Lý giải và hy vọng (về bóng đá Việt Nam)

23/12/2005 16:19 GMT+7

Cũng như hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam, tôi thất vọng và rất buồn vì một số tuyển thủ Việt Nam đã phản bội lại lòng tin của người hâm mộ. Thế nhưng sau khi bình tĩnh phân tích tôi nghĩ rằng việc bán độ của một số tuyển thủ U23 Việt Nam là một việc hoàn toàn có thể xảy ra. Tôi xin được phân tích những điều kiện cần vả đủ để dẫn đến sự bán độ của một số cầu thủ (gọi chung là họ).

Thứ nhất: Tính chuyên nghiệp thấp

Có thể nói tính chuyên nghiệp ở một số cầu thủ Việt Nam rất thấp. Hãy quan sát cách họ dùng thời gian rảnh, cách tập luyện, cách lắng nghe và thực hiện theo huấn luyện viên, cách đối xử với đoàn lãnh đạo xuống thăm, cách xử sự trên sân trong trận chung kết… Tất cả thể hiện tính chuyên nghiệp và đạo đức thấp. Với nền tảng như vậy, họ dễ dàng sa ngã.

Chúng ta phải đầu tư bồi dưỡng văn hóa và đạo đức, tính chuyên nghiệp cho các cầu thủ ngay tại các câu lạc bộ (như câu lạc bộ Đồng Tâm đã làm). Trong thời gian tập trung đội tuyển, ngoài việc tập chuyên môn và thể lực, cũng cần phải có chuyên gia dạy dỗ, chấn chỉnh và khuyên nhủ các cầu thủ để họ có tính kỷ luật và tính chuyên nghiệp đúng mức của một cầu thủ. Họ phải được giáo huấn để tôn trọng bản thân, nghề nghiệp, lãnh đạo, và nhất là tôn trọng hàng triệu người hâm mộ Việt Nam. Họ phải hiểu rõ nghĩa vụ và giá trị của một tuyển thủ quốc gia.

Thứ hai: Bị đồng tiền quyến rũ

Tiền mà các cầu thủ mất phẩm chất có thể kiếm được từ bán độ trong 1, 2 trận đấu trận đấu quá cao so với tài năng và giá trị lao động của họ. Thế giới cá cược ngầm đã đem đến cho họ những đồng tiền quá lớn, những đồng tiền mà họ có thể dùng để đổi đời, hoặc "vung tay" trong thế giới ăn chơi.

Phải chăng chúng ta nên nghiên cứu để đưa cá độ bóng đá thành một môn công khai, vừa dễ quản lý, vừa thu được thuế và lại tránh được phần lớn việc bán độ. Khi công khai mọi “kèo” sẽ hiện ra trước mặt mọi người và những kèo “lạ” – thường là phải dính tới bán độ - sẽ bị phát hiện ra ngay.

Thứ ba: Sự đồng lõa của lãnh đạo và đồng nghiệp

Đội bóng đá Việt Nam có một tập thể đông đảo những lãnh đạo và quản lý‎ và cả trinh sát đặc biệt đi cùng. Thế mà việc lớn như vậy vẫn xảy ra.

Với tuổi tác, kinh nghiệm của các vị lãnh đạo, chỉ cần quan sát những biểu hiện sinh hoạt, việc rủ rê nhau, hoạt động bất thường trong trận đấu là có thể phát hiện ra việc gì đang xảy ra. Vậy mà họ đã làm ngơ. Tôi nghĩ, hoặc là họ đã có “phốt” nên không dám khui ra, hoặc là sợ ảnh hưởng đến ghế ngồi của họ. Vì thế họ chọn phương án im lặng với một mong ước bị động là mọi việc rồi sẽ qua, nhất là sau khi đội tuyển đạt được thành tích tốt. Thái độ không dũng cảm đối diện với sự thật đã vô tình đồng lõa với việc bán độ của các cầu thủ mất phẩm chất.

Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam cần những lãnh đạo có tâm, dũng cảm và quyết đoán như ông Huỳnh Văn Ái – Phó chủ nhiệm Ủ‎y ban TDTT phát biểu (Báo Thanh Niên 21/12/2005): “Nếu tôi là người chỉ huy mặt trận, tôi gọi chiến sĩ xung phong, kẻ nào không xung phong, tôi bắn bỏ ngay tại mặt trận. Đối với bóng đá, “bắn bỏ ngay tại mặt trận" nghĩa là đuổi về nước những cầu thủ nghi ngờ để đôn đội dự bị lên”.

Thứ tư: Kỳ vọng cao mà kỷ luật không nghiêm

Với nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta đã giơ cao đánh khẽ các cầu thủ bán độ không biết bao nhiêu lần. Những nghi án của các cầu thủ giỏi đã không được khui ra đến nới đến chốn. Đã vậy họ còn được khoác cho chiếc áo “đã phục thiện” và lại được trọng dụng. Thêm vào đó kỳ vọng chiến thắng mãnh liệt, khát vọng được là đội bóng vô địch vùng Đông Nam Á đã tạo một sự ngộ nhận cho các cầu thủ bán độ và một số lãnh đạo của đội bóng. Có lẽ họ nghĩ: nếu trở thành nhà vô địch, hay thua trong một thế trận ngang ngửa với Thái Lan, có lẽ mọi việc sẽ "qua phà". Khi say sưa với chiến thắng, đâu có ai nỡ “xử” anh hùng.

Tôi nghĩ đây là một dịp để bóng đá Việt Nam làm sạch và xây dựng lại. Người hâm mộ Việt Nam có lẽ cũng nên kiên nhẫn chờ đợi đội Việt Nam được xây dựng lại từ “sàn” bởi những người làm bóng đá trung thực và và tâm huyết. Có lẽ 5-10 năm sau, chúng ta mới có thể là nhà vô địch. Nhưng lúc đó chúng ta sẽ vô địch trong tư thế đàng hoàng – tức là ngang hay trội cơ Thái Lan - chứ không quá trông mong vào may mắn. Và quan trọng hơn là không lệ thuộc vào những cầu thủ mất phẩm chất.

Hãy cùng nhau hy vọng đến ngày đó, ngày mà hàng triệu người Việt Nam chúng ta – mắt lệ nhòa – chứng kiến quốc kỳ Việt Nam bay cao trong lễ trao cúp cho nhà vô địch bóng đá Đông Nam Á.

Lâm Minh Chánh
(Quận 1, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.