Nữ biệt động kiệt xuất Lê Hồng Quân - Kỳ cuối: Được công nhận sau 34 năm

24/12/2008 00:54 GMT+7

Sau ngày hòa bình, ngoài 23 lần lên bàn mổ lấy miểng đạn ra, phần lớn thời gian còn lại, chị chống nạng đi "gõ cửa" cơ quan chức năng để được công nhận sự tồn tại của tiểu đoàn; vừa làm chính sách cho đồng đội còn sống, làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho đồng đội hy sinh.

Chị cho biết, thập niên những năm 80 - 90, chị và một số cán bộ của tiểu đoàn nhiều lần dùng tiền lương hưu của mình, bỏ công đi tìm đồng đội, để nếu có ai chưa được hưởng chính sách Nhà nước theo quy định thì xác nhận cho họ. Số lượng hồ sơ chính sách được các chị xác nhận đến nay đã lên 200 người.

Chị Quân kể thêm: Có một chị tên là Thu Ba không có cha, được mẹ sinh ra trong Bệnh viện Từ Dũ. Mẹ chết tại bệnh viện, Thu Ba về ở với bà ngoại ở ngã tư Bảy Hiền - Tân Bình. Bà ngoại chết, còn lại một mình Thu Ba vừa làm công nhân dệt ở Bảy Hiền vừa tham gia các phong trào đấu tranh của công nhân.

Cô được kết nạp Đảng, sau đó gia nhập lực lượng biệt động của Tiểu đoàn Lê Thị Riêng và hy sinh trong đợt tổng tiến công Mậu Thân. Với tư cách là Tiểu đoàn trưởng, chị Quân xác nhận, Thu Ba đã hy sinh và mang hồ sơ đến cơ quan chức năng. Người tiếp nhận hồ sơ bảo chị phải ghi cho đủ hai địa phương là "quê quán ở đâu", "nơi hy sinh" thì mới công nhận liệt sĩ cho Thu Ba được. Chị Quân cho biết nơi hy sinh thì chị xác nhận được. Còn quê quán ở đâu ra, dù đã rất cố gắng các chị cũng không thể biết được. "Cung cấp đại cho họ hai địa danh thì dễ thôi. Nhưng như vậy hóa ra tôi nói láo với Nhà nước à?".

Trường hợp của nữ liệt sĩ Vũ Thanh Nghiệp cũng vậy. Thời chiến tranh không ai còn thời gian đi sâu vào hoàn cảnh gia đình từng người, hay quê quán của nhau làm gì. Những điều đó lại là "tối kỵ" của lính biệt động đang hoạt động trong lòng địch, các chị cũng chỉ biết mang máng rằng hai mẹ con Nghiệp từng sống nghèo khổ trong một cái chòi bên bờ rạch Cây Bàng, quận 4. Mẹ chết, Nghiệp được các chị giác ngộ đưa vào hoạt động trong phong trào đấu tranh "thanh niên phụng sự lao động"; được kết nạp Đảng và sau đó gia nhập lực lượng biệt động Lê Thị Riêng với chức vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Trung đội 2 của tiểu đoàn.

Chị Nghiệp hy sinh trong đợt tấn công vào Sài Gòn đợt 2-1968. Không biết quê quán chị Nghiệp ở đâu. Chị cũng không còn ai thân thích nên không thể hoàn tất được hồ sơ công nhận liệt sĩ theo yêu cầu của cơ quan chức năng...
Vẫn với giọng xúc động mạnh, chị Quân nói như khóc: "Tôi chỉ muốn những đồng đội của tôi được Nhà nước ghi công, để họ được ghi tên vào bia tưởng niệm Bến Dược. Thế thôi! Chứ nào có ai nghĩ đến tiền tử tuất hay trợ cấp gì đâu!". Nhưng cho đến nay các chị Thu Ba, chị Nghiệp và nhiều đồng đội nữa của chị đã hy sinh, vẫn không có tên trong hồ sơ các liệt sĩ. Chị hay nói đến cụm từ rất buồn "để họ đừng chết hai lần", có lẽ là nói về những trường hợp này.

Chị Quân không nói, nhưng chúng tôi biết Tiểu đoàn Lê Thị Riêng và 3 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã được đề nghị Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Trong số 3 người được đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý này, có Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân.
Nhưng trước khi được đề nghị Nhà nước vinh danh Anh hùng, Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đã từng bị bỏ quên suốt 34 năm, kể từ khi đơn vị này được thành lập.

Một sự thật lạ lùng đến khó tin! Đơn giản là vì không còn giấy tờ gì (như Quyết định thành lập đơn vị) để chứng minh rằng đã có một "Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng" tồn tại trong một giai đoạn lịch sử quan trọng trước 1975. Ngay cả Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân cũng không chứng minh được khi giao dịch hành chánh cần đến loại giấy tờ này.

Như đã nói, Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng ra đời và giải thể, những người còn sống, một số chuyển sang đơn vị khác, phần lớn thì... ai về nhà nấy. Với người đi làm cách mạng, đất nước thống nhất, mục tiêu của đại cuộc đã hoàn thành là coi như xong phận sự. Không ai có nhu cầu phải có Quyết định thành lập tiểu đoàn để làm gì. Chỉ khi các chị có ý định thành lập Ban liên lạc Tiểu đoàn; đặc biệt là khi làm chính sách, hồ sơ công nhận liệt sĩ... thì các chị mới tá hỏa là cần phải có đủ giấy tờ để chứng minh: Anh, chị ở đơn vị nào? Đơn vị thành lập ngày nào? Ai ký quyết định thành lập?... Chị Quân: "Chiến tranh mà. Hễ có lệnh là làm, đâu có ai đòi hỏi phải có quyết định mới làm đâu".

Chị cho biết, chính ông Bảy Bình (Nguyễn Thái Sơn, Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn Gia Định) thay mặt Bộ Chỉ huy Tiền phương Nam truyền đạt tinh thần thành lập tiểu đoàn, giao cho chị phụ trách, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông. Kết thúc tổng tấn công đợt 1, để chuẩn bị cho đợt 2 (1968), chị Quân nhận lệnh từ ông Bảy Bình đưa quân ém, sau đó chiến đấu tại địa bàn Quận Nhì và tăng cường cho Quận 4.

Hội nghị bàn việc thành lập tiểu đoàn diễn ra vào cuối tháng 2.1968 người chủ tọa là ông Trần Bạch Đằng lúc đó là Bí thư phân khu nội đô. Tham dự hội nghị này có bà Nguyễn Thị Tấn (Ba Hồng) - Khu ủy viên T4 (biệt động thành Sài Gòn) kiêm Bí thư Đảng ủy 36 chợ Sài Gòn - Gia Định; có thiếu tướng Võ Văn Thạnh - Chính ủy phân khu nội đô và một số vị lãnh đạo trong Tư lệnh Thành. Hôm đó bà Tấn đã đề nghị lấy tên Lê Thị Riêng, một cán bộ trung kiên đã bị địch bắt và giết trong chiến dịch Mậu Thân, làm tên tiểu đoàn.

Sau này, trong một bức thư tay gửãi chị Lê Hồng Quân đề ngày 15.4.1979 ông Trần Bạch Đằng cũng xác nhận đã từng có một Tiểu đoàn nữ biệt động hoạt động tại Sài Gòn. Trong thư ông viết: "Vì bí mật bất ngờ tiến công địch nên tôi trực tiếp giao nhiệm vụ cho 6 Xuân (chị Lê Thị Bạch Cát, Bí thư Quận Đoàn 2, đã hy sinh - NV) và Hồng Quân phụ trách 2 lực lượng biệt động đồng khởi của Quận Đoàn 2 và Tiểu đoàn Lê Thị Riêng...".

Nhưng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng vẫn chưa thể có "pháp nhân" chính thức do không có quyết định thành lập. Người trực tiếp lãnh đạo đơn vị này là ông Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình) cũng đã hy sinh. Không ít ý kiến khác nhau về việc này. Có người cho rằng đó chỉ là lực lượng du kích từ các nơi đưa về tăng cường cho Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân, không có đơn vị biệt động nào mang tên Lê Thị Riêng cả...

Chỉ có đồng đội còn sống của chị Quân và hương hồn những người lính biệt động thành đã khuất là chứng nhân lịch sử cho sự kiện này, rằng chính các chị đã chiến đấu đến cùng để không hổ danh người nữ anh hùng liệt sĩ mà tiểu đoàn các chị vinh dự được mang tên.

Ý kiến nhiều nhưng sự thật chỉ có một. Sau nhiều cuộc họp, cuối cùng ngày 12.9.2002, tức 34 năm sau ngày Tiểu đoàn Lê Thị Riêng được thành lập, ông Võ Văn Cương, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM đã thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy ký Quyết định (số 413-QĐ/TU) "Công nhận việc thành lập Tiểu đoàn Lê Thị Riêng" - tức Tiểu đoàn nữ biệt động nội thành Sài Gòn; kết thúc cuộc tranh cãi kéo dài về một tiểu đoàn anh hùng.

Tuy đã tìm lại được "danh phận" cho tiểu đoàn của mình, nhưng chị Quân vẫn còn nhiều việc phải làm. Và rồi đây chị sẽ còn mất nhiều thời gian đi tới đi lui nữa, để những đồng đội của chị còn nằm ở đâu đó dưới lòng đất Sài Gòn có thể yên nghỉ.

Nguyên Thủy - Văn Nhiều

>> Kỳ 2: Chinh phục giang hồ Sài Gòn 
>> Kỳ 1: Tuổi thơ dữ dội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.