Chuyện mẹ mất con

27/11/2008 12:05 GMT+7

Cô dâu Việt ở Đài Loan hiện có trên 100.000 người. Nạn bạo hành, ngược đãi cô dâu Việt trong các gia đình Đài Loan vẫn thường xuyên diễn ra. Hôn nhân dị tộc, sự khác biệt về tuổi tác, những bất đồng trong quan hệ vợ chồng, lối sống thực dụng... đã khiến tình cảnh các cô gái Việt làm dâu xứ Đài ngày càng thêm bi đát.

Trong nửa tháng rong ruổi khắp Đài Loan, từ Đài Nam, Đài Trung, Miêu Lật đến Đào Viên, Đài Bắc..., chúng tôi đã tiếp xúc và được nghe rất nhiều chuyện đau lòng của các cô dâu Việt. Đánh đổi tuổi thanh xuân của mình với hy vọng đổi đời, nhưng thực tế đối với phần đông những cô gái VN làm dâu xứ Đài thật phũ phàng, cay đắng.

“Cưới mày là để đẻ cháu cho tao!”

Ở Đài Bắc, cộng đồng người VN hầu như ai cũng biết nhiều về hoàn cảnh đau lòng của cô N.T.K.H, 25 tuổi, quê xã Thạch Mỹ, huyện Đơn Dương - Lâm Đồng. Hiện K.H đang sống trong sự cưu mang giúp đỡ của Hội Đồng hương VN tại Đài Bắc, ôm hy vọng tiếp tục hành trình đấu tranh đòi lại đứa con của cô với người chồng Đài Loan.

Cuối năm 2002, lúc mới tròn 19 tuổi, vì gia đình nghèo, K.H chấp nhận đánh đổi tuổi thanh xuân của mình bằng việc kết hôn với một người đàn ông Đài Loan tên Chương Chí Thành. Ngày cưới, người môi giới trao cho nhà gái vỏn vẹn 8.000 Đài tệ (khoảng 4 triệu đồng), cùng ít vòng vàng nữ trang cho cô dâu. Gia đình K.H không lấy đó làm buồn, vì nghĩ khi con mình sang xứ Đài có tiền gửi về cũng được.

Tháng 2-2003, K.H theo chồng sang Đài Loan. Chương Chí Thành năm nay 32 tuổi, là con út trong một gia đình khá giả ở huyện Chương Hóa. Tưởng chừng được yên ấm lo phận làm dâu trong một gia đình giàu có, nhưng rủi thay, K.H gặp phải mẹ chồng, bà Lâm Nguyệt Quế, quá ích kỷ, tàn nhẫn. Từ ngày sang xứ Đài, K.H bị bà Lâm đối xử như ô-shin. K.H buồn tủi: “Mỗi ngày từ 5 giờ sáng đến tận khuya, bà bắt em lo mọi việc trong nhà, từ chuyện bếp núc, làm vệ sinh, giặt giũ quần áo, đến xuống xưởng nhựa khuân vác, dọn dẹp đồ đạc... Làm tối tăm mặt mũi ngày này qua ngày khác như vậy mà bà chẳng hề cho em tiền để gửi về quê phụ lo thuốc thang cho cha đang bệnh nặng. Ít vòng vàng nữ trang ngày cưới cũng bị bà tìm cách lấy lại hết”.

Tháng 4-2004, K.H sinh được một cháu trai. Kể từ đó, nàng dâu K.H bị gia đình chồng đối xử hoàn toàn như con ở. K.H sụt sùi: “Em bị mẹ chồng chửi mắng, đánh đập suốt ngày. Bà bắt giặt quần lót của chị chồng, em chậm tay hay chần chừ là bị đánh mắng. Em vừa sinh con, tay chân còn yếu, bà cũng không tha”. K.H kể, có lần gã Chương đi đánh bạc nửa tháng mới về, cô lấy đồ dơ cho vào máy giặt. Bà Lâm thấy vậy tát túi bụi vào mặt cô, mắng xối xả: “Mày phải giặt tay, tao còn thấy giặt máy nữa là coi chừng!”. K.H cay đắng: “Em thấy nhục lắm. Song, em nhớ hoài câu nói của mẹ chồng “Tao bỏ tiền cưới mày là để đẻ cháu cho tao, chứ thứ dâu con gì mày!”. Đau lắm!”. Tôi thắc mắc: “Những lúc bị mẹ chồng chửi mắng, đánh đập như thế, ông Chương có bảo vệ cô không?”. K.H lau nước mắt: “Ông ta suốt ngày chỉ biết cờ bạc, rượu chè bê tha, lại còn hùa theo mẹ chửi mắng, hành hạ em”.

K.H phải cắn răng chịu đựng trong suốt những ngày làm dâu xứ Đài, mà theo lời cô là chẳng khác gì sống trong tù ngục. Cho đến một ngày giữa năm 2006, khi con trai hơn 2 tuổi, vì quá thật thà, K.H đã tin theo lời sắp đặt của gia đình chồng để một mình về VN thăm gia đình. Cô chỉ được mang theo vài bộ quần áo và vỏn vẹn 2.000 Đài tệ do chồng đưa làm lộ phí. K.H không ngờ đó là cách mà bà Lâm tống khứ nàng dâu ra khỏi nhà, buộc cô phải xa lìa đứa con rứt ruột đẻ ra.

Khắc khoải chờ con

Nửa tháng sau, đến ngày trở lại Đài Loan, K.H gọi điện sang nhà chồng. Bà Lâm nhấc máy, lạnh lùng: “Mày đừng trở lại đây nữa. Con tao đã ly dị mày rồi!”. Thì ra, ngay sau khi K.H về nước, bà Lâm dẫn con trai đến tòa làm thủ tục ly hôn cho gã. Dựa vào những lời buộc tội K.H tự ý bỏ chồng con, ăn cắp đồ đạc trốn về nước của mẹ con bà Lâm, tòa đã chấp thuận cho ly hôn.

Một tháng nữa trôi qua, thấy con mình thất thểu như người mất hồn, không nói gì đến chuyện trở lại Đài Loan, cha mẹ K.H gặng hỏi mãi. Khi biết chuyện, cha cô vì thương con đã trở bệnh nặng hơn và mù cả hai mắt.

Thương con không chịu được, K.H quyết tâm tìm đường trở sang Đài Loan. Qua một người bạn cũng là cô dâu xứ Đài, K.H biết có Hội Đồng hương VN tại Đài Bắc, chuyên giúp đỡ cô dâu Việt bị bạo hành gia đình. K.H được giới thiệu với chị Nguyễn Thị Thùy Mai, quản lý trưởng của hội, chủ “Vườn nho phong vị Việt Thái quán” ở TP Bản Kiều - Đài Bắc. Chị Mai cùng chồng và một số hội viên giúp làm thủ tục visa, bảo lãnh cho K.H cư trú. Nhờ thế, đến đầu tháng 11-2007, khi con K.H được 3 năm 7 tháng tuổi, cô mới được trở lại Đài Loan. Từ đó đến nay, K.H sống bằng sự cưu mang của chị Mai cùng Hội Đồng hương VN tại Đài Bắc và nhờ người tìm luật sư hỗ trợ pháp lý để đấu tranh đòi lại con. K.H tâm sự: “Từ ngày trở lại đây, đêm nào em cũng khóc. Em chỉ mong được nhận lại con rồi trở về VN”.

Theo Luật Hôn nhân của Đài Loan, để giành được quyền nuôi con, vợ hoặc chồng phải chứng minh mình có việc làm ổn định, bảo đảm tài chính để nuôi con đến tuổi trưởng thành. K.H đau khổ: “Biết là rất khó khăn, nhưng còn nước còn tát. Em sẽ không sống nổi nếu không được gặp lại con”. K.H nửa buồn nửa vui khi nghe tin mới đây, gã Chương - chồng cô - đang bị cảnh sát truy nã phải lẩn trốn ở Trung Quốc do đánh người gây thương tích. Dù sao, điều này cũng thắp thêm chút hy vọng cho hành trình đòi lại con của nàng dâu Việt bất hạnh này.

Sẽ tiếp tục can thiệp giúp cô dâu N.T.K.H

Ông Nguyễn Công Mạnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa VN tại Đài Bắc – Đài Loan, cho biết theo phán quyết mới đây của tòa, K.H chỉ được phép cùng nuôi con và đến tháng 1-2009 sẽ hết hạn visa phải về nước. Ông Mạnh nhìn nhận: “Việc K.H đòi quyền một mình nuôi con là rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục can thiệp để cơ quan thẩm quyền Đài Loan xem xét, cho phép cô được phép cư trú tại đây đến năm đứa con lên 18 tuổi. Khi đó, người con có quyền bảo lãnh cho mẹ ở lại; còn không, cô K.H sẽ phải về nước”.

Theo Duy Quốc / Người Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.