Chấn chỉnh biểu diễn: Lại tranh cãi nhau!

02/06/2012 09:47 GMT+7

Tăng mức phạt gấp 5 lần, nghệ sĩ mặc phản cảm khi biểu diễn sẽ bị cấm diễn 3 tháng đến nửa năm, đó là những đề nghị của các cơ quan quản lý nhưng nhiều ý kiến chưa đồng tình.

Tăng mức phạt gấp 5 lần, nghệ sĩ mặc phản cảm khi biểu diễn sẽ bị cấm diễn 3 tháng đến nửa năm, đó là những đề nghị của các cơ quan quản lý nhưng nhiều ý kiến chưa đồng tình.

Chỉ 2 tuần sau hội nghị trực tuyến bàn về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, ngày 1-6, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) lại phối hợp cùng Sở VH-TT-DL Hà Nội tổ chức thêm một hội nghị nữa nhằm chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật, công ty tổ chức biểu diễn cũng như người mẫu, ca sĩ.

Phạt bao nhiêu là đủ ?

 Chấn chỉnh biểu diễn: Lại tranh cãi nhau!
Trình diễn với trang phục phản cảm như ca sĩ Thu Minh có thể sẽ xử phạt tiền từ 15- 25 triệu đồng và cấm biểu diễn từ 3-6 tháng - Ảnh:Internet

Thừa nhận việc buông lỏng hoạt động biểu diễn nghệ thuật thời gian qua, trách nhiệm lớn nhất thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VH-TT-DL, cho hay bộ này sẽ gấp rút trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa (Nghị định 75). Theo ông Biên, các nghệ sĩ mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm hoặc hát nhép sẽ bị phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng (mức phạt hiện nay là 2-5 triệu đồng). Tương tự, nhà tổ chức để người biểu diễn mặc trang phục phản cảm lên sân khấu biểu diễn hoặc để cho nghệ sĩ hát nhép cũng bị phạt tiền từ 15-25 triệu đồng. Ông Biên cũng tiết lộ, ngoài phạt tiền còn có mức phạt bổ sung tạm dừng cấp phép 6 tháng đối với đơn vị tổ chức vi phạm. Với nghệ sĩ, người nào vi phạm lần 2 sẽ bị cấm biểu diễn từ 3-6 tháng, vi phạm lần 3 sẽ bị cấm từ 6 tháng đến 1 năm. Ông Biên cũng cho hay Bộ VH-TT-DL sẽ đề nghị các đài phát thanh truyền hình không mời các nghệ sĩ vi phạm tham gia chương trình hoặc phát sóng chương trình có nghệ sĩ này.

 

NSND có được hát nhép?

Trước vấn nạn hát nhép và đề nghị xử phạt các nghệ sĩ hát nhép, ông Phạm Quang Long đặt vấn đề, các NSND, NSƯT không hát thật mà hát nhép thì xử lý thế nào, liệu có nên đặt vấn đề các nghệ sĩ thành danh khi đã lớn tuổi có nên hạn chế xuất hiện trên sân khấu hay không? Nhiều chương trình khán giả đến xem diễn chứ không phải đến nghe hát, khán giả khát khao được gặp những nghệ sĩ đã lớn tuổi, nhưng họ không hát được nữa thì có cho hát không? Thực tế, có những nghệ sĩ đã lớn tuổi vẫn xin phép hát tới 25 bài. “Tuổi sung sức nhất đã qua, họ có thể sống bằng hào

quang nhưng nên ít xuất hiện để đỡ gây khó khăn cho nhiều người” - ông Long khẳng định. Cũng về hát nhép, NSND Trần Bình cho rằng không thể cấm tất cả chương trình. Có những chương trình truyền bá, phổ biến ở sân vận động, hệ thống âm thanh không thể đáp ứng được. Nếu truyền hình trực tiếp thì không thể bảo đảm được tiếng. NSND Thanh Hoa, người tự nhận là nạn nhân của hát nhép, cũng cho hay chính truyền hình là nơi đầu tiên yêu cầu các ca sĩ hát nhép. Trong một chương trình truyền hình trực tiếp, trong khi các nghệ sĩ nổi tiếng khác hát nhép thì bà lại hát thật và lãnh đủ.

Mức phạt dự kiến mà ông Biên đưa ra tuy đã cao hơn quy định hiện hành khoảng 5 lần, tuy nhiên theo nhiều người, mức phạt này vẫn còn thấp. Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho rằng “phải đánh vào kinh tế thì nghệ sĩ và nhà tổ chức mới biết sợ”. Mức phạt mà Cục Nghệ thuật - Biểu diễn nêu ra không thấm vào đâu so với lợi nhuận thu được của các nhà tổ chức. Ông Vũ Mạnh Dũng, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, cho rằng mức xử phạt bình quân chưa thực sự hữu hiệu. Theo nghệ sĩ này, cần nghiên cứu mức ảnh hưởng của nghệ sĩ đối với xã hội để đưa ra mức phạt hợp lý. Nghệ sĩ càng nổi tiếng, phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì mức độ xử phạt cần càng nghiêm khắc hơn. Trong khi đó, NSND Trần Bình lại cho rằng ca sĩ mặc trang phục hở hang hoặc hát nhép mà bị phạt là không công bằng. Nhà tổ chức có chỉ đạo chương trình, đạo diễn nghệ thuật nên những người này cũng phải cùng chịu trách nhiệm. Theo NSND Trần Bình, cần phải phạt cả nhà tổ chức và nghệ sĩ chứ không phải riêng đối tượng nào.

Trước mức phạt khá khiêm tốn hiện nay, đại diện thanh tra Bộ VH-TT-DL cho rằng đã phạt là “nhục nhã”, lương nghệ sĩ chân chính không được bao nhiêu nên mức phạt cần vừa phải vì được áp dụng cho tất cả mọi đối tượng chứ không phải chỉ những ngôi sao có thù lao vài chục triệu đồng một đêm diễn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn lại cho rằng cần nâng mức phạt, vì “hiện nhiều nghệ sĩ đã đứt mất dây thần kinh xấu hổ” nên cố tình lộ hàng, mặc trang phục phản cảm.

Chặn đường “lách luật”

Ông Phạm Quang Long cho biết Hà Nội có 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương, 13 đoàn nghệ thuật của Hà Nội, 60 công ty tổ chức biểu diễn ngoài công lập. Trớ trêu là rất nhiều công ty đăng ký kinh doanh ở địa phương rất xa Hà Nội nhưng không bao giờ biểu diễn ở đó mà chỉ tổ chức ở thủ đô. “Các công ty đều cam kết hoặc bằng miệng, hoặc bằng văn bản rằng không vi phạm, nhưng 100% đều vi phạm, không kiểu này thì kiểu khác. Suy cho cùng, vì lợi ích kinh tế, họ sẵn sàng bất chấp tất cả” - ông Long cho hay. Ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, thừa nhận để xảy ra tình trạng lộn xộn trong hoạt động biểu diễn thời gian qua, trách nhiệm lớn nhất thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Một bộ phận cơ quan quản lý “vô cảm”, nhiều chương trình biểu diễn chỉ cấp phép trên hồ sơ, xin giấy phép của các địa phương nhưng về Hà Nội biểu diễn.

Ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cũng chỉ ra thực tế, các tỉnh cấp phép biểu diễn mà không hề duyệt chương trình, không xem bản vẽ sân khấu. Điều này đã khiến Hà Nội trở thành nơi đổ bộ của các chương trình khó xin phép nên tìm cách đi đường vòng. Ông Nhuận cho rằng phải có hội đồng duyệt ở Hà Nội để bịt lại các kẽ hở phát sinh”. Trước đề nghị của ông Trương Nhuận, ông Long khẳng định Hà Nội thực hiện theo Quy chế 47 của Bộ VH-TT-DL nên phải tiếp nhận các chương trình được cấp phép của tỉnh khác, tuy nhiên thời gian tới, để được biểu diễn ở Hà Nội, các chương trình phải được duyệt bởi hội đồng nghệ thuật của sở này. Ông Long cũng cho rằng quan điểm không cấp phép biểu diễn nếu đã vi phạm là không sát thực tế, vì việc thành lập một công ty mới không hề khó khăn. Sở VH-TT-DL Hà Nội vẫn nhận những hồ sơ xin phép từ những công ty mới toanh, vừa thành lập không bao lâu đã xin phép tổ chức những chương trình lớn.

Theo Người Lao Động

>> Mặc áo phản cảm, Thu Minh bị phạt 3,5 triệu đồng
>> “Mổ xẻ” trang phục phản cảm
>> Xử phạt nghiêm các ca sĩ ăn mặc phản cảm
>> Treo diễn" được không?: Làm nghiêm, nghệ sĩ phải theo
>> Phạt “nặng”, phạt “nhẹ” khi nào, vì sao?
>> Kỷ cương với nghệ sĩ
>> Sao Việt & thời trang "thấy hết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.