Làn sóng văn hóa

18/03/2012 03:04 GMT+7

Người khóc òa. Kẻ tan chảy. Ai đó mím môi cố gắng trèo qua hàng rào kiểm soát của Đêm nhạc hội Việt - Hàn vừa qua tại Mỹ Đình, Hà Nội. Trong khi đó, tại khán phòng, đèn chiếu rất sáng trên nhiều lô ghế bỏ trống đỏ rực cứa thêm vào nỗi đau của họ.

Người khóc òa. Kẻ tan chảy. Ai đó mím môi cố gắng trèo qua hàng rào kiểm soát của Đêm nhạc hội Việt - Hàn vừa qua tại Mỹ Đình, Hà Nội. Trong khi đó, tại khán phòng, đèn chiếu rất sáng trên nhiều lô ghế bỏ trống đỏ rực cứa thêm vào nỗi đau của họ. Nỗi đau chồng thêm khi họ bị cộng đồng “ném đá”, rằng thật tào lao, ngu ngốc khi “phát điên” vì một nhóm nhạc nước ngoài đến thế.

>> Òa khóc vì không đón được sao Hàn
>> Fan Việt "tan chảy" vì Music Bank

Yêu thương là một điều khó cưỡng! Nhất là khi những thần tượng âm nhạc kia mặc đẹp đến thế, âm nhạc cũng hay và dễ chịu, dễ “tiếp thu” đến thế. Chưa kể, yêu thích đa dạng cũng là biểu hiện bình thường của một xã hội bình thường. Phê phán vì ai không quan tâm tới điều giống mình - dù điều đó rất có giá trị, cũng chưa hẳn là một biểu hiện có văn hóa. Nó giống ép buộc hơn.

Tất nhiên, người ta (trong đó có người làm văn hóa) có thể hướng người khác tới những điều mình muốn họ quan tâm mà không hề phải ép. Và cách làm không chỉ quyết định hiệu quả, mà còn thể hiện tầm văn hóa của họ.

Không chỉ riêng trong chương trình vừa qua, người Hàn Quốc luôn rất biết cách tạo “sóng văn hóa”, ngoại giao văn hóa. Giờ đây, sau hàng chục năm kể từ cơn sốt phim Hàn đầu tiên trên VTV, phong cách thời trang Hàn Quốc tại Việt Nam là có thực, trào lưu hâm mộ K-pop cũng thật hiển nhiên. Và dĩ nhiên kéo theo đó, là sức tiêu thụ sản phẩm made in Korea tăng lên rõ rệt, không chỉ ở Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore mà lan sang nhiều nước trên thế giới. Người Hàn rất giỏi trong việc định hướng thẩm mỹ văn hóa - đặc biệt cho giới trẻ để rồi sau đó tạo nên xu hướng tiêu dùng.

Hàn Quốc trong mắt người Việt rất sinh động, biến đổi theo chính những trào lưu, những thần tượng vốn cũng thay đổi từng ngày. Văn hóa Hàn không bị “đóng gói” bằng kim chi và bộ hanbok. Trong khi đó, chúng ta vẫn cặm cụi, đơn giản mang áo dài hay phở, vài điệu hát câu hò… đi làm ngoại giao văn hóa.

Còn trong nước, những thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, nhà hát, thư viện, bảo tàng lại vận hành lỏng lẻo. Thế thì, trách gì những người trẻ còn đang hình thành nhân cách và mới chập chững tích lũy văn hóa? 

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.