Xét xử vụ án buôn lậu tại Tây Ninh: Lại chuyện hàng trăm tấn hàng chui qua "lỗ kim" hải quan

20/12/2004 23:43 GMT+7

Sáng qua 20/12, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án buôn lậu, thiếu trách nhiệm... xảy ra tại cửa khẩu Mộc Bài của TAND tỉnh Tây Ninh đã khai mạc đúng như dự kiến. Nhiều vấn đề băn khoăn của dư luận đã được đặt lên bàn Hội đồng xét xử (HĐXX) ngay trong ngày làm việc đầu tiên này.

Phòng xử án không còn chỗ trống do có gần 200 người tham gia tố tụng và tham dự phiên tòa. Ngay sau thủ tục khai mạc, không khí đã bắt đầu "nóng" khi 2 luật sư Lê Hồng Nguyên và Phạm Hữu Tình (cùng bào chữa cho hai anh em bị cáo Tiêu Văn Tố và Tiêu Thị Nhung) đề nghị HĐXX xác định lại... quốc tịch của 2 bị cáo Tố và Nhung, "nếu cần thiết thì hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung" vì có nhiều dấu hiệu cho thấy cả hai đều là người Campuchia. Tuy nhiên sau nhiều lần hội ý và đối chiếu tài liệu, HĐXX xác định "có cơ sở cho thấy Nhung và Tố là người có quốc tịch Việt Nam" và quyết định tiếp tục phiên tòa.

Buổi chiều, 2 kiểm sát viên đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh thay phiên công bố nội dung bản cáo trạng truy tố 32 bị cáo để mở đầu cho phần xét hỏi. Theo cáo trạng, do có nhiều "mối quan hệ" với cơ quan chức năng của tỉnh Tây Ninh nên suốt thời gian dài Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Doanh nghiệp (DN) tư nhân Hạnh Phúc đã đứng ra "thầu độc quyền" vận chuyển hàng hóa cho các đầu mối buôn bán tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Nhưng lượng hàng hóa được giao cho Hạnh vận chuyển ngày càng nhiều, các đầu mối buôn bán tề tựu đến "ký hợp đồng" làm ăn với Hạnh ngày càng đông không phải vì "uy tín, chất lượng" mà chỉ vì Hạnh mang hàng qua cửa khẩu chỉ tốn khoảng 50% tiền thuế. Đã vậy, số 50% ấy "bà chủ Hạnh" cũng chỉ đóng tượng trưng cho Nhà nước, phần lớn còn lại chiếm đoạt tiêu xài. Tất nhiên, nếu "bà chủ Hạnh" không phải là một đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, không nhờ có những mối quan hệ "mạnh" với các cơ quan chức năng tại địa phương thì "quy trình buôn lậu khép kín" nói trên cũng không dễ gì hình thành và tồn tại trong suốt thời gian dài như vậy.

Mãi đến ngày 23/3/2003, khi lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (nay là Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) của Công an Tây Ninh bắt quả tang một chuyến hàng do DN Hạnh Phúc vận chuyển từ Km số 0 về TP.HCM có chứa 300 viên ma túy tổng hợp thì "bức màn bí mật" về đường dây buôn lậu này mới được "vén" lên. Kiểm tra hồ sơ thông quan lô hàng trên tại Hải quan cửa khẩu Mộc Bài, cơ quan chức năng mới "tá hỏa" vì toàn bộ lô hàng gần 11 tấn nhưng chỉ khai "tượng trưng" là 1,8 tấn (!). Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện DN Hạnh Phúc đã nhập gần 880 tấn hàng nhưng chỉ làm thủ tục hải quan có 78 tấn, tức là chưa đến 9% số hàng thực nhập. Tổng số hàng trên, lẽ ra Nhà nước phải thu được trên 6,6 tỉ đồng tiền thuế nhưng thực tế chỉ thu được chưa đến 480 triệu đồng.

Tuy nhiên, một tình tiết khiến dư luận rất chú ý là tại cơ quan điều tra bị cáo Hạnh đã khai rằng "mỗi chuyến hàng qua cửa khẩu đều chi cho cán bộ hải quan kiểm hóa từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng"; nhưng các cán bộ hải quan không ai thừa nhận điều này. Bởi vậy cuối cùng tất cả 26 "bị cáo hải quan" (gồm 3 cựu lãnh đạo và 23 cán bộ kiểm hóa của Hải quan cửa khẩu Mộc Bài) chỉ bị Viện KSND tỉnh Tây Ninh truy tố về tội "thiếu trách nhiệm...". Mặc dù vậy, tất cả 32 bị cáo trong vụ án đều kêu oan.

Hôm nay 21/12, Hội đồng xét xử bắt đầu xét hỏi các bị cáo.

Minh Thuận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.