Sâu nặng ân tình bạn đọc

24/12/2004 00:54 GMT+7

Vừa qua, hai đoàn công tác xã hội (CTXH) báo Thanh Niên xuất phát từ TP.HCM và TP Đà Nẵng đã có mặt từ miền biển Quảng Ngãi đến miền núi Quảng Nam, mang những chuyến hàng sâu nặng ân tình bạn đọc đến với những cảnh đời rất đỗi thương tâm.

Nghĩa An, miền biển tang thương

Dẫu dư âm cơn bão số 4 đã lùi xa nhưng những dấu vết kinh hoàng của nó vẫn còn khi Phó chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi - ông Huỳnh Văn Tráng cùng đoàn CTXH đặt chân lên đất xã Nghĩa An. Chỉ trong đêm 25/11, những đợt sóng cao lút đầu người đã xé toạc một dải bờ biển của làng chài Tân Thạnh với 23 hộ ngư dân, buộc họ lâm vào cảnh không nhà.

Những ngày cuối năm, vớt vát những gì còn sót lại, bà con giúp nhau di dời đến nơi ở mới, buộc phải bỏ dở những chuyến đi biển hằng ngày. Thế là thiếu ăn! Nhất là những gia đình đặc biệt nghèo như hộ ông Dương Ngọc, bà Nguyễn Thị Chín... không có chút gì dự trữ trong những ngày này. Chủ tịch xã Nghĩa An cho biết, do địa phương còn quá khó khăn nên chỉ có thể trợ giúp 70% kinh phí cho bà con dựng nhà trên đất mới, 30% còn lại mọi người tự lực và trông chờ vào những tấm lòng hảo tâm. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no...", ông và nhiều ngư dân rất cảm động khi được biết đoàn công tác đi từ TP.HCM ra Quảng Ngãi để trao tận tay cho bà con 250 suất quà, mỗi suất 2 thùng mì ăn liền.

Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn... những vùng đất khát

Tại Thăng Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Thị Kim Hiền và các đoàn viên thanh niên đã phối hợp với đoàn thật chặt chẽ. Dù khá vất vả nhưng ai cũng quên mệt nhọc khi thấy niềm vui trên gương mặt của bà con lúc nhận quà. Tại đây đoàn đã trao 50 suất quà, mỗi suất 1 thùng mì, 5kg gạo thơm, 2 lon sữa và 200.000đ. Ông Lê Chung, dù bị mất tiếng, vẫn cố nói lên niềm tri ân bạn đọc Thanh Niên. Khi hay tin đoàn đến, ông đã đạp xe ròng rã 3 tiếng đồng hồ từ thôn 7 vùng cao, ra trụ sở xã cho kịp giờ. Đoàn đã lội bộ đến tổ 4, thôn Vinh Nam, xã Bình Trị, thăm căn lều rách nát của gia đình chị Dương Thị Hương (39 tuổi). Chồng chị bị tai biến liệt giường đã 10 năm nay. Có 3 con gái, do nghèo quá, với cái giá 5 phân vàng, người mẹ đau khổ đã phải bán 2 em Nguyễn Thị An (14 tuổi) và Nguyễn Thị Vân (16 tuổi) cho người ta mang đi biệt xứ từ 9 năm qua! Con gái còn lại phải đi làm mướn nuôi thân. Còn lại, đứa con trai út Nguyễn Minh Tuấn (10 tuổi) lại bị mù. Kể chuyện nhà, chị Hương kéo vạt áo rách lau vội đôi mắt ướt đẫm. Thay mặt bạn đọc, đoàn trao cho gia đình chị 15 triệu đồng để Huyện Đoàn và Hội LHTN huyện phối hợp xây một căn nhà kiên cố để gia đình chị kịp đón xuân.

Gia đình anh thương binh Nguyễn Phương tại xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có hoàn cảnh rất đặc biệt. Do di chứng chất độc da cam, vợ anh, bà Lê Thị Phụng và con trai duy nhất đã qua đời. Nay mình anh làm ruộng nuôi 5 con gái bị tâm thần, phải chịu đựng những cơn đau quằn quại, những trận động kinh vì di chứng. Đoàn CTXH đã đến thăm, chia sẻ những gian lao anh Phương đang gánh chịu. Nhận số tiền 10 triệu đồng của bạn đọc báo Thanh Niên, anh cho biết: "Nỗi lo hiện nay của tôi là khi tôi nằm xuống, ai sẽ là người nuôi dưỡng, chăm sóc cho các cháu? Mặt khác, do nhà gần ao sâu, ruộng nước, tôi luôn lo sợ khi đi làm đồng, các cháu sẽ té ngã chết đuối, không ai cứu do chúng không biết kêu cứu như người bình thường”.

Tại thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung (huyện Điện Bàn), đoàn đã đến thăm căn lều rách nát của cụ Hồ Thị Liễu (86 tuổi, sống một mình, suýt chết trong lũ lụt) và trao cho Bí thư Xã Đoàn Phạm Phú Nghĩa 5 triệu đồng để cùng góp công xây căn nhà nhỏ cho cụ trước khi Tết về.

Và những cảnh đời miền núi Đông Trường Sơn

Ngoài số tiền 99.620.000 đồng do bạn đọc khắp nơi đóng góp, báo Thanh Niên còn nhận được 1.000 thùng mì ăn liền, nhiều thùng quần áo do Consular Club of Ho Chi Minh City hỗ trợ; 20.000.000 đồng, 20 thùng mì ăn liền, 48 lon sữa và nhiều quần áo cũ do XN Thương mại Mặt Đất sân bay Tân Sơn Nhất hỗ trợ. Số tiền quà trên chúng tôi đã trao tận tay cho nạn nhân bão lũ, những hoàn cảnh bi thương trong đợt CTXH này.

Hôm sau chúng tôi lên Đông Trường Sơn. Thị trấn Thành Mỹ (huyện Nam Giang) là "thủ đô" kháng chiến của khu V. Trông bề ngoài, em Thủy (cha K'tu, mẹ Kinh), học sinh lớp 6/3 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Giang khá xinh gái. Nhưng ai cũng bất ngờ khi em vén vạt áo lên, lộ rõ vết của 4 lần mổ lấy mủ cơ đáy chậu do di chứng da cam. Sau khi người cha Bhờnướch Nhứt qua đời do di chứng chất độc da cam, bà mẹ của em cũng ốm yếu triền miên. Đoàn trao cho bà 2 triệu đồng để có thêm tiền mua thuốc cho con. Run run đôi tay gầy trơ xương, bà khóc, nói "Cảm ơn, cảm ơn...!" đến mấy lần.

Cũng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Giang, thầy Hiệu trưởng Phạm Thanh Bửu rất cảm kích khi nhận được 150 thùng mì, 1.500 cây bút Thiên Long và 10 triệu đồng của bạn đọc để góp phần chăm sóc việc học, việc ăn ở của gần 350 học sinh các dân tộc nội trú trong trường. Ông trân trọng hứa sẽ sử dụng các khoản quà tặng đúng mục đích, đúng ý nghĩa mà đoàn CTXH báo Thanh Niên đã tin tưởng trao cho.

Rời Nam Giang, chúng tôi đến thôn A Sờ, xã Màcooih (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) trao tặng 130 phần quà (mỗi phần 1 thùng mì và 200.000đ) cho bà con các dân tộc đang gặp khó khăn sau lũ và giúp một trường hợp gia đình K'tu có 2 con đang đau nặng 2 triệu đồng. Mế Arăk Lư (70 tuổi), cứ nhắc đi nhắc lại, giọng lơ lớ như người... nước ngoài: "Mẹ cảm ơn! Cảm ơn nhiều lắm! Người đồng bằng tốt lắm! Có mì, có tiền, có đoàn tới thăm bụng đồng bào rất vui!".

Tạm biệt Trường Sơn, chúng tôi quay về thành phố, chuẩn bị xe và hàng cho chuyến đi tiếp lên huyện miền núi "cao chót vót" Nam Trà My, sau lũ nay mới thông đường. Những món quà của bạn đọc Thanh Niên trong và ngoài nước đã mang niềm vui lớn đến với hàng trăm cảnh đời khốn khó ở Quảng Ngãi, Quảng Nam. Xuân sắp đến, Tết sắp về. Mong sao tấm lòng nhân ái của bạn đọc Thanh Niên ngày càng nhân lên để chúng tôi có điều kiện tiếp tục đến với những cảnh đời heo hút khác ở khắp đất nước này.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.