Tiếng nhạc lành lặn

03/12/2010 09:23 GMT+7

Đến tham dự hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi tỉnh Bình Dương lần thứ III/2010, tôi bất ngờ nghe tiếng “harmonica” da diết bên hông UBND tỉnh Bình Dương. Người thổi kèn harmonica ấy là Nguyễn Thế Vinh - một người cụt mất cánh tay phải..., nhưng sự tài hoa hơn cả người bình thường.

Vinh vừa thổi kèn vừa đánh đàn guitar rất điệu nghệ, xua tan nỗi đau hành hạ cho biết bao con tim người tàn tật.

Người thổi kèn cụt tay

Trời Bình Dương những ngày cuối đông se lạnh, UBND tỉnh hôm nay rất đông người, những người đặc biệt. Hôm nay từng tốp người tiến vào hội trường phải nhờ sự giúp đỡ của lực lượng thanh niên mặc áo xanh tình nguyện. Người mất đôi chân, người bị bại liệt đi xe lăn tiến vào cổng phải nhờ các thanh niên trợ giúp. Có tốp người xuống xe không nghe họ nói, các em đó đến từ Trung tâm khiếm thính huyện Thuận An. Một lát sau, thêm một chiếc xe 50 chỗ ngồi dừng trước cổng, họ phải nhờ người đỡ, người dìu, họ là những người khiếm thị đến từ Hội Người mù...

Trong không khí được xem như ngày hội của người tàn tật lần thứ III do Sở Lao động-Thương binh-Xã hội và Hội Bảo trợ người tàn tật tỉnh Bình Dương tổ chức, bao nhiêu cảnh ngộ, số phận của mỗi người ngồi đây đều có những câu chuyện dài về hoàn cảnh, thậm chí khó khăn, có người rất cần sợ giúp đỡ của xã hội, chính quyền. Những mảnh đời bất hạnh, thương tật... được kể lên nhân Ngày Quốc tế người tàn tật nhằm động viên, khuyến khích những ai không may vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cuộc sống. Hội nghị được tổ chức trang trọng, nối cầu truyền hình trực tiếp và có rất đông các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đến dự hỗ trợ tiền và vật chất nhằm giúp mọi người tàn tật giảm bớt khó khắn, hàn gắn vết thương lòng.

Trong khung cảnh tuy có phần “trĩu nặng” ấy, đột nhiên bên hông UBND tỉnh vang lên tiếng “harmonica” đầy truyền cảm. Tôi lặng mình, lắng nghe tiếng kèn pha lẫn tiếng guitar vọng lại. Bị hút hồn bởi lần đầu tiên được nghe hai thứ nhạc cụ hòa quyện điêu luyện của bàn tay “nghệ sĩ” tàn tật nào chơi mê hồn quá! Chưa kịp thốt nên lời, ông bạn tôi đáp: “Người đó là Nguyễn Thế Vinh - người sáng lập Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (tại huyện Bến Cát, Bình Dương), được mời tới hội nghị biểu diễn kèn harmonica và guitar đó”.

Gặp anh Vinh ngồi trên ghế đá hành lang hội trường A-UBND tỉnh Bình Dương, tôi quá bất ngờ. Anh cụt cánh tay phải, nhưng có “biệt tài” chơi nhạc hơn cả người bình thường, anh vừa thổi kèn harmonica vừa đệm đàn guitar nghe sao cứ mùi mẫn, đê mê.

Vượt lên để sống có ý nghĩa

Thế nhưng, nhắc đến Nguyễn Thế Vinh là một chuỗi ngày dài gian khổ, thậm chí hụt hẫng suýt chút nữa phải “đứt gánh” đoạn trường. Chỉ có nghị lực, ý chí đã giúp anh vượt lên tất cả để hôm nay còn mang đến cho mọi người tiếng harmonica, tiếng guitar tràn trề nhựa sống.

Nguyễn Thế Vinh sinh năm 1970 ở làng quê nghèo xứ bỏng cát Bắc Bình, Bình Thuận - vùng đất của nắng và gió biển. Nỗi buồn bắt đầu cuốn lấy Vinh từ tuổi lên 4, cha mất vì bom đạn chiến tranh, ba năm sau, người mẹ cũng qua đời bỏ lại đàn con thơ. Khi lên 8, Vinh tiếp tục không may trong một buổi chiều chăn bò trên bờ đê, bị ngã trên lưng bò xuống gãy tay. Nghe lạ! Gãy tay đến nỗi phải cụt và tàn tật suốt đời? Tôi tò mò thì anh Vinh liền kể: “Do thiếu điều kiện, gia cảnh “éo le” và còn nhỏ, chưa có ý thức nên đã không chữa trị vết thương đúng cách, chỉ bó tay bằng thuốc nam khiến cánh tay bị nhiễm trùng, hoại tử buộc phải cưa tay để cứu người”. Kể về cánh tay, vẻ mặt anh Vinh đượm buồn đôi chút, nhưng nhìn trong sâu thẳm con người anh thì là cả một nghị lực phi thường.

Tay phải bị cưa, chỉ còn tay trái. Mặc dù hụt hẫng, nhưng Vinh không buông xuôi. Anh rèn luyện viết chữ bằng tay trái và nuôi khát vọng sống, cố học hết cấp 3 ở Bình Thuận trước khi vào TPHCM. Nói đến đất Sài thành, anh Vinh ngậm ngùi: “Sau những chật vật cuộc đời đẩy đưa trên vùng đất đô thị lắm người, nhiều xe “xô” Vinh “dạt” về khu trọ ở mấy anh sinh viên Đại học Kinh tế. Vinh tự nhủ, mình tốt nghiệp cấp 3 đàng hoàng, sao không vượt qua bản thân tiến vào đại học như người ta. Sự mặc cảm bỏ lại sau lưng, Vinh thi đỗ vào Đại học Kinh tế, cho dù có luống tuổi hơn các bạn sinh viên cùng trường.

Không e ngại, Vinh còn rèn luyện thêm nghị lực. Ngày vào thành phố trọ học, Vinh chỉ mang theo mình bộ đồ và túi đựng sách bút. Học xong, Vinh quay sang dạy kèm, không ngại kiêm luôn việc giữ xe, anh gồng gánh luôn người em từ quê vào. Những năm tháng khổ nhọc học hành, cuối cùng Vinh cũng làm nên “sự tích” nhận chiếc bằng cử nhân kinh tế. Ra trường, qua nhiều công việc, nhưng rồi anh dừng lại với nghề điện tử khô khan. Suốt ngày cặm cụi với những “con dế”, những tivi hư hỏng vô vị, Vinh quyết xoay 180 độ chuyển qua thổi harmonica và đánh đàn để khỏi buồn chán.

Anh nhớ sau vụ gãy tay “khủng khiếp”, Vinh bắt đầu tập làm quen với cây đàn để xóa đi sự hụt hẫng, lấy lại tinh thần. “Mặc dù bị cụt một tay nhưng khi thấy người cậu chơi đàn guitar, mình rất mê. Hễ có dịp là mình lấy đàn ra tìm cách đánh thử. Khi thì kẹp phím vào cùi tay cụt để gảy, khi thì gảy thử bằng chân... nhưng tất cả đều thất bại” - anh  kể.

Mãi đến ba năm sau Vinh mới nghĩ ra cách để có thể chơi đàn với tay trái duy nhất của mình: Dùng ngón trỏ để gảy và các ngón còn lại bấm phím. Thời gian đầu anh chỉ tập bấm từng nốt một, tập một cách mày mò, kiên trì vì chơi đàn như thế rất khó và hầu như chưa thấy ai chơi như vậy bao giờ. Dần dà, Vinh cũng đàn được một số bài hát và chừng đó cũng cảm thấy sướng lắm rồi. Tuy nhiên, đàn từng nốt như thế thì chưa thể gọi là hay, Vinh học lỏm thêm tiếng kèn harmonica. Sau này anh nảy ra ý định “sao mình không thử hòa âm harmonica với guitar nhỉ?”.

Thế là anh lại lao vào cuộc chơi mới, vừa đánh guitar vừa thổi harmonica. Để hai tiếng đàn và tiếng kèn hòa âm đồng bộ với nhau thì đây lại là một giai đoạn tập luyện kỳ công nữa của Vinh. Cuối cùng, với lòng kiên trì và quyết tâm, Nguyễn Thế Vinh đã chơi được cùng lúc hai nhạc cụ, với một sự kết hợp tuyệt vời mà nhiều người không hiểu tại sao anh có thể làm được. Anh được nhiều tụ điểm giải trí mời đến thổi harmonica hòa tấu với đàn guitar. Tiếng kèn, tiếng đàn ngày càng vang xa.

Anh tâm sự: Cuộc đời anh đã trải qua nhiều thăng trầm như tiếng kèn harmonica và tiếng đàn guitar, nên duyên phận của anh phải đặt về đúng vị trí. Chính điều đó đã thôi thúc anh phải suy nghĩ, phải làm gì cho các em gặp hoàn cảnh như mình. Anh bỏ thành phố đô hội về vùng “đất mới” Bến Cát dạy học, nuôi ước mơ mở một trung tâm bảo trợ, chăm sóc những người đồng cảnh ngộ của anh và anh đã thực hiện được ước nguyện này mới cách đây vài tháng.

Ngồi bên lề hội nghị người tàn tật sáng nay tại UBND tỉnh Bình Dương, Nguyễn Thế Vinh khoe “mình vừa mở Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương tại địa chỉ khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương hồi tháng 9.2010”. Để có Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương, anh đeo đuổi lấy giấy phép mất gần 2 năm mới được có Quyết định số 917/QĐ/UBND của UBND tỉnh Bình Dương, ký ngày 24.3.2010. Anh Vinh hớn hở nhờ chúng tôi: Nếu biết sinh viên nào bị tàn tật, gặp khó khăn trong cuộc sống thì giới thiệu cho anh, trung tâm sẽ bảo trợ và nuôi ăn học đàng hoàng. “Còn những người thiếu khát vọng sống, không có ý chí vươn lên thì trung tâm không nhận đâu nhé” - anh Vinh ràng thêm một câu chắc nịch.

Trung tâm Hướng Dương có chức năng nuôi dạy trẻ em mồ côi và khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, trang bị cho các em những hành trang cần thiết để vào đời bằng con đường học vấn. Thế nhưng, đối với người sáng lập nên trung tâm này là Nguyễn Thế Vinh rất có tham vọng nuôi những người không may như mình học lên đại học, học cao hơn nữa.

Tiếng đàn harmonica và guitar của anh Vinh đã gây xúc động mạnh nơi những người tham gia hội nghị. Một ai đó nói vọng lại “Người tàn tật nhưng tiếng nhạc quá lành lặn”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.