Bà giáo của những mái đầu khét nắng

16/11/2005 21:53 GMT+7

Lớp tình thương của bà giáo Hoa Đám học trò và phụ huynh nghèo ở ấp Giãn Dân (phường Long Bình, Q.9, TP.HCM) vẫn quen gọi lớp học của mình như thế. Bà tên Đặng Thị Hoa. Ở cái tuổi 60, dù sức đã yếu do bệnh tật nhưng bà giáo còn minh mẫn và linh hoạt lắm.

Bà kể: "Hổng biết sao hồi nhỏ tui đã có ước mơ là được làm y tá hoặc làm cô giáo tiểu học. Lớn lên, tôi theo nghề giáo thật, đi dạy được một thời gian, phải nghỉ mất sức. Thế nhưng tình với tụi nhỏ còn nặng lắm. Cho đến năm 1999, tụi Mùa hè xanh về ấp Giãn Dân này tổ chức lớp hè cho thiếu nhi, tui thấy ham, ra coi. Những ngày cuối của chiến dịch, tui vô tình nghe được hai phụ huynh nói với nhau: "Thiệt khổ hết sức, mấy đứa Mùa hè xanh đi rồi, sắp nhỏ lại thất học, mù chữ trở lại...". Tui nghe mà xót xa, thế là quyết định đứng ra mở lớp học tình thương".

Không lương bổng, không cơ sở vật chất, "vốn liếng" ban đầu của bà giáo Hoa không có gì ngoài tình thương của một người bà, người mẹ, người giáo viên đối với đám trẻ dân nhập cư thất học. Bà giáo mượn được trụ sở ấp làm lớp học. Không có bàn ghế, mỗi học sinh được chia một ô gạch dưới nền nhà nhưng vẫn hàng ngũ ngay ngắn.

Lớp tình thương thu hút được nhiều học sinh bởi bà giáo theo chủ trương "học mà chơi, chơi mà học". Dù đã là một cụ bà cao niên nhưng bà giáo vẫn thường xuyên đứng giữa vòng tròn trẻ con để sinh hoạt, tổ chức trò chơi, ca hát nhảy múa! Để có được sĩ số 60 của một lớp học tình thương thực không phải dễ, bà giáo đã phải lặn lội đến từng nhà vận động. Những đứa trẻ không hộ khẩu, không nhà cửa, thậm chí chưa có giấy khai sinh đã được đến trường. Học trò của bà giáo không ít đứa đi bán vé số, đánh giày... tranh thủ nghỉ làm vài tiếng đồng hồ để đến lớp. Bà giáo tâm sự: "Khác với trẻ được đi học từ nhỏ, tay tụi nhỏ cứng còng, cô phải khổ luyện cùng trò, cầm tay uốn nắn một thời gian dài con chữ mới thành nét được!". Bà đặt ra mục tiêu "không chỉ xóa mù chữ mà còn tạo đủ điều kiện để học trò được vào học các lớp phổ thông". Đã có 17 em đạt trình độ để theo học lớp phổ thông hệ chính quy và bổ túc. Niềm vui lớn đã đến với cô trò khi vừa qua có một Mạnh Thường Quân đã xây cho lớp 2 phòng học khá khang trang, nhờ đó, lớp học vào nề nếp hơn.

Đến nay, bà giáo Hoa còn nhớ như in tên tuổi, khuôn mặt, tâm tính của tất cả 299 học sinh "tốt nghiệp" lớp học tình thương của mình và dõi theo cuộc sống từng đứa. Bà giáo vui vẻ "khoe": "Các thế hệ học trò của tui có tất cả 19 đứa đã được đi làm công nhân, nhiều đứa không còn phải đi lượm ve chai, bán vé số, đánh giày... vì được đi học nghề".

Không chỉ học chữ...

Lớp tình thương cô Hoa còn đặc biệt ở chỗ ngoài nội dung bài học, cô giáo dành khá nhiều thời gian để quan tâm đến hoàn cảnh gia đình mỗi học sinh. Ở lớp, nhiều phụ huynh "theo con đi học" đứng ngoài cửa đã không nén được xúc động khi thấy bà giáo đến với từng học sinh, dịu dàng hỏi han, cho từng chiếc bánh, bông bắp, tự tay đơm nút áo cho trò ngay trên lớp... Với phương châm "dạy được đạo làm người rồi mới dạy chữ", nhiều học sinh thuộc loại "cá biệt" sau khi vào lớp tình thương cô Hoa đã trở nên ngoan ngoãn, nói năng lễ phép. Bà giáo Hoa nhớ lại một câu chuyện đầy cảm động: có một phụ huynh nghèo khó đã mua 2 hộp sữa và một ký đường đến biếu bà giáo. Bà nhất quyết không nhận, tìm đến tận nhà để trả lại. Đường đến nhà phụ huynh xa xôi, lại gặp phải cơn mưa tầm tã. Tìm đến được thì người đã ướt sũng. Bà giáo nói: "Mấy đứa nhỏ ốm lắm, để sữa cho con uống". Chị phụ huynh lại thưa: "Xin bà giáo nhận cho, sức bà giáo cũng yếu lắm rồi...". Rồi tự nhiên hai người ôm lấy nhau khóc nức nhở. "Sau lần đó, tôi lại ý thức được tình cảm của học trò và phụ huynh dành cho mình nên cố gắng đến lớp dù nhiều bữa rất đuối" - bà giáo nói.

Đến cuối mỗi năm học, bà giáo lại một mình tự tay vào bếp chế biến đủ thức ăn để cho cả lớp liên hoan tại sân nhà của mình. Có dịp, bà giáo lại dẫn đám học trò đi sở thú, công viên. Lũ học trò nghèo không biết được rằng mỗi lần tổ chức liên hoan hay dẫn lớp đi chơi xa như thế, bà giáo lại ốm nặng cả tuần vì kiệt sức.

Hiện nay, bà là cán bộ ở Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, CLB Ông bà cháu, CLB Dưỡng sinh... Đặc biệt, bà còn là phát thanh viên của ấp. Mỗi buổi sáng, người dân ấp Giãn Dân đều quen với việc nghe giọng bà giáo trên loa phóng thanh, bữa nào không nghe thấy là biết bà giáo ốm, liền rủ nhau đến thăm.

Tân Triều - Hà Thu Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.