Cuốn sách cuối cùng về thế giới phù thủy của J.K.Rowling

18/12/2008 22:42 GMT+7

Những chuyện kể của Beedle - người hát rong, do nhà văn Lý Lan dịch từ nguyên bản tiếng Anh: The tales of Beedle - the bard của J.K.Rowling - tác giả bộ truyện Harry Potter, sẽ được NXB Trẻ phát hành trên toàn quốc ngày 24.12.

Ngày 18.12, tại Café K & K - TP.HCM, NXB Trẻ tổ chức buổi gặp gỡ cuối năm với báo giới và ra mắt cuốn: Những chuyện kể của Beedle - người hát rong. Theo NXB Trẻ, tác phẩm này được xem là “Harry Potter tập 8” phát hành đồng loạt ở nhiều nước vào 4.12 vừa qua với 7,5 triệu ấn bản trong lần đầu và là “tác phẩm cuối cùng về thế giới phù thủy” của Rowling (được tác giả trích phần lớn lợi nhuận từ việc xuất bản để góp vào quỹ từ thiện giúp trẻ em châu u). Bản dịch tiếng Việt có số lượng in lần đầu là 10.000 bản, như một món quà tinh thần dành cho các “hoàng tử bé” vào dịp Giáng sinh và mừng năm mới 2009. Điều đáng ghi nhận, khác với những tác phẩm trước đây, cuốn Những chuyện kể của Beedle - người hát rong lần này do chính tác giả - bà Rowling - trình bày bìa và minh họa bên trong, bản dịch tiếng Việt cũng giữ nguyên theo vậy.

Theo bà Rowling, tập truyện được viết cho các phù thủy con, gồm 5 câu chuyện thần tiên chứa đựng những phép thuật lạ lùng, sau mỗi chuyện có phần bình luận của GS. Albus Dumbledore – một nhân vật trí tuệ của tác phẩm. Chính tác giả đã trân trọng giới thiệu vị giáo sư thông thái này với “những suy nghĩ sâu sắc ý nhị”, và là người đã hé lộ những thông tin về một phần của cuộc sống “bên ngoài trái đất”. Đó chính là cuộc sống của những nhân vật thần thoại thời hiện đại, thấp thoáng hoặc in đậm qua: Cậu phù thủy và cái nồi tưng tưng, Nguồn suối vạn hạnh, Trái tim lông xù của chàng chiến tướng, Thỏ lách chách và gốc cây khanh khách. Đọng lại ở cuối tập là Chuyện kể về ba anh em - một điển hình cho các phép lạ tồn tại không chỉ trong cổ tích, mà ngay cả trong trái tim đang đập của mỗi con người.

 

Lý Lan - người dịch Những chuyện kể của Beedle - người hát rong tại buổi ra mắt - Ảnh: Giao Hưởng

Hãy thử đọc Chuyện kể về ba anh em, với ba tính cách khác nhau, họ cùng gặp Thần chết trên cây cầu Vĩnh biệt, bắc ngang bờ sông Tử, trên vùng đất Cuối cùng và được Thần chết cho ba điều ước, mỗi người ước một cách khác nhau.

Người thứ nhất là anh cả, ngạo mạn, hiếu thắng, ước được chiếc đũa thần muốn gì được nấy. Khi toại nguyện, anh ta nghênh ngang cầm chiếc đũa đi gây gổ khắp nơi, nơi nào anh ta cũng lớn tiếng khoe khoang về quyền lực của mình, áp đảo người khác, sát hại kẻ nào dám đương đầu với mình và lạnh lùng “bỏ mặc kẻ thù nằm chết trên sàn”. Nhưng cuối cùng, anh ta đã bị một phù thủy khác ăn cắp mất cây đũa thần, để rồi phải nộp mạng cho Thần chết với hai bàn tay trắng.

Người thứ hai là anh kế, ích kỷ, hẹp hòi, chỉ xin một viên đá có lợi cho riêng mình, viên đá này có quyền năng gọi hồn người chết hiện về. Anh ta đã gọi người con gái anh muốn cưới làm vợ hiện lên trước mắt mình, bảo cô ta chung sống. Nhưng vì âm dương cách trở, anh ta đã phát điên lên bởi “những khao khát vô vọng và đã tự giết mình để được sum vầy với nàng kia nơi chín suối”. Nghĩa là sau cùng anh cũng đã rơi vào tay Thần chết sau một cuộc đời đam mê, ngắn ngủi.

 
Người thứ ba là em út, khiêm tốn nhất, đã xin Thần chết giao cho chiếc áo tàng hình mà khi mặc vào Diêm vương không thể tìm bắt được. Vì đã lỡ hứa nên Thần chết bắt buộc phải trao chiếc áo trên cho người em. Từ đó người em sống đến tuổi thọ cao nhất và khi thấy mình quá già yếu, liền giao lại chiếc áo tàng hình cho con cháu mình để các hậu duệ thoát khỏi lưới truy tầm của Thần chết. Chính những tâm hồn và tính cách “khiêm tốn nhất nhưng cũng khôn ngoan nhất” đã thể hiện trong các câu chuyện của Rowling qua nhiều gương mặt.

Ở đây, trong Những chuyện kể của Beedle – người hát rong, gương mặt ấy là người em út với “chiếc áo tàng hình”, mà khi mặc vào kẻ khác sẽ không nhìn thấy hình dạng,  không nhìn thấy cả ý nghĩ trong đầu anh ta nữa. Ngay cả Diêm vương cũng không tìm bắt được anh ta. Anh ta tự do sau khi đã cởi bỏ cái “ngã” nặng nề của mình, nên đã không kiêu ngạo như người anh cả, không chìm đắm trong mê cung như người anh kế, mà thong dong “tàng hình” đi giữa đường đời. Đó là một trong những ý nghĩa mà bạn đọc phương Đông có thể tìm gặp ít nhiều trong một tác phẩm viết bởi một nhà văn phương Tây như bà Rowling.

Giao Hưởng

* Tác giả Harry Potter từng có ý định tự tử
* J.K.Rowling nhận học vị Tiến sĩ danh dự
* Tác giả "Harry Potter" được vinh danh
* Đừng giết Harry Porter
* Bản viết tay "Harry Potter" trị giá hơn 48.000 USD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.