Nhiều ca nhập viện do rắn độc cắn

29/05/2014 10:29 GMT+7

Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa cho biết, 5-6 tuần gần đây liên tục tiếp nhận 20 ca nhập viện do bị rắn độc cắn.

Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa cho biết, 5-6 tuần gần đây liên tục tiếp nhận 20 ca nhập viện do bị rắn độc cắn.

Bệnh nhân nam 84 tuổi ở Nam Định nhập viện với vết thương ở tay sưng tím, hoại tử rộng tại vết cắn. “Lúc đi đánh lưới bắt cá, tôi thấy trong lưới có con rắn hổ mang liền lấy kéo cắt đôi. Nghĩ vậy nó chết rồi tôi thò tay vào bắt thì bị rắn cắn vào tay”, ông kể.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ ở Bắc Giang nhập viện do bị rắn cạp nia cắn vì vô tình giẫm phải rắn. Con rắn nhỏ chỉ chừng hơn 100 gr nhưng nọc độc vẫn có tác dụng mạnh. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt toàn thân, phải thở máy. “Nếu không được vào viện xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do ngưng thở vì độc tố của rắn gây liệt, trong đó có liệt cơ hô hấp ”, TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Theo TS Duệ, cần khá nhiều thời gian cho điều trị trong trường hợp bị rắn cạp nia cắn, vì bệnh nhân có thể phải thở máy 3-4 tuần, thậm chí lâu hơn mới có thể hồi phục được cơ hô hấp bị liệt. Điều trị bệnh nhân bị nhiễm độc do rắn cạp nia khó khăn vì hiện không có huyết thanh kháng độc.

Ths Nguyễn Hữu Dũng, quyền Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho hay, với trường hợp bị rắn hổ mang cắn, nọc độc dễ gây hoại tử tại vết cắn, nếu không xử lý sớm, bệnh nhân phải cắt bỏ chi, tháo khớp chi do hoại tử lan rộng. Bệnh nhân có thể biến chứng gây suy thận. “Chúng tôi thường gặp các trường hợp suy thận do biến chứng của độc tố gây nên. Vì vậy, nếu bị rắn cắn phải sớm vào viện điều trị để tránh biến chứng”, ông Dũng khuyến cáo.

Theo lưu ý của các bác sĩ, khi bị rắn cắn không nên rạch, nặn máu tại vết cắn, không đắp lá “hút” nọc độc, bôi lòng đỏ trứng..., vì đó là những cách chữa trị làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương, hoại tử do mất vệ sinh. Không ga rô (băng chặt) tại vết cắn vì như vậy sẽ có nguy cơ rất cao gây tắc mạch máu, hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng. Khi bị rắn độc cắn, cần khẩn trương băng ép tại vết cắn, nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị sớm nhất.
 

Liên Châu

>> Bé bị rắn cắn nguy kịch khi ngủ trong nhà
>> Bị rắn cắn vào chỗ hiểm
>> Suýt mất chân vì rắn cắn
>> Xử trí khi bị rắn cắn
>> Hoại tử tay vì rắn cắn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.