Cuộc thi viết cảm xúc SEA Games: Tôi yêu Công Phượng

19/08/2017 09:05 GMT+7

Một cầu thủ không tạo thành đội bóng, nhưng một đội bóng chỉ cần một vài cá nhân xuất sắc, tinh quái cũng có thể mang về những chiến thắng bất ngờ. Công Phượng là một trong những cầu thủ đó. Tôi yêu Công Phượng từ những tố chất của một cầu thủ lẫn nhân cách con người.

Còn nhớ khi lứa U.19 HAGL xuất hiện cái tên Công Phượng cùng đồng đội đã mang tới một luồng gió mới cho bóng đá VN sau một thời gian trầm lắng. Tuy nhiên cũng từ cái tên đó có lắm người yêu thương cũng không ít người ganh tị. Nào là cầu thủ thích rê dắt bóng đâm đầu vào tường. Nào là kẻ dự bị mòn quần. Nào là kẻ phát tờ rơi nơi đất khách quê người. Nào là kẻ gian lận tuổi... Bao nhiêu sóng gió cuộc đời phủ lên đầu một cầu thủ trẻ.
Phượng vẫn là Phượng. Một cậu bé quê trên cánh đồng nghèo. Một cầu thủ xuất sắc trên sân cỏ hôm nay. Xin cảm ơn người lớn đã dang rộng vòng tay kéo Phượng về hướng mặt trời để cho những tia nắng ấm đó tưới lên cánh đồng tuổi thơ nghèo khổ của Phượng và bùng cháy lòng nhiệt huyết trên sân cỏ trong mùa SEA Games 29 này.
Lê Đức Duy (68/277 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM)
Vượt qua nỗi buồn
SEA Games 29. Một buổi chiều oi nồng. Trên sân vận động hoành tráng Shah Alam với 80.000 chỗ ngồi, đội tuyển U.22 VN đè bẹp đối thủ Campuchia trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của hàng triệu khán giả xem trực tiếp trên sân cũng như qua màn ảnh nhỏ. Cách đó không xa, trên Sân vận động UM Arena bé xíu với 1.000 chỗ ngồi, thuộc Trường ĐH Quốc gia Malaysia, đội tuyển nữ VN cũng giành chiến thắng đậm đà trước đối thủ Philippines. Thầy trò Mai Đức Chung cùng nhau ăn mừng trong cảnh đìu hiu của sân đấu cũng như trong sự thờ ơ của người hâm mộ quê nhà. Không truyền hình trực tiếp. Chiến thắng của họ chỉ gói gọi vỏn vẹn vài dòng trong một bản tin thể thao.
Nhiều năm rồi vẫn thế, bóng đá nữ giống như đứa con ghẻ, ít được đoái hoài như người anh em bóng đá nam, dù rằng họ đã mang về biết bao vinh quang cho Tổ quốc, trong khi bóng đá nam chỉ đem đến những nỗi buồn. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đến sân Thống Nhất xem các em gái thi đấu. Một mình giữa sân vận động mênh mông, tôi hiểu cảm giác cô đơn là như thế nào. Stefan Zweig nói: “Không gì khủng khiếp hơn cô đơn giữa đồng loại”.
Còn một quãng đường dài để đến đích. Nhưng thật vui khi trên những khuôn mặt đẫm mồ hôi và nước mắt của các em gái, tôi không hề thấy sự chán chường. Bằng sự bản lĩnh và niềm đam mê, họ đã vượt qua được nỗi buồn vì bị ghẻ lạnh để âm thầm ghi dấu ấn. Chính điều này làm tôi luôn yêu các em!
Nguyễn Văn Tịnh (154/8A Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.