Điểm tựa giữa biển Việt Nam

06/05/2012 03:39 GMT+7

Không quá xa đất mẹ như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng đảo nhỏ Cồn Cỏ cũng có những trầm tích của riêng mình.

Nơi đây có dấu chân những người mở cõi thuở hồng hoang, có máu xương của những người lính đã ngã xuống cho một thời “người còn, đảo còn” và bây giờ có những giọt mồ hôi của con người mới đang sống, dựng xây hòn đảo nhỏ. Lịch sử của đảo được viết nên từ những lớp người như thế.

Đảo thiêng

Khi bình minh chưa kịp đến với cảng cá Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh), thuyền đã nổ máy hướng về Cồn Cỏ. Trong một ngày đẹp trời, từ Cửa Tùng có thể nhìn thấy hòn đảo là một chấm nhỏ mờ trên nền biển xanh.

Chuyện kể rằng, có một vị thần xưa kia đắp dãy Trường Sơn, khi ông ta vác một hòn đá nặng thì sẩy tay để lăn xuống biển. Cồn Cỏ tự đó mà thành. Đấy là truyền thuyết về sự hình thành hòn đảo nhỏ mà đến hôm nay vẫn còn được người già kể cho con cháu ở vùng ven biển Vĩnh Linh, Quảng Trị. Thực ra, hòn đảo nhỏ này hình thành từ những biến động địa chất cách đây hàng triệu năm và từ mấy chục ngàn năm trước, con người đã có mặt nơi đây. Cư dân Champa từng sinh sống ở Cồn Cỏ vào đầu Công nguyên. Và trong hành trình về phương nam bằng đường biển, các cư dân Đại Việt cũng đã chọn Cồn Cỏ làm điểm dừng chân.

Thuyền chạy hơn 1 giờ, trước mắt tôi đã thấy Cồn Cỏ sừng sững, tưởng như chỉ cần quờ tay một cái là chạm bờ. Càng đến gần, màu xanh của biển và cây rừng trên đảo bắt đầu như lan ra, để mọi người có thể thu vào mắt cảnh yên bình của những chiếc thuyền đánh cá đang nghỉ ngơi sau chuyến đánh bắt dài hơi.

Trong các tài liệu, Cồn Cỏ thường được giới thiệu một cách vắn tắt, như “đảo cách đất liền 18 hải lý và rộng 230 ha nhưng thời chiến tranh đã bị quân thù giày xéo không biết bao lần”. Nhưng nếu chỉ có thế thì Cồn Cỏ đã không trở thành huyền thoại. Số liệu đã ghi lại rằng trong thời kỳ chống Mỹ, nơi đây đã vùi xác 48 máy bay, 17 tàu xuồng các loại của đối phương. Đến ngày hôm nay và có lẽ mãi về sau, người ta sẽ còn nhắc đến những chiếc thuyền nan vượt biển của quân và dân ta ngày đó. Thật khó có thể tưởng tượng ra cái cách để những chiếc thuyền “lá tre” ấy có thể chống chọi với sóng to gió lớn bằng cách nào, vận chuyển hàng bằng cách nào trong đêm tối, giữa mưa bom bão đạn, qua lại giữa bờ biển Vĩnh Linh và đảo Cồn Cỏ. Vậy mà từ năm 1964 đến năm 1975 đã có 250 chiếc thuyền nan, thuyền ván từ đất liền đã tiếp tế cho Cồn Cỏ 2.520 tấn vũ khí và hàng hóa. Người “đi đảo” có mười thì hy sinh phân nửa, nhưng chẳng ai chịu buông tay chèo mà còn truyền thêm sức mạnh cho người tiếp sau.

Một góc đảo Cồn Cỏ nhìn từ trên cao
Một góc đảo Cồn Cỏ nhìn từ trên cao - Ảnh: Nguyễn Phúc 

Bến Nghê, một trong những vị trí đẹp của đảo Cồn Cỏ
Bến Nghê, một trong những vị trí đẹp của đảo Cồn Cỏ - Ảnh: Nguyễn Phúc
 

Đứng bên đài tưởng niệm trên đảo Cồn Cỏ, chúng tôi nghiêng mình trước những dòng tên khắc trên bia đá. Nén hương thơm tỏa khói được gió thổi đưa đi. Có người bảo đất Cồn Cỏ mịn và đỏ hơn ở nhiều nơi khác bởi máu của những người lính ngã xuống đã hòa quyện vào lòng đất.

Ngày trước, lịch sử trớ trêu đã “đặt” Cồn Cỏ nằm ngay nơi đất mẹ Việt Nam bị chia cắt làm hai trong cuộc chiến chống Mỹ, để hòn đảo nhỏ này trở thành nơi hứng chịu biết bao mưa bom bão đạn. Hôm nay đây, Cồn Cỏ, với vị trí án ngữ mé nam cửa vịnh Bắc Bộ, đóng một vai trò quan trọng về chủ quyền biển đảo của đất nước.

Đất quê hương trên biển

Nhiều người đã gán cho hòn đảo thật nhiều cái tên, như “đất Việt giữa trùng khơi”, là “điểm tựa trên biển”… Cũng phải, bởi ví như chúng tôi, mới xa đất liền đó mà đã nhớ, vậy thì những chiếc thuyền quăng quật ngoài khơi xa sẽ ra sao nếu không có Cồn Cỏ là điểm dừng chân, tìm hơi ấm quê hương?

Năm 2004, Cồn Cỏ mới trở thành một huyện của tỉnh Quảng Trị, tách ra từ huyện Vĩnh Linh. Từ đó đến nay, một lực lượng thanh niên xung phong đã tạo nên sức sống mới cho hòn đảo từ những hoang sơ ban đầu. “Khí hậu khắc nghiệt và thiếu thốn triền miên đủ sức để quật ngã những con người rắn rỏi nhất nhưng kỳ lạ là chẳng ai rời đảo như thể ai cũng mắc nợ hòn đảo này…”, người dẫn đường cho chúng tôi, anh Nguyễn Thành Nghĩa (cán bộ văn phòng của UBND huyện đảo Cồn Cỏ) tâm sự.

Những người thanh niên tình nguyện năm xưa nay vẫn sống tốt ở trên đảo, một số đã có cặp có đôi nhờ đảo. Như anh Nguyễn Văn Hiền (SN 1979) và chị Nguyễn Thị Lan (SN 1980), ở đảo họ có một tiệm ăn nho nhỏ và 2 đứa con. “Xưa nghĩ đơn giản, người ta sống được thì mình sống được còn nay thì không thể xa đảo nữa rồi. Nửa đời tôi có ở đây, xa thì nhớ chịu chi thấu…”, anh Hiền cười.

Vui hơn khi nghe cư dân trên đảo kể chuyện, cũng chẳng kém chuyện trạng làng Vĩnh Hoàng. Thuở Cồn Cỏ chưa có nước ngọt thì dân đảo “trạng” rằng: “Mỗi ngày xuống biển tắm rồi ra phơi nắng cũng lấy được trên người mấy lạng muối ăn”. Cả khi những cơn bão biển ập đến thì họ vẫn kịp tếu táo: “Càng tốt, vì chẳng ai dám ra khỏi nhà, gia đình lại có dịp quây quần bên nhau…”. Các chiến sĩ công an đang thực hiện nhiệm vụ ở đây cũng có “kết luận” rằng: “Đảo nhỏ và mọi người yêu thương nhau nên có lẽ không nhiều nơi lực lượng phụ trách an ninh trật tự lại nhàn hạ như chúng tôi…”. Dường như qua mắt họ, mọi sự vật đều được tô màu hồng, và màu hồng tìm thấy trong khắc nghiệt càng dễ thương bội phần.

Cư dân đảo đã vậy mà những vị khách ghé đảo cũng không chịu kém tí nào. Cánh ngư dân đi biển lâu ngày, thèm mùi hương của đất, thèm gặp mặt người mà dân đảo thì thừa lòng hiếu khách. Họ trao cho nhau những chén rượu nồng, dẫu mỗi người một giọng địa phương, trò chuyện phải căng tai mà nghe, dẫu biết qua một đêm người phải ở lại đảo người phải dong thuyền theo những luồng tôm cá… “Đánh bắt trên ngư trường này ắt phải ghé Cồn Cỏ. Trên biển có biết bao hiểm nguy, nhưng có Cồn Cỏ, bão thì chúng tôi chạy vào ẩn nấp, hỏng máy thì gọi cứu hộ, gặp tàu lạ thì báo ngay cho lực lượng biên phòng trên đảo ra đẩy đuổi…” - một ngư dân Quảng Bình nói chắc nịch.

Làn gió mới

Nếu bạn từng một lần đặt chân đến Cồn Cỏ cách đây vài năm thì ngày trở lại chắc chắn sẽ không khỏi ngạc nhiên. Đảo bây giờ không chỉ có những ghềnh đá lô nhô, khu rừng nguyên sinh rậm rạp (chiếm 73% diện tích), các doanh trại quân đội mà còn có rất nhiều tòa nhà lớn, là trụ sở UBND huyện, công an, thuế vụ, trung tâm y tế… “Dẫu vẫn đang trong quá trình xây dựng nhưng chúng tôi đã đề xuất lên trên một chính sách đặc thù nhằm khuyến khích tối đa các nguồn lực để khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của đảo”, ông Lê Quang Lanh, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo, nói.

Hơn thế, Cồn Cỏ còn được khoanh vùng thành khu bảo tồn thiên nhiên, mục tiêu sẽ phát triển mạnh về du lịch… Dự kiến trong năm 2012, sẽ có tour thử nghiệm ra đảo nên “giấc mơ” đến năm 2015, sẽ thu hút từ 10.000 đến 15.000 lượt khách du lịch/năm, doanh thu từ du lịch từ 500.000 đến 1.000.000 USD/năm hẳn sẽ không quá xa. Cồn Cỏ ngày sau không chỉ là “Đảo Cồn Cỏ quanh con nước phong pha/Ghềnh cheo leo cua đá bò loang lóa/Ráng chiều bủa thềm đảo rì rào sóng vỗ/Dừa cạn tua tủa lá, muống biển nở hoa tím bờ” trong ca khúc Một ngày ở Cồn Cỏ nữa.

Tôi đứng ở Cồn Cỏ mà vẫn đang ngẩng nhìn Cồn Cỏ. Đó quả là một đêm cực kỳ lạ lùng bởi không chỉ có trăng sao, gió mây và những cảm xúc vẩn vơ của tôi là còn thức. Ở ngoài khơi xa kia, những con tàu đánh cá vẫn mải mê sáng đèn, và những ngư dân hẳn sẽ yên lòng bởi giữa trùng khơi vẫn còn Cồn Cỏ là điểm tựa vững chãi bên mình.  

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.