Một cuộc tập dượt cần thiết

28/12/2006 00:11 GMT+7

Cuộc báo động nguy cơ sóng thần trong đêm 26/12 - đúng 2 năm sau thảm họa sóng thần châu Á - đã diễn ra từ Quảng Bình vào tới Cà Mau.

Ở nhiều địa phương ven biển, những cuộc sơ tán dân đã diễn ra. Đã có những hốt hoảng, nhốn nháo không thể tránh khỏi khi nghe cảnh báo về hung tin này. Từ 20 giờ tới hơn 23 giờ là thời gian nằm trong cảnh báo nguy cơ. Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tới ngay Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư để có thông tin nóng để trực tiếp chỉ đạo di tản khi cần thiết. Tinh thần ứng phó với nguy cơ sóng thần như vậy là tốt, nếu ta biết từ trước đến nay chưa có cuộc tập dượt “chạy” sóng thần nào chính thức được tổ chức ở Việt Nam. Và cho tới nay thì tại Việt Nam vẫn chưa có thiết bị cảnh báo sóng thần. Mọi thông tin đều được cập nhật từ các cơ quan dự báo quốc tế. Nhưng nếu không có cuộc tập dượt với tinh thần cảnh giác cao, thì dù thông tin từ các đài quốc tế đến Trung tâm dự báo Việt Nam là nhanh, nhưng thông tin nội bộ từ T.Ư tới các địa phương, và từ các địa phương tới mỗi người dân nằm trong vùng nguy hiểm sẽ là chậm. Đêm 26/12, nếu tính thời gian từ 19 giờ 26 phút, khi Trung tâm đo đạc địa chất Mỹ (USGS) thông báo động đất 7,1 độ Richter ở phía nam Đài Loan, tới khi các địa phương được cảnh báo trong vùng nguy hiểm ở Việt Nam triển khai di tản dân từ 22 giờ tới 23 giờ, thì phải nói là chậm. Bởi  23 giờ đã có thông báo chính thức không còn nguy cơ sóng thần ở Việt Nam. Sóng thần, nếu có, sẽ đến nhanh hơn thế rất nhiều, và người dân trong vùng nguy hiểm sẽ gặp nguy cơ rất cao khi chưa kịp triển khai di tản. Với sóng thần, thì không có chuyện chúng ta “chống” nó, mà đơn giản chỉ là “chạy” khỏi nó, càng nhanh càng tốt khi nó tới. Như thế, phương án tập dượt chỉ là triển khai... chạy, như cảnh báo là chạy cách bờ biển từ 300 - 500 mét, chạy lên những địa hình cao để tránh. Nhưng chạy như thế nào trong trật tự, không hỗn loạn mà vẫn đảm bảo không bị sót người (trong trường hợp này là “bỏ của chạy lấy người” theo đúng nghĩa đen) thì quả thật không đơn giản. Bởi thời gian cho phép là rất ngắn. Sau thảm họa sóng thần châu Á hai năm trước, đã từng có những dự đoán về khả năng có sóng thần ở bờ biển Việt Nam là rất thấp. Điều đó, một mặt khiến chúng ta đỡ lo, nhưng mặt khác lại khiến chúng ta dễ chủ quan, và thiếu những phương án phòng tránh nếu nguy cơ này xảy ra. Bởi với thực trạng của trái đất bây giờ, thì không có nguy cơ nào là tuyệt đối không xảy ra với bất cứ vùng đất nào. Như thế, nói theo người xưa thì “quân tử phòng thân” vẫn tốt hơn là khi mọi chuyện xảy ra thì đã quá muộn để hối tiếc. Nhìn từ góc độ ấy, thì cuộc “báo động sóng thần” đêm 26/12, tuy không hề là cuộc “tập dượt” hiểu theo nghĩa ta chủ động chuẩn bị trước, nhưng như thế lại thật hơn, tốt hơn để ta nhìn ra được mặt mạnh và chỗ còn yếu của mình khi chủ động phòng tránh thảm họa. Không phải đã không có những địa phương chậm chạp trong việc triển khai phương án di tản dân. Và còn phải đề phòng tâm lý chủ quan cho việc đã qua chỉ là báo động... giả, từ đó không hề chuẩn bị gì cho thời gian sắp tới. Với sóng thần, khác hẳn với bão lụt, thời gian dành cho chúng ta rất ít. Tốc độ di tản phải ở mức nhanh nhất, trong thời gian ngắn nhất.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.