Người lớn làm rối trẻ con

26/05/2012 10:24 GMT+7

“Làm con nít ở nhà mệt quá” - đấy là đúc kết của hai bạn nhỏ cỡ 8 tuổi chơi cát tại công viên Tao Đàn (TP.HCM) cuối tuần rồi.

Lắng nghe hai bạn tâm tình, càng thấy những than thở ấy chẳng lạ.

“Giữa hai làn đạn”

“Bo, sao chơi xong không dọn? Sao vừa ăn vừa chơi? Sao quần áo ướt mem không thay? Mẹ nói con bao nhiêu lần rồi?”. Bà mẹ tuổi trên dưới 30 mở toang cửa và cái miệng ào vào nhà trước cả chân. Nhưng hẳn nhiên đó không phải là đài phát thanh một tần số. “Làm cái gì vừa tới nhà đã um sùm. Con nít biết gì mà dọn. Nó ăn với chơi hoài có sao đâu. Áo ướt một chút cho mát cũng cằn nhằn. Hồi nhỏ tụi bay cũng y chang, sao không tự nghĩ mình đã thế nào mà la nó?”. Đó là lời đáp tức thời của bà ngoại.

Cuộc hội thoại kể trên không cần có tọa độ chính xác vì rất quen thuộc ở nhiều gia đình ba thế hệ. Ông bà một (hoặc hai) kiểu, cha mẹ một hai kiểu khác, thế là sự nghiệp giáo dục trẻ con thường diễn ra một cách ồn ào. Từ ăn, mặc, chơi tới học, chào, dọn dẹp nhà cửa, nuôi chó mèo chim chóc tới quan hệ với người khác, định hướng nghề nghiệp... tất cả đều có thể trở thành đề tài bất hòa giữa các thế hệ người lớn.

Một bà ngoại ở ngoài Trung lễ mễ vào trông cháu 1 tuổi, dự định giúp đến khi cháu 6 tuổi sẽ về. Nhưng mới được hai tuần, bà đã tay xách nách mang ra ga ngược về quê. “Nhỏ dâu dạy con cái kiểu gì dị hợm. Làm gì cũng giở sách ra coi. Coi đã rồi nó nạt con, xem mình như không có ở đó”!

Hai thế hệ người lớn sống chung nhà, khi thế hệ trẻ em xuất hiện có nhiều khác biệt dễ bùng nổ thành xung đột. Hai mệnh đề thường đối chọi gay gắt là “con nít biết gì mà la nó” và “giờ không dạy, mai mốt thành tật là bó tay”. Người lớn khi đã cho mình đúng thì cãi tới cùng. Nhất là khi người lớn nhân danh chuyện bảo vệ quyền lợi cho con nít, căng thẳng càng khó tháo gỡ. Trẻ nhỏ vì không thể tự bảo vệ, lúc phải nghe người này, lúc theo người kia. Thế là cả nhà xào xáo, sứt mẻ tình cảm.

Giải pháp ở riêng

Ở chung ba thế hệ thông thường xuất phát từ sự thuận tiện. Ông bà nghỉ hưu rảnh rỗi, muốn trông cháu cho đỡ trống trải. Cha mẹ trẻ nghĩ đó là giải pháp vui vẻ ba đàng, mà lại khỏi khó nghĩ chuyện thuê ôsin. Nhưng khi ở chung mới thấy sự mong muốn lạc quan nhiều khi tồn tại trong lý thuyết.

Không ít chuyên gia tâm lý phân tích rằng không nên để trẻ con bị giằng xé giữa các lối ứng xử khác biệt của người lớn. Nên để trẻ chịu một cách giáo dục hơn là loay hoay mãi giữa các xung đột. Bởi như thế, trẻ sẽ không thể biết đâu là chuẩn hành xử, dẫn tới rối loạn tâm lý và hành vi.

Để tránh “chiến sự trong nhà” không đáng có, nhiều cặp vợ chồng quyết định ở riêng ngay từ khi kết hôn. “Con thì để cha mẹ nuôi dạy, không thể phó thác cho ai khác. Mình cực hơn nhưng con sẽ đỡ khổ” - đó là cách nghĩ của nhiều người. Còn nhà bạn thì sao?

Theo Tuổi Trẻ

>> Khi tuổi mới lớn yêu - Kỳ 1: Trào lưu “yêu” và những kết cục buồn
>> Yêu từ năm lớp... 4?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.