Sứ giả của nghệ thuật đương đại

03/08/2012 03:50 GMT+7

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - người từng là đại sứ nước ta tại Liên minh châu u và Thụy Sĩ cho rằng: “Nếu còn là đại sứ, tôi hoàn toàn không ngại ngần mang cuốn sách này làm quà tặng cho nước ngoài, để họ hiểu thêm về văn hóa Việt Nam”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - người từng là đại sứ nước ta tại Liên minh châu u và Thụy Sĩ cho rằng: “Nếu còn là đại sứ, tôi hoàn toàn không ngại ngần mang cuốn sách này làm quà tặng cho nước ngoài, để họ hiểu thêm về văn hóa Việt Nam”.

Cuốn sách mà bà Ninh nói đến chính là Vietnamese Contemporary Art (Nghệ thuật đương đại Việt Nam). Ông Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri thức - bà đỡ của những tác phẩm hàm lượng tri thức cao nhưng khó bán - vui mừng: “Với sự ra đời của sách, nghệ thuật đương đại của chúng ta đã chính thức có hộ khẩu”.

Đào Anh Khánh mặc bộ vét xanh như một con sâu rau từ đầu tới chân trong buổi ra mắt cuốn sách cuối tuần trước. Nghệ sĩ của những buổi trình diễn này nói ngắn: Cảm ơn các nhà nghiên cứu vì đã lựa chọn và đưa ra một bức tranh về nghệ thuật đương đại Việt Nam 2000-2010. Những tác phẩm kỳ khu nhất, thậm chí từng bị cho là vô giá trị, giờ đây đã được ghi nhận sau độ lùi của thời gian.

Sứ giả của nghệ thuật đương đại
Tác phẩm về chung cư của Nguyễn Mạnh Hùng trong cuốn sách 

Hai tác giả, hai nhà nghiên cứu của Viện Mỹ thuật là Bùi Như Hương và Phạm Trung đã không quên bất cứ một tác phẩm đánh dấu cho mỹ thuật đương đại nào, cho dù chúng gai góc và nghệ sĩ sáng tác từng chịu ném đá như tội đồ. Sắp đặt băng bó trắng xóa những gốc cây trong Văn Miếu hồi năm 1997 của Trần Anh Quân, Nguyễn Văn Tiến cũng có chỗ trong cuốn sách. Điệu múa - cũng là biểu diễn của nghệ sĩ “chim di cư” Trương Tân cũng được nhắc tới ở đây. Nếu như những tác phẩm nói về người đồng tính giờ đây được coi là nhân đạo, sẻ chia thì ngày đó, là nghệ sĩ đi đầu, Trương Tân thật lạc lõng trong mắt phần lớn người đời…

Từ một nhóm nhỏ tiên phong ban đầu, nghệ thuật đương đại đã lớn lên và qua thời gian đã có những nghệ sĩ trụ lại với bản sắc riêng. Đó là Trương Tân duy mỹ trong chất liệu và run rẩy, mong manh trong cách thể hiện. Đinh Ý Nhi với cái nhìn nội tâm lặng lẽ mà không xa vời gửi trong những hình người vặn gối. Nguyễn Mạnh Hùng càng lúc càng chững chạc với những suy tư mang tính xã hội nhưng được thể hiện bằng hình tượng lặp đi lặp lại là chiếc máy bay (ảnh hưởng nghề nghiệp của cha) và những khu tập thể cao tầng kiểu cũ. Đinh Q.Lê lừng lững với những tác phẩm được bảo tàng nước ngoài mua, và giờ đây cũng đang nhen những sân chơi khác tại TP.HCM. Những khuôn mặt đã không ngại khó để đi tiếp con đường nghệ thuật mới mẻ mà theo nhà nghiên cứu Bùi Như Hương “dù chúng ta đã có những đỉnh cao, chúng ta phải đi tiếp con đường khác, và phải đi chứ không thể đi đường cũ”.

Đi để rồi nhờ đó, như chính nhóm tác giả đã thấy, họ đã để lại dấu ấn: của cả tài năng lẫn sự lao động liên tiếp có thành quả qua triển lãm cá nhân đều đặn. Nguyễn Xuân Sơn hẳn sẽ rất vui vì thứ âm nhạc khác thường mà anh chơi ở Nhà sàn Đức năm 2001 giờ đây đã có chỗ trong một đại nhạc hội thường niên là Hanoi Sound Stuff. Và Trần Lương cũng chẳng giấu nỗi tự hào vì những video art mà Nguyễn Trinh Thi làm thuở đó giờ đã in dấu đậm trong phong cách phim tài liệu của cô. Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã có khuôn mặt riêng, và lan nhanh qua nhiều loại hình cũng như nhiều mặt của đời sống.

Cuốn sách chỉ hơn 200 trang, như lời bà Bùi Như Hương khiêm tốn cho rằng đó chỉ như một cuốn nhật ký về một thời kỳ, để sau này các nhà nghiên cứu có tư liệu mà viết về lịch sử nghệ thuật nước ta. Nhưng đằng sau sự khiêm tốn đó, thấp thoáng sự công tâm và thấu tình của nhóm nhà nghiên cứu nghệ thuật - thứ nghiên cứu vừa cần sự dũng cảm của khoa học, vừa cần sự tinh tế đến vi tế của tâm hồn.

Trinh Nguyễn

>> Nghệ thuật đương đại với thời trang
>> Chương trình nghệ thuật đương đại "Đối thoại
>> Cầu nối về nghệ thuật đương đại
>> Cuộc thi nghệ thuật đương đại "Viet-It

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.