Vương cung Thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn

24/12/2006 09:21 GMT+7

Vương cung Thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn (người dân quen gọi là Nhà thờ Đức Bà) tọa lạc giữa trung tâm thành phố (số 1 Công trường Công xã Paris, Quận 1). Đây là một trong những công trình đặc sắc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi giáo đường tráng lệ và cổ kính này không chỉ là một công trình tôn giáo mà còn là một kiến trúc mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

Theo tài liệu, Nhà thờ đức Bà được thực hiện theo đồ án của kiến trúc sư J. Bourad. Nhà thờ được khởi công xây dựng từ năm 1877 và hoàn thành vào năm 1880. Trong đó, toàn bộ nhà thờ có chiều dài là 93m, rộng 35,5m và cao 57 m (tính từ mặt đất tới đỉnh tháp chuông) với tổng chi phí xây cất lên đến 2.500.000 francs.

Năm 1960, Tòa thánh Vatican thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa Tổng Giám mục (tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn), Nên Nhà thờ mang tên Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn. Năm 1962, Tòa thánh Vatican tôn phong Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn lên hàng Vương cung Thánh đường. Do đó tên gọi đầy đủ là Vương cung Thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn. Đây là nhà thờ Thiên chúa giáo lớn nhất và xưa nhất ở Việt Nam.

Nhà thờ có thiết kế phía trước là công viên với bốn con đường giao nhau tạo hình thánh giá. Trung tâm công viên là pho tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch, cao 4,2 m, nặng 3,5 tấn, hai tay ôm quả địa cầu có gắn thánh giá, chân đạp lên con rắn, thể hiện mong muốn hòa bình cho nhân loại (tượng còn được gọi tên là Đức Mẹ Hòa bình). Đây là công trình của nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959. Cũng chính từ khi có pho tượng này mà nhà thờ có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà (khi mới ra đời tên gọi là Nhà thờ nhà nước vì do nhà nước Pháp xây dựng và quản lý).

Toàn bộ mặt ngoài nhà thờ được xây bằng loại gạch đặt tại Marseille (Pháp), không tô vữa và tới nay vẫn hồng tươi, làm toàn bộ công trình nổi bật trên nền cây xanh mát. Những kiếng màu trong nội thất với hoa văn độc đáo là do hãng Lorin của tỉnh Chartres (Pháp) sản xuất. Các ô cửa cuốn tròn kiểu Rôman cùng cung vòm gãy kiểu Gôtic gợi nhớ dạng thánh đường lớn ở Pari, Chartres, Reim. Riêng phần móng của nhà thờ được thiết kế chịu tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên.

Điều đặc biệt là nhà thờ này không có vòng rào hoặc tường bao quanh như các nhà thờ khu vực Sài Gòn - Gia Ðịnh lúc ấy và bây giờ. Bên trong nhà thờ được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ tiếp đến là hai dãy nhà nguyện. Bàn thờ nơi Cung Thánh làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối với sáu thiên thần (khắc thẳng vào khối đá) đỡ mặt bàn thờ. Bên cạnh đó, là bệ chia làm ba ô, mỗi ô là một tác phẩm điêu khắc diễn tả thánh tích. Mỗi nhà nguyện, mỗi ô cửa sổ hay mỗi khoang trên vòm mái đều là một tác phẩm nghệ thuật. Tất cả chan hòa trong ánh sáng êm dịu, tạo cảm giác an lành và thánh thiện.

Theo các chuyên viên văn hóa, tuy ngôi thánh đường không lớn, nhưng sức hấp dẫn được toát ra từ vẻ đẹp mẫu mực của kiến trúc Roman pha trộn nét Gôtich. Tất cả các đường nét, gờ chỉ, hoa văn trong nội thất cũng đều theo thức Roman và Gôtich làm đậm nét tôn nghiêm và trang nhã nơi thánh đường.

Ngoài ra, còn phải kể đến những cổ vật độc đáo, quý hiếm bên trong, đó là bộ 06 chuông nặng tổng cộng 25.850kg (lớn nhất Viễn Ðông thời đó), âm thanh phát ra là Sol, La, Si, Do, Ré, Mi. Vì nhà thờ có kiến trúc theo kiểu mẫu Notre Dame de Paris, nên hai gác chuông cũng cao ngang tầm nóc nhà thờ.

Trong đó, lầu chuông bên Nam (từ công viên nhìn vào là lầu chuông bên tay phải), được treo bốn quả chuông sol, đô, rê, mi. Lầu chuông bên Nữ (bên trái nhìn từ công viên) treo hai quả chuông la và si. Trên mặt mỗi quả chuông đều có các họa tiết rất tinh xảo. Trong đó chuông sol là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới (nặng 8.785kg), đường kính miệng chuông 2,25m, cao 3,5m.

Đây là chuông mang âm trầm, với cường độ cực lớn, như giọng bass trong dàn hợp xướng, nó chỉ ngân lên mỗi năm một lần vào đêm Giáng sinh. Muốn đổ chuông sol cần ba đến bốn người khởi động cho chuông lắc gần tới độ cao ngang với giá treo rồi mới bật công tắc điện cho động cơ đánh tiếp.

Ngày lễ và chủ nhật, nhà thờ thường cho đổ ba chuông, ngày thường chỉ đổ một chuông mi hoặc rê vào lúc 5 giờ và 17g30. Dù thiếu chuông fa nhưng khi cả năm chuông cùng đổ sẽ tạo nên bản hòa tấu đủ cung bậc trầm bổng. Tiếng chuông ngân xa tới 10km theo đường chim bay.

Một cổ vật quí giá nữa là đồng hồ trước vòm mái, có chiều ngang 2m, cao 1m với bộ máy nặng trên 1.000 kg, đặt nằm trên bệ gạch giữa hai tháp chuông. Mặt kim đồng hồ hướng ra đường Catina (nay là đường đồng Khởi). Máy đồng hồ trông đơn giản, thô sơ nhưng chạy bền và đúng giờ, đổ chuông báo giờ rất chính xác. Riêng hệ thống chuông đồng hồ không còn hoạt động do dây cót quá cũ. Ðồng hồ này chào đời từ 1877, đến nay đã được 130 tuổi.

Ngày nay, Nhà thờ Đức Bà không chỉ là nơi hành lễ của những người công giáo, mà còn trở thành một hình ảnh thân quen của người dân Sài Gòn, là một điểm tham quan yêu thích của mỗi du khách đến với thành phố phương Nam quanh năm ngập tràn ánh nắng.

Trọng Hà 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.