Mượn gió bẻ măng

18/12/2006 23:05 GMT+7

Tuyên bố của Tổng thống Iran Mahmud Ahmadinejad sẵn sàng chia sẻ trình độ nghiên cứu và phát triển về hạt nhân của Iran với các nước Ả Rập láng giềng là bước đi ngoại giao khá ngoạn mục về tận dụng thời cơ và chia rẽ đối phương.

Tính khả thi của tuyên bố này rất hạn chế, nhưng tác động chính trị của nó lại không phải là nhỏ. Một số thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ đang tìm cách thông qua một nghị quyết trừng phạt Iran, sáu nước thành viên tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (Ả Rập Xê Út, Kuwait, Qatar, Bahrain, Oman và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) lại vừa mới quyết định xem xét thực hiện một "chương trình hạt nhân dân sự chung", vòng đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên được nối lại và cuộc bầu cử địa phương ở Iran đưa lại kết quả không như vị tổng thống Iran mong đợi - đó là bối cảnh của tuyên bố này. Mỹ và phương Tây không mặn mà gì với ý định mới của các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và sẽ lại càng cay cú nếu hình thành sự hợp tác giữa tổ chức này với Iran trong vấn đề hạt nhân. Một cuộc chạy đua hạt nhân như vậy - cho dù dưới danh nghĩa phục vụ mục tiêu hòa bình - sẽ làm vấn đề hạt nhân của cả Iran cũng như CHDCND Triều Tiên trở nên hoàn toàn khác, sẽ rất khó cho Mỹ và phương Tây tập hợp các nước, nhất là các nước Ả Rập, đối phó với Iran và CHDCND Triều Tiên. Nếu có thực hiện chương trình hạt nhân này, chắc chắn các nước Ả Rập không dựa vào tiềm năng tri thức về hạt nhân của Iran, nhưng người dân Ả Rập sẽ lại rất ủng hộ đề nghị mời chào kia của Iran, coi đó là cử chỉ thiện chí của Iran và sẽ nhìn nhận mọi lập luận của Mỹ và phương Tây theo cách khác.

Đương nhiên, Tổng thống Iran vẫn tiếp tục thách thức, thậm chí cả chọc tức Mỹ và phương Tây, với tuyên bố này, nhưng đồng thời cũng nhằm cả vào nội bộ ở Iran, củng cố phe cánh và tranh thủ sự đồng tình của bộ phận trung dung. Thật tiện ích nhiều bề.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.