Cưới hỏi thời… kinh tế khó khăn

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
04/01/2024 11:31 GMT+7

Kinh tế khó khăn, nhiều người đến tuổi thành hôn cho biết khá chật vật khi tổ chức lễ cưới, ngành dịch vụ cưới tại TP.HCM theo đó cũng dìu hiu...

Theo chia sẻ của cô dâu Liên Anh và chú rể Quốc Thắng (ở TP.HCM), đám cưới vừa tổ chức của họ bị… lỗ vì khách mời chỉ đi khoảng 70%, do hôm đó mưa lớn, đường ngập nước. May mà cặp đôi chỉ đặt 10 bàn ở nhà hàng nên phần bù vào cũng tương đối ít.

Cưới hỏi thời… kinh tế khó khăn- Ảnh 1.

Đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận) tập trung nhiều tiệm áo cưới nhất TP.HCM

NHẬT THỊNH

"Nhiều người không dự lễ cưới chỉ gửi tiền mừng. Ngoài chi phí thức ăn, cộng thêm tiền bia, nước ngọt đãi khách, nhà hàng tính thêm phí phục vụ, cổng chào, bàn trang trí, MC… Tổng cộng chi phí 1 bàn xấp xỉ 5 triệu đồng. Khách đi tiền mừng mà dưới 500.000 đồng/người là lỗ. Ngày vui của mình cũng không thể so đo. Có khách mời 2 vợ chồng nhưng dẫn theo 2 đứa con hết 4 chỗ, mừng cưới 1 triệu đồng thì... 5 năm trước chị tôi cưới, sau khi trừ mọi chi phí còn có dư chút đỉnh đi du lịch, giờ thì lỗ ít đã là mừng rồi", cô dâu Liên Anh tâm sự.

Giảm 70 - 80% doanh thu

Anh Trần Quốc Đạt – chủ tiệm áo cưới Ngân Võ ở Gò Vấp, TP.HCM nhận định: "So với các năm, doanh thu cưới tại TP.HCM giảm khoảng 70-80%. Nhiều tiệm cưới trả mặt bằng hay sang cho chủ mới. Anh bạn tôi, chủ một tiệm cưới nổi tiếng ở đường Hồ Văn Huê, có chi nhánh tại nhiều quận ở TP.HCM, vào mùa cưới (từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau - PV) các năm trước, trung bình một tháng ký khoảng 600 hợp đồng thực hiện dịch vụ cưới hỏi. Năm nay dù sắp hết mùa cưới nhưng mỗi tháng chỉ dao động trên dưới 100 hợp đồng. Tiệm tôi cũng vậy, giảm 80% doanh thu. Trước đây tôi từng mở chi nhánh ở Singapore và Hàn Quốc, mỗi tháng đều bay qua đó chụp. Giờ tôi phải dừng hết để cắt lỗ vì thu không đủ bù chi".

Cưới hỏi thời… kinh tế khó khăn- Ảnh 2.

Cưới hỏi thời… kinh tế khó khăn- Ảnh 3.

Ảnh cưới chụp tại phim trường

Đ.T

Anh Đạt cho biết thêm hiện phải "thắt lưng buộc bụng, chờ đến mùa cưới năm sau may ra tình hình kinh tế khởi sắc mới hy vọng sống được với nghề". Studio Ngân Võ từ 8 nhân viên nay chỉ còn 2 người vì "doanh thu giảm nhiều quá". Anh Đạt không thể "nuôi" nhân viên như trước bằng hình thức trả lương tháng mà xoay qua chọn phương án "gọi sô", tức là khi nào có khách thì gọi thợ cộng tác chụp ảnh, trang điểm, chỉnh sửa ảnh…

Anh Hoàng Ngọc Huy, nhà sáng lập phim trường Alibaba (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và Paris (Q.9, TP.HCM) chia sẻ: "So với mùa cưới mọi năm, năm nay số lượng cặp đôi đến phim trường chụp ảnh cưới giảm khoảng 80%. Hằng năm đến mùa cưới, trung bình 2 ngày cuối tuần khoảng 100 cặp đến phim trường mỗi ngày nhưng năm nay chỉ còn 15 - 20 cặp. Ngày thường thì dưới 10 cặp".

Cưới hỏi thời… kinh tế khó khăn- Ảnh 4.

Ê kíp chụp album cưới

Đ.T

Chị Minh Thùy, quản lý studio cưới ở Q.6, TP.HCM cho biết, doanh thu của tiệm giảm 60 - 70%. Hiện các cặp đôi rất hiếm chụp album trong studio hay phim trường mà đa số chụp tấm hình khổ lớn 60 x 90 cm hoặc 60 x 120 cm và 5 tấm hình 13 x 18 cm với chi phí chỉ khoảng 1,5 - 2,5 triệu đồng, tiết kiệm từ 4 - 5 triệu đồng (so với chụp cả cuốn album).

"Mấy năm trước các cặp đôi có điều kiện kinh tế thường đi Đà Lạt, Đà Nẵng, Hồ Cốc, Vũng Tàu... chụp rất nhiều. Nhưng năm nay ai khá lắm mới ra phim trường, còn lại chỉ chụp tấm ảnh lớn làm kỷ niệm thôi. Tiệc nhà hàng cũng thế, thay vì đặt 20 - 30 bàn thì giờ nhiều người chỉ chọn 10 bàn hay ít hơn cho giảm chi phí. Tôi cũng biết có cô dâu còn tự ra chợ Tân Bình chọn mua váy cưới, xong lễ mang ra tiệm năn nỉ thu lại nhưng ít tiệm nào chịu mua", chị Thùy nói.

Làm thêm việc khác để giữ nghề

Để tồn tại với nghề, anh Ngọc Huy phải làm thêm nhiều dịch vụ khác. Anh xây dựng Làng du lịch Cá Gô Đồng kế bên phim trường Alibaba đón khách đến vui chơi theo phong cách làng quê Nam bộ. Ngoài ra, tại phim trường Alibaba còn có dịch vụ cà phê sân vườn, kết hợp hát với nhau hằng đêm, tổ chức tiệc cưới, sinh nhật… Dịp tết, anh Huy thiết kế bối cảnh mới để khách đến chụp áo dài xuân. "Nhiều ngành nghề gặp khó khăn trong giai đoạn này nên cần phải linh động chuyển đổi phương thức kinh doanh để vượt qua", anh Huy bày tỏ.

Cưới hỏi thời… kinh tế khó khăn- Ảnh 5.

Ảnh cưới khổ 60 x 120 cm đang được các cặp đôi ưa chuộng

Đ.T

Anh Long, chủ cơ sở may veston và áo cưới, có sạp ở chợ Tân Bình, TP.HCM cũng chung nhận định: doanh thu giảm 70%, để có thể tồn tại với nghề cần siết chặt chi tiêu, tăng cường thay đổi mẫu mã, tìm kiếm thêm khách hàng qua các trang mạng.

Thợ chụp ảnh cưới Cường Thịnh, với hơn 20 năm trong nghề, nhận làm các dịch vụ khác như chụp kỷ yếu, sinh nhật, đám thôi nôi, sự kiện… "Vậy mà cũng ít sô lắm. Ngày nào rảnh tôi mở app chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm mới đủ sống", anh Thịnh nói.

Cũng theo anh Thịnh, giờ chụp ảnh và quay phim cưới, người thợ cũng phải am tường công nghệ. Ảnh chụp, phim cưới được xử lý bằng phần mềm rồi tải lên mạng cho khách, không cần thiết rửa ra ảnh như trước.

Cưới hỏi thời… kinh tế khó khăn- Ảnh 6.

Phim trường Alibaba có thêm dịch vụ cà phê

Đ.T

Anh Thịnh cũng lo cho nghề của mình khi càng ngày, công nghệ chụp ảnh trên điện thoại di động càng phát triển. "Vài năm tới, tôi cũng không biết phải làm gì để sống. Giờ điện thoại di động chụp ảnh đẹp như máy chuyên nghiệp, lại xử lý hiệu ứng rất nhanh, chắc là tôi bỏ nghề. Chụp ảnh tiệc cưới thường rửa ra khổ nhỏ 13 x 18 cm hay 15 x 21 cm và gửi qua các mạng xã hội cho khách nên điện thoại di động dư sức thỏa mãn nhu cầu", anh Thịnh trầm ngâm...

So với 10 năm trước, giá dịch vụ cưới không tăng mà còn giảm. Đơn cử, giá trọn gói dịch vụ ngày cưới hiện nay bao gồm: chụp album tại phim trường trong thành phố, thuê vest, váy cưới, áo dài, chụp ảnh tiệc, trang điểm cô dâu, hoa cưới cầm tay… dao động từ 10 - 20 triệu đồng tùy theo độ sang trọng của tiệm. Hiện chi phí trọn gói chụp 1 ảnh lớn hay album trong studio kèm các dịch vụ ngày cưới, cô dâu chú rể chỉ phải trả từ 7 - 10 triệu đồng. Nếu chụp album ngoại cảnh, giá trong khoảng từ 6 - 10 triệu đồng.

Đơn giá này dành cho đại đa số, còn lại có những tiệm áo cưới cao cấp, giá chụp album có thể lên đến hơn 20 triệu đồng và thuê váy cưới cô dâu từ 20 - 50 triệu đồng/lần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.