Chờ lối chơi phản công mang nhãn hiệu Troussier

20/11/2023 09:45 GMT+7

Trận gặp Iraq tối 21.11 là cơ hội để HLV Troussier mang đến diện mạo mới mẻ cho đội tuyển Việt Nam, dù vẫn là lối chơi phòng ngự phản công, nhưng sẽ vận hành theo cách khác.

Đấu pháp nào trước 'núi cao'?

Có một hiểu lầm khá phổ biến khi nói về đội tuyển Việt Nam của HLV Philippe Troussier, đó là ông thầy người Pháp ưa thích lối chơi tấn công sòng phẳng, thay vì phòng ngự phản công như thời HLV Park Hang-seo.

Thực tế, ông Troussier đã phủ nhận điều này ngay trong buổi lễ ra mắt đội tuyển. Nhà cầm quân có biệt danh "Phù thủy trắng" tiết lộ, ông là người có đấu pháp linh hoạt: "Gặp Brazil hay gặp Lào, chúng ta đều cần chiến thuật và đấu pháp riêng".

Tức là đội tuyển Việt Nam của ông Troussier vẫn có thể chơi phòng ngự phản công khi gặp đội mạnh, không nhất thiết phải đá tấn công.

Chờ lối chơi phản công mang nhãn hiệu Troussier - Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam khởi đầu tốt ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026

THỤY AN

Tuy nhiên, yếu tố căn cốt ông thầy người Pháp yêu cầu là dù đá phòng ngự phản công, đội tuyển Việt Nam vẫn phải kiểm soát được nhịp độ chơi bóng, không "nhắm mắt phá bừa", mà phải bình tĩnh chuyền bóng, triển khai lối chơi tuần tự khi giành lại quyền kiểm soát. Đồng thời, cần những tình huống gây áp lực chủ động để giành bóng phản công, thay vì phòng ngự co cụm rồi chờ đợi đối thủ mắc sai lầm.

Vẫn phòng ngự phản công nhưng ở trạng thái chủ động rõ ràng hơn, là đòi hỏi của chiến lược gia người Pháp ở các học trò. Đó cũng là lựa chọn hợp lý, bởi trước đội mạnh như Iraq, chơi đôi công là phương án quá mạo hiểm.

Trước Indonesia, đội tuyển Iraq đã thắng tới 5-1, cầm bóng 75%. Cứ mỗi khi Indonesia đẩy cao đội hình, Iraq lại giáng đòn trừng phạt vào hai biên, với những pha chuyển đổi trạng thái thần tốc.

Đại diện Tây Á không phải tập thể nhuần nhuyễn, kỹ thuật như Nhật Bản hay Hàn Quốc, có thể dễ dàng công phá những khối phòng ngự số đông. Dưới thời HLV Jesus Casas, Iraq chơi bóng khá đơn giản nhưng rất hiệu quả ở chỗ, luôn biết tận dụng thời cơ đối thủ rời khỏi vị trí phòng ngự để tung đòn "hồi mã thương".

Trước đối thủ sắc bén và tốc độ như Iraq, đội tuyển Việt Nam sẽ chơi thiên về phòng ngự, giữ khối đội hình chặt chẽ, di chuyển đồng đều. Khoảng trống giữa các tuyến, các vị trí được "cô đặc" lại, để tạo thành vòng vây bóp nghẹt các pha lên bóng của đối thủ.

Chờ lối chơi phản công mang nhãn hiệu Troussier - Ảnh 2.

Chờ lối chơi phản công mang nhãn hiệu Troussier - Ảnh 3.

Những mũi tấn công chăm chạy như Văn Toàn, Tuấn Hải rất hữu dụng với ông Troussier

THỤY AN

HLV Troussier từng trình làng lối chơi phòng ngự chặt chẽ và khoa học khi cùng đội tuyển Nhật Bản vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh, để về nhì tại Confederation Cup 2001. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, ông Tashima Kozo đã thán phục lối chơi mà "Phù thủy trắng" xây dựng khi phân tích kỹ càng trong bản đề án phát triển đội tuyển Nhật Bản.

Tại đây, ông Tashima khẳng định HLV Troussier đã mang lại cấu trúc chơi bóng rất chắc chắn, linh hoạt, giúp Nhật Bản trở thành khối "kim cương" khó bị đánh bại.

Đó cũng là sự chặt chẽ ông Troussier mong đợi ở đội tuyển Việt Nam. Tất nhiên, trình độ cầu thủ Việt Nam chưa bằng Nhật Bản. Việc tuân thủ chiến thuật trong 90 phút, liên tục di chuyển và xử lý ăn khớp cũng là thử thách rất lớn với đội hình đang ở giai đoạn giao thoa giữa các thế hệ.

Duy trì tập trung

Ngay ở trận gặp Philippines, đội tuyển Việt Nam cũng chơi chưa thực sự tốt, vẫn mắc nhiều sai lầm ở khâu kèm người, bọc lót. Chiến lược gia người Pháp đang nỗ lực cùng học trò hoàn thiện, sau những phân tích, nghiên cứu băng hình về lối chơi của Iraq trong ít ngày qua.

Ở trận gặp Iraq, đội tuyển Việt Nam có thể đón chào sự trở lại của Hoàng Đức, Hùng Dũng nơi tuyến giữa cùng Quế Ngọc Hải tại trung tâm hàng thủ. HLV Troussier cần thêm "chất" kiểm soát, điều tiết ở tuyến giữa để tăng thời lượng kiểm soát bóng, giúp những pha chuyển đổi từ phòng ngự sang tấn công mềm mại hơn.

Chìa khóa ở trận đấu tối 21.11 nằm ở khả năng phòng ngự và chống chịu áp lực. 3 trận đấu gặp Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc hồi tháng 10, điểm chung của đội tuyển Việt Nam là đều chống đỡ khá tốt trong 25 đến 30 phút đầu, trước khi sụp đổ bởi không duy trì được sự tập trung.

Sự tập trung cần dựa trên nền tảng thể lực và sức bền tâm lý. Thể lực không phải vấn đề, khi ông Troussier đang có lực lượng trẻ trung. Còn ở khâu tâm lý, các cầu thủ đã quen với những trận đấu áp lực. Việc thắng Philippines ở trận trước cũng giúp cầu thủ "nhẹ nhõm" hơn.

Trong cuộc so tài mà 1 điểm cũng là chấp nhận được, các cầu thủ cần gạt bỏ âu lo và tuân thủ chặt chẽ đấu pháp. Với lối chơi phòng ngự phản công mang "nhãn hiệu" Troussier, đội tuyển Việt Nam hứa hẹn có trận đấu rất đáng xem.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.