Tiếng kêu từ các mỏ

28/05/2012 03:40 GMT+7

Bây giờ, đến tỉnh nào cũng gặp mỏ. Hết vàng đến thiếc, hết chì đến sắt rồi lại titan… Đây là thời kỳ mà mạnh ai nấy bán tài nguyên để “tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh”.

Không thể không bán tài nguyên khoáng sản để phục vụ cho mục đích phát triển đất nước, nhưng bán theo kiểu “hàng chợ” hiện nay thì thật khó chấp nhận.

“Tư duy nhiệm kỳ” của các vị lãnh đạo ở nhiều địa phương càng có dịp phát huy trong câu chuyện bán tài nguyên này. Vụ bán mỏ sắt cho một công ty của Trung Quốc ở tỉnh Phú Yên là một bằng chứng rõ nhất cho kiểu “tư duy nhiệm kỳ” ấy. Không biết Phú Yên thu được bao nhiêu tiền ngân sách tỉnh sau khi bán 1 triệu tấn quặng sắt cho một công ty của Trung Quốc, nhưng hậu quả mà người dân đang sinh sống quanh mỏ sắt Phong Hanh, xã An Định, H.Tuy An này thì thật khó lường.

Sau 4 năm chịu đựng ê chề với đủ thứ “rác” mà mỏ sắt Phong Hanh đem lại, dân An Định tiếp tục… bất an khi Công ty Sơn Giang vẫn chưa chịu dừng lại trong việc tận thu theo kiểu bòn tro đãi sạn tại các bể chứa, dù thời hạn cuối cùng đã khép lại từ tháng 11 năm ngoái. Trong 6 tháng “làm ráng” đó, tỉnh Phú Yên chỉ xử phạt công ty này đúng một lần với số tiền 100 triệu, nhưng không ai có thể thống kê được số tiền mà Công ty Sơn Giang thu được đã gấp bao nhiêu lần kể từ khi giấy phép hết hiệu lực. Nhưng có lẽ, điều mà dư luận Phú Yên băn khoăn là, vì sao “chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ trước” đã quá dễ dàng khi để cho đơn vị này ký quỹ môi trường chưa đến 3 tỉ đồng để hoàn thổ sau khi mỏ ngừng hoạt động. Với từng ấy tiền, người kế nhiệm không thể khắc phục được những gì mà “người tiền nhiệm” để lại. Nghĩa là, việc hoàn thổ của mỏ sắt vẫn đang bỏ ngỏ. Đấy là lý do để phía đối tác Trung Quốc tiếp tục tận thu quặng sắt và nộp tiền cho tỉnh, những mong gỡ gạc chút nào mừng chút đó! Chưa thấy ở đâu mà có kiểu làm ăn kỳ lạ như ở Phú Yên. Tiền tỉ trong nhà mang dâng cho khách, giờ “xin” lại họ từng đồng.

Nếu như mỏ sắt ở Phú Yên có giấy phép khai thác hẳn hoi thì mỏ thiếc ở Đà Lạt lại chẳng có tờ giấy nào nhưng quy mô khai thác thì đâu thua kém gì. Chẳng phải nơi rừng thiêng heo hút, ngay giữa lòng Đà Lạt đó thôi mà mỏ thiếc ấy đã tồn tại một cách công khai với hệ thống đường hầm chằng chịt. “Thiếc tặc” còn kéo cả điện, nước và xe chở đất vào hệ thống đường hầm để phục vụ cho việc đào đãi quặng mà chính quyền thành phố này vẫn không hay biết! Dư luận Đà Lạt đặt nghi vấn rằng liệu có bảo kê cho “thiếc tặc” hay không là có cơ sở đấy. Trên 500.000 lượt du khách đã ghé thăm thắng cảnh Thung lũng Tình Yêu trong năm 2011 hẳn là không thể không nhìn thấy hệ thống địa đạo chằng chịt này. Chỉ có chính quyền là không nhìn thấy mà thôi.

Tiếng kêu của các mỏ vàng đã từng vang lên khắp các huyện phía tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, giờ đến lượt mỏ sắt, mỏ thiếc kêu ngay giữa lòng thành phố. Lãnh đạo các địa phương có nghe thấu không?

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.