Cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn: Cần công khai kết quả xử lý

04/10/2023 14:41 GMT+7

Song song với việc gửi thông báo khi cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn, cơ quan chức năng cũng cần công khai kết quả xử lý đối với các trường hợp này.

Theo số liệu từ Bộ Công an, trong quý 3, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 864.000 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, riêng vi phạm nồng độ cồn lên tới hơn 176.000 trường hợp, chiếm hơn 20%.

Cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn: Cần công khai kết quả xử lý - Ảnh 1.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của tài xế

HOÀNG TUÂN

Đặc biệt, Bộ Công an chỉ đạo thành lập 6 tổ công tác phối hợp với công an các địa phương để tổng kiểm soát, xử lý trên tinh thần "không vùng cấm, không ngoại lệ". Đến nay, 6 tổ công tác đã trực tiếp kiểm soát, phát hiện, lập biên bản hơn 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 160 trường hợp người vi phạm là công chức, công an, bộ đội, nhà báo đang công tác ở các đơn vị.

Đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho hay, vi phạm về nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, vì thế công tác xử lý được thực hiện xuyên suốt. Với trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên, ngoài xử lý vi phạm hành chính theo quy định, lực lượng CSGT sẽ gửi thông báo về đơn vị công tác để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Không ký biên bản nồng độ cồn vì nghĩ ‘luật là phải tình có lý’

Quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn

Chiến dịch tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhất là việc gửi thông báo vi phạm về cơ quan đối với trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên nhận được sự ủng hộ của dư luận. Đây là biện pháp rất hiệu quả để giảm thiểu vi phạm về nồng độ cồn nói riêng và vi phạm trật tự, an toàn giao thông nói chung.

Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết Chỉ thị số 10 ngày 19.4.2023 của Thủ tướng nêu rõ: mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.

Thực hiện chỉ thị trên, hàng loạt trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm về nồng độ cồn đã bị gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị. Đây là minh chứng cho nguyên tắc xử lý vi phạm "không vùng cấm", dù bất cứ là ai; thể hiện thái độ quyết liệt của cơ quan quản lý đối với vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông.

Cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn: Cần công khai kết quả xử lý - Ảnh 2.

Bộ Công an khẳng định việc xử lý vi phạm nồng độ cồn là "không vùng cấm, không ngoại lệ"

HOÀNG TUÂN

Luật sư Tâm đánh giá công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn được tuyên truyền thường xuyên, liên tục; các trường hợp bị xử lý, trong đó có cán bộ công chức, công an, quân đội… là những người đủ trình độ để nhận thức rõ nhưng vẫn vi phạm. Điều này đặt ra đòi hỏi càng phải xử lý nghiêm minh hơn.

Với việc gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị, cán bộ vi phạm ngoài bị xử phạt hành chính còn có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng hoặc luật Cán bộ, công chức, luật Viên chức, quy định của các ngành công an, quân đội.

Các hình thức kỷ luật có thể gồm phê bình, hạ bậc danh hiệu thi đua năm, không xét tặng danh hiệu thi đua năm, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, khiển trách, cảnh cáo…

Luật sư Tâm kiến nghị để có sự thống nhất, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí, quy định chung trong việc xem xét, đánh giá, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về giao thông.

Cần công khai kết quả xử lý

Có ý kiến cho rằng cán bộ, đảng viên cũng cần bình đẳng như người dân, một hành vi vi phạm thì chỉ bị xử lý một lần. Vì thế, nếu đã xử phạt vi phạm hành chính rồi thì không cần gửi thông báo vi phạm về đơn vị công tác để xử lý theo quy định của cơ quan, của Đảng nữa.

Cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn: Cần công khai kết quả xử lý - Ảnh 3.

Vi phạm nồng độ cồn giảm đồng nghĩa nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông cũng giảm

HOÀNG TUÂN

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Long, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cán bộ, đảng viên nếu vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc vi phạm pháp luật về mặt hành chính thì còn vi phạm về trách nhiệm nêu gương.

"Ngoài nghĩa vụ chấp hành pháp luật như một công dân bình thường, cán bộ, đảng viên còn có vai trò nêu gương, đã được pháp luật quy định rất rõ", ông Long nói, đồng thời khẳng định, việc gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị để kiểm điểm, xử lý kỷ luật là rất cần thiết.

Thời gian qua, nhiều cán bộ bị xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Những trường hợp này sẽ bị gửi thông báo vi phạm về nơi công tác.

Ông Long cho rằng Bộ Công an cần có sự phối hợp, làm việc với các cơ quan liên quan để nắm bắt kết quả xử lý sau khi đã gửi thông báo vi phạm như thế nào. Bởi lẽ, đến thời điểm hiện tại chưa thấy có số liệu về việc đã gửi bao nhiêu thông báo vi phạm, kết quả xử lý về mặt Đảng, chính quyền đối với người vi phạm ra sao…

Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cần công khai thông tin về kết quả kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn để xã hội giám sát quá trình thực hiện, bảo đảm hiệu quả chính sách đã đề ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.