Lào Cai "soán" ngôi đầu của Đà Nẵng về năng lực cạnh tranh

23/02/2012 11:31 GMT+7

(TNO) Soán ngôi đầu bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh của Đà Nẵng, Lào Cai đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong năm 2011 sau nhiều nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh liên tiếp những năm qua.

(TNO) Soán ngôi đầu bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh của Đà Nẵng, Lào Cai đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong năm 2011 sau nhiều nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh liên tiếp những năm qua.

Sáng nay 23.2, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức công bố chỉ số về năng lực cạnh tranh của 63 tỉnh, thành trong năm 2011, dựa trên kết quả khảo sát từ 6.922 doanh nghiệp trong nước đại diện cho tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Kết quả đánh giá dựa trên 9 chỉ số, gồm: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tính năng động của lãnh đạo tỉnh, thiết chế pháp lý và chính sách lao động.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết qua khảo sát cho thấy công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện trong năm 2011, điểm số PCI của các tỉnh trung vị năm 2011 đạt hơn 59 điểm, cao hơn khoảng 1 điểm so với năm 2009 và 2010.

“Điểm số cải thiện phản ánh thực tế là hầu hết các tỉnh tiếp tục cam kết cải cách công tác điều hành kinh tế tại địa phương mình. Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực điều hành cần cải thiện trong lĩnh vực đất đai, tính năng động của chính quyền và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, đại diện cho nhóm nghiên cứu nhận định.

Đà Nẵng và Bình Dương bị tụt hạng

Theo báo cáo, khác biệt lớn nhất giữa chỉ số PCI 2011 so với các năm trước là sự thay đổi rõ rệt về bảng xếp hạng của các tỉnh. Lần đầu tiên kể từ khi công bố chỉ số này, Bình Dương và Đà Nẵng đều không nằm ở vị trí cao nhất mà lần lượt đứng ở thứ hạng 5 và 10. Thay vào đó, hai tỉnh miền Bắc là Lào Cai và Bắc Ninh vươn lên vị trí số 1 và 2 của bảng xếp hạng.

Kết quả khảo sát cho thấy, Bình Dương giảm điểm trong chỉ số tính năng động, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi Đà Nẵng lại sụt giảm điểm số mạnh ở lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Điều bất ngờ khác ở kết quả khảo sát chỉ số PCI năm nay là Hà Tĩnh và Bình Phước đã vươn lên nhóm 10 tỉnh dẫn đầu.

Hai địa phương vốn thường nằm trong tốp 10 vị trí cao nhất như Vĩnh Long và Bình Định đã bị sụt hạng trong năm 2011, tiếp tục xu hướng trượt dốc đã có từ năm 2010.

Mức độ lạc quan của DN sụt giảm

Qua khảo sát về PCI của 63 tỉnh, thành trong năm 2011 cho thấy, các DN kém lạc quan hơn rất nhiều về triển vọng kinh doanh của mình trong những năm tới.

Nếu trước khi gia nhập WTO, 76% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh thì đến năm 2011, tỷ lệ DN khẳng định mở rộng kinh doanh chỉ còn 47,4%. Đặc biệt, mức độ lạc quan ở loại hình DN tư nhân sụt giảm mạnh nhất do chịu nhiều tác động khi giá cả đầu vào gia tăng và tiếp cận tín dụng khó khăn.

“Theo khảo sát PCI, cơ hội được tiếp cận với các ngân hàng thương mại của các DN tư nhân ít hơn rất nhiều so với các công ty TNHH và công ty cổ phần”, ông Tuấn cho biết.

10 vị trí đầu trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh 2011

1. Lào Cai
2. Bắc Ninh
3. Long An
4. Đồng Tháp
5. Đà Nẵng
6. Bà Rịa - Vũng Tàu
7. Hà Tĩnh
8. Bình Phước
9. Đồng Nai
10. Bình Dương

TP.HCM xếp ở vị trí thứ 20, còn Hà Nội đứng ở vị trí thứ 36.

(Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

Bảo Cầm

>> Chọn lãnh đạo từ PCI?
>> Năng lực cạnh tranh của Đồng Tháp đứng đầu ĐBSCL
>> Hà Nội, TP.HCM tụt hạng về năng lực cạnh tranh
>> Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh
>> Bình Thuận đánh giá về năng lực cạnh tranh
>> Các tỉnh phía Nam dẫn đầu về sức cạnh tranh
>> Sức cạnh tranh của Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng chỉ đạt loại khá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.