm xanh đỏ vừa vụt qua mình với chiến lợi phẩm là chiếc túi màu xám trên tay. 

Tôi thật sự mất Khoa từ hôm ấy. Khoa thật sự biến mất khỏi cuộc sống tôi tại ngã tư đèn xanh đỏ vào tối ấy. 

Không còn những thứ bảy lãng đãng buồn, ngồi chung chiếc ghế đôi ở quán cà phê quen, mặc kệ người ta nghĩ mình là hai kẻ yêu nhau. Không còn những buổi trò chuyện trong lặng im, là câu chuyện rối rắm bằng tín hiệu, ngôn ngữ của ánh mắt. Cửa sổ tâm hồn tố cáo sự hoang mang tận cùng không lối thoát của chủ nhân.

***

Không còn những ngày thứ bảy trôi chầm chậm. Công ty nhộn nhịp khác thường và mệt mỏi chất chồng vào mỗi cuối tuần. m thanh của những đôi giày đen bóng loáng, những đôi guốc cao vang lên vội vã và mất hút trên những bậc thang. Sếp trẻ luôn muốn tất cả công việc phải hoàn thành vào ngày cuối tuần. Sang tuần mới, mọi thứ phải mới mẻ. Mới mẻ! Anh chị là người trẻ, phải hiểu điều đó! Sếp nhấn mạnh bằng giọng bề trên, đôi mắt sau cặp kính gọng vàng nhíu lại. Nhân viên ngoan ngoãn lắng nghe, hoặc giả vờ chăm chú lắng nghe. Chống đối  chỉ tuyệt đối nằm trong ý nghĩ. 

Tôi không chống đối, không mặn mà lắm với những gì sếp trẻ nói. Mặc! Cứ để y chứng tỏ quyền uy. Chỉ có điều, thoáng đôi khi tôi nghĩ đến lời nói của y. Và tôi, tôi cũng là một món nằm trong bộ sưu tập của y. Cuộc sống luôn đòi hỏi những sự mới mẻ. Văn thơ, âm nhạc, thời trang... Đâu đâu người ta cũng nói tới sự mới mẻ trong sáng tạo. Đương nhiên, cả con người cũng không nằm ngoài cuộc. Mỗi ngày thức dậy với nào quần áo mới, nào keo tóc, nào phấn son. Mà ta vẫn xưa cũ trong chính ta. Tuy nhiên, sếp trẻ không nhận ra điều ấy trong tôi. Tôi mang đến cho y cảm giác khác lạ. Thế là quá đủ. Có thể nó đến từ da thịt mát rượi, trắng hồng. Hay là từ tâm hồn phức tạp, không muốn thuộc về ai. Tôi không giống những đứa con gái phục tùng bên chân y, miệng rên rỉ "Nếu thiếu anh chắc em sẽ chết". Tôi đã từng mất đi thương yêu, và tôi có chết đâu. Có lẽ bên cạnh những con búp bê xinh đẹp, y cần một người mang đến cho y cảm giác bất an.

***

Cuộc gọi đến vào tối thứ bảy trong quy trình hằng tuần. Như thường lệ, tôi lại chen chúc vật vã trong đám kẹt xe ở ngã tư X. Tiếng chuông điện thoại đổ dồn cáu bẳn trong túi. Khi lôi nó ra được thì chuông điện thoại cũng vừa tắt. Cố thoát khỏi đám người lố nhố, tôi nhích từng vòng xe. Thoát ra được, tôi dừng xe trên vỉa hè bấm nút gọi lại.

Không có tiếng "Alô" như các cuộc gọi thông thường. Giọng nói bên kia đầu dây trách móc một cách yếu ớt.

- Tôi đã chờ em ba năm rồi. Không khi nào em thấy cần tôi sao?

Tôi định thần mất mấy mươi giây để nhận ra giọng nói của Khoa. Gã tiếp tục trách móc tôi bằng sự im lặng kéo dài. Lẽ ra tôi nên nói rõ sự thật rằng, chiều hôm đó, sau khi gặp gã, tôi đã bị giật mất túi xách. Vì thế số điện thoại của gã cũng biến mất. Nhưng tôi im lặng. Sự im lặng đã dần trở thành bản năng khiến không khí trở nên ngột ngạt. Chỉ còn nghe tiếng thở mệt nhọc qua điện thoại. Khoa kết thúc khoảng im lặng đáng sợ ấy. Gã lên tiếng:

- Ba năm qua em sống thế nào?

Sống như thế nào ư? Thì sống như mình không chết, không thể chết được, dù rất muốn. Mà để sống thì trước tiên phải ăn. Buổi sáng nuốt ổ bánh mì khô khốc vào dạ dày. Buổi trưa chen chúc trong quán bình dân, cố nuốt thứ cơm mà bụi đường trộn lẫn với rau, thịt, cá. Mỗi ngày cứ trôi qua như thế. Còn tinh thần? Ba năm ấy với em? Học điên cuồng. Bởi vắng anh và những thứ bảy. Ra trường, xin việc. Không kiếm nổi một gã trai lấp chỗ trống, dù chỉ để nói vài câu chuyện phiếm. Rồi đi làm. Cũng biết mưu mô, lừa lọc, tàn nhẫn với chính lương tâm mình. Kệ hết! Vì anh vẫn bảo lương tâm là thứ đáng mang cho chó gặm mà. Sống lương thiện mãi cũng chẳng được gì. Chi bằng, bằng mọi giá phải đạt được tham vọng. Bằng mọi giá phải thay đổi cuộc sống. Em đã trở thành trợ lý giám đốc với công việc của một thư ký riêng cần mẫn. Tất nhiên, em đã phải đánh đổi bằng cái giá tương đối chấp nhận được. Người ta vây quanh em xu nịnh và cả những lời xì xầm sau lưng. Mặc kệ tất cả. Cứ ngẩng cao đầu bước đi. Dây thần kinh xấu hổ đứt phựt từ lúc nào rồi. Anh hỏi vì sao em lại thay đổi đáng sợ như thế ư? Cuộc sống dạy em thế. Đơn giản là công ty em đang làm việc cũng là nơi cô ta làm việc. Anh hỏi cô nào ư? Là cô gái đã đến gặp em tại quán cà phê của chúng ta. Không uống nước, không nói câu xã giao thông thường nào. Cô ấy chỉ bảo em rằng hãy buông tha anh ấy ra. Anh ấy không thuộc về em. Em mãi mãi là con bé nhà quê ngốc nghếch. Em không hiểu là anh ấy chỉ xem em như món tráng miệng lạ trong bữa ăn ê hề thịt cá sao? Cô ấy nhìn em thương cảm. Lúc ấy tai em lùng bùng quá. Em có nghe gì nữa đâu. Cô ấy là người có học, nghe đâu đã học  thạc sĩ, gia đình có truyền thống lâu đời. Vì thế, cách xúc phạm người khác cũng đầy nghệ thuật.

Sau hôm ấy, em nhanh chóng biến khỏi cuộc đời anh ấy. Anh được kéo vào lấp chỗ trống. Lang thang ở Uđon. Quán cà phê trang trí toàn màu trắng. Màu nguyên thủy, màu khởi nguồn cho mọi màu. Cửa sổ hướng ra những chung cư cao tầng. Anh không hỏi lý do. Những cuộc hẹn thứ bảy anh luôn đến sớm và sẵn sàng ngồi cả ngày cùng em. Đủ cho em bình tâm lại. 

Ba năm, hơn một ngàn ngày phải không anh? Mỗi sáng thức dậy, em đã tập thói quen chạy đến gương nhoẻn cười với mình. Công ty không thiếu những cô gái trẻ đẹp luôn chờ thế vị trí em. Không được để sếp trẻ thấy mình mệt mỏi. Sếp bảo em sở hữu nụ cười đẹp nhất trần đời. Vậy thì tại sao lại không ban phát, anh nhỉ? Thế nhưng có hôm, cố mãi vẫn không rặn ra nổi một nụ cười. Phải tự lấy tay kéo khóe miệng ra. Nụ cười căng như sợi chỉ. Đôi khi nhìn mình trong gương, em lùi lại vì sợ hãi chính mình. Có phải mình đó không? Này phấn son, này lớp mặt nạ trên gương mặt. Đằng sau những thứ ấy, còn lại gì? Chút rơi rớt của tâm hồn lương thiện khiến em đau đớn, rơi tõm vào biển sâu cô độc tối om.

Mà điều này, điều em sắp nói đây, hơi điên rồ anh ạ. Nhiều buổi sáng thức dậy, em muốn mình mất trí nhớ đi. Mất sạch. Như khi ta nhấn Delete và Empty Recyde Bin luôn. Không cách nào có thể phục hồi. Nghe bảo uống cà phê đen nhiều, thức khuya nhiều trí nhớ sẽ giảm sút. Em đã mày mò làm thế. Ba cốc cà phê đen không đường đắng ngắt uống vội vàng mỗi đêm. Rồi ngồi đó, cạnh cửa kính, vén tấm rèm màu xám nhìn ra bên ngoài, chờ đến khi những ô cửa sổ dần tắt đèn. Bóng tối hun hút sau cửa sổ có sức hút mãnh liệt đối với em. Em yêu sự cô độc hơn mọi thứ trên đời. Có khi, sau lớp kính, em nhìn thấy cả sao, cả trăng. Không sáng lắm song đủ cho thấy vài đôi đang hôn nhau vội vã bên gốc phượng già dưới sân chung cư. Có vẻ những hiểu biết của người ta về tác hại của cà phê và thức khuya là không đúng. Cà phê và những đêm thức đến hai, ba giờ sáng không có tác dụng trong việc làm giảm sút trí nhớ. Quên những cái không đáng quên còn những cái muốn quên lại hiện ra mồn một trong đầu. Mệt mỏi. Rệu rã với ký ức và kỷ niệm ngủ quên.

Ý nghĩ sắp xếp trong đầu. Suýt nữa tôi bật thành lời. Có thể vì thói quen nói thẳng với nhau mọi thứ nên tôi đã không kềm được lòng mình. Định thần giây lát, tôi trả lời nhanh chóng, không vấp váp:

- Em vẫn sống ổn. Còn anh?

- Không ổn. Không ổn chút nào. Tôi cần em.

Cho đến khi Khoa biến mất, tôi có nghe vài thông tin về gã. Khoa về làm việc cho một công ty tin học. Được vài tháng, công ty bị công an kinh tế tóm vì vi phạm bản quyền phần mềm. Khoa nghỉ việc, biến hẳn khỏi thành phố. Dò hỏi không mang lại kết quả gì. 

- Tôi cần em, ngay lúc này. Tôi cần thật sự, rất cần!

***

Ông xe ôm nhìn địa chỉ dài ngoằng trên giấy, lắc đầu. Ngay cả những người tìm đường chuyên nghiệp nhất còn không biết thì tôi biết tìm đâu bây giờ. Tôi quay xe dợm quay về. Vừa lúc ấy Khoa trờ xe tới. Khuôn mặt hốc hác ánh lên nụ cười tăm tối:

- Tôi biết, thế nào em cũng sẽ bỏ cuộc.

Tôi cười chống chế.

Khoa quay xe dẫn đường. Con đường nhỏ mất hút sau những khúc quanh không tài nào nhớ nổi. Con hẻm chào đón tôi bằng không gian tối mịt. Cảm giác như đang đi giữa địa ngục. Khoa bảo tôi bật đèn xe. Ánh sáng soi rọi những gương mặt. Mấy đứa trẻ ngồi trước nhà, vài người đàn bà đang nhặt rau. Trong không gian của địa ngục này vẫn còn sự sống ư?

Cuối hẻm, ánh sáng vỡ òa. Khoa giúp tôi dựng chân chống xe. Gã ở trên căn gác một ngôi nhà cũ kỹ. Cầu thang già nua rung lên bần bật dưới bước chân. Quần áo ngổn ngang trước hiên, từ trên mái xuống. Không thể tin Khoa đang sống ở đây. Một Khoa hào hoa, lãng tử với cái vẻ cười ang ác đâu rồi? Một Khoa là niềm ao ước của những cô gái muốn đổi đời đang ngồi đấy ư?  Đọc được những suy nghĩ trong đầu tôi, Khoa lên tiếng:

- Tôi thích ở đây. Dạo gần đây, tôi mắc bệnh sợ hãi với cái gì rộng quá mức. Sợ cả con người. 

- Một bệnh lạ.

Tôi cười chiếu lệ, đưa mắt nhìn khắp căn phòng rộng chưa đầy ba mét vuông.

 Những cuốn sách hoen ố nằm lăn lóc. Ấm, tách cáu bẩn chứng tỏ lâu rồi không có khách. Khoa vẫn giữ sở thích về những con châu chấu ma. Mạng nhện giăng chằng chịt trên chúng. Một góc khác, như là sự sắp đặt vô tình trong ý nghĩ hoảng loạn, Khoa vung vẩy những nhát cọ lớn màu máu. Màu đỏ bầm, đen đặc, bết lên tường. Tôi co người rụt lại trong góc ngồi. Khoa đứng dậy pha trà. Chưa thẳng người lên được thì gã đã ngã sấp xuống sàn nhà. Tôi cuống quýt, hốt hoảng. Khoa trấn an qua hơi thở yếu ớt. Gã muốn nằm một lát. Một lát thôi. Gã thều thào.

Đêm ấy Khoa lên cơn sốt. Đầu nóng hầm hập. Gã liên tục kêu khát nước. Gần sáng, nhiệt độ  giảm chút ít. Gã mệt mỏi mở mắt, nắm lấy bàn tay tôi đang ở trên trán gã. Gã nài nỉ, hãy để thế này. Một lát thôi.

Tôi gọi điện thoại xin sếp trẻ nghỉ việc vì bận việc nhà. Khoa cuống quýt, hay em đang có ý định biến mất. Tôi cười nhếch mép, cũng có thể. 

Tôi lần mò trong con hẻm mịt mùng, ra đường mua cháo cho gã. Gã ăn được vài muỗng lại nằm vật ra nền. Căn phòng chật chội, chỉ vừa chỗ cho hai người. 

Nếu đúng theo lý thuyết hành vi của Watson thì khi cùng nhận phản ứng như nhau, sẽ cho ra kích thích như nhau. Như khi da thịt chạm vào nhau thì bản năng sẽ trỗi dậy. Như khi anh - người tôi yêu thương và căm hận suốt cả đời đã làm thế với những hứa hẹn ngọt ngào. Khoa thì khác, mặc dù chúng tôi đang nằm cạnh nhau, da thịt chạm vào nhau, hơi thở phập phồng khiêu khích. Điều duy nhất Khoa làm là hôn nhẹ lên trán tôi. Nụ hôn của sự tôn thờ. Gã bảo tôi mang gương mặt của Đức mẹ Maria. Đừng đánh mất sự lương thiện, đừng làm vấy bẩn nó. Tôi cười nhạt nhẽo, chua chát. Sao ngày xưa gã bảo tôi đừng lương thiện quá, giờ lại hối tiếc? 

Tôi đã chết. Sự lương thiện cũng đã chết từ cách đây ba năm. Không có người lương thiện nào lại quyết định hành quyết một con người chỉ trong vòng nửa tiếng. Tôi đã chết từ khi bước vào căn phòng trắng toát, sực nức mùi ête ấy. 

Tôi câm lặng với những hình ảnh hiện về.

***

Năm ngày sau đó Khoa khỏi bệnh, người vẫn còn yếu ớt. Tôi lấy làm lạ tại sao gã lại bệnh lâu thế. Trước đây gã luôn tự hào rằng, người như anh có thánh vật may ra mới chết. Sao giờ nhìn gã mong manh đến thế. Tựa hồ gã không hề tồn tại trên thế gian này mà là từ cõi chết quay về. Hình như Khoa sợ tôi chạm đến không gian riêng tư của gã. Gã bảo tôi về đi làm đi. Như thế là đủ rồi. Cảm ơn em nhiều lắm. Anh ổn rồi. Gã dấm dẳng, gần như xua đuổi.

Tôi không bận lòng. Tôi nợ gã rất nhiều. Nợ ân tình có trả ngàn năm cũng không hết. Tôi bảo, thứ bảy mình sẽ đến. Gã không trả lời. Gã biết, tôi đã quyết điều gì là không ai cản nổi. Cũng như khi tôi bảo giữa tôi và gã chỉ có thể là bạn, bạn thân hay cái gì đó cũng được, nhưng không bao giờ là tình yêu. Vì thế gã chọn cách biến mất với tình yêu dành cho tôi, như dành cho Đức mẹ Maria.

Tình yêu dành cho Đức mẹ Maria. Thứ ấy, tôi không cần. Nó chỉ gợi lại những nỗi đau. Nó cứa vào tôi những vết cắt độc ác. Đức mẹ Maria trong sáng đến từng tế bào tâm hồn. Và những người mẹ thì không bao giờ giết đi con mình. Tôi trái ngược với cả hai.

***

Tôi nợ gã một tình yêu không bao giờ trả được.                                                                                               

Khoa lại biến mất khỏi cuộc đời tôi. Lần này không có mẩu giấy nào ghi lại địa chỉ. Chỉ có tờ giấy notes màu vàng dán lên vách tường máu. Câu nói cửa miệng của gã. Tôi muốn ngủ, chỉ một lát thôi. Nét chữ nguệch ngoạc, run rẩy cuối cùng của gã. 

Tôi gửi cho gã bức thư khi đốt kèm vàng mã. Đại loại, cho gã biết rằng, gã nằm trong ký ức đánh rơi của tôi. Biết đâu, ngày mai này, vì tác dụng của cà phê, của mấy năm trời thức khuya, tôi sẽ mỉm cười hạnh phúc hân hoan khi biết mình mất hẳn trí nhớ. Không còn chút ký ức nào. Không còn thứ giày vò mình mỗi ngày.

Ngày mai là ngày mai. Hôm nay, tôi quyết định liệt thêm gã vào những thứ nằm trong mớ ký ức hỗn độn, đánh rơi đâu đó trên đường.

Ngày mai không có vùng ký ức đánh rơi kia nữa! 

Y.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.