Đạo diễn Việt Tú: “Thị trường ballet tại Việt Nam đã trở nên sôi động”

17/11/2016 08:00 GMT+7

“Càng biết nhiều thì càng dễ mở lòng. Thế giới nghệ thuật được tạo ra bởi sự hiểu biết và sáng tạo, không phải sự áp đặt hay thiếu hiểu biết...”.

Thêm lần nữa đưa nhà hát ballet danh tiếng Talarium Et Lux trở lại Việt Nam với hai đêm diễn Hồ thiên nga (vào ngày 1.12 tới tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM) và Kẹp hạt dẻ (ngày 3.12, tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội), đạo diễn Việt Tú (ảnh) - Giám đốc sáng tạo của Công ty CP đào tạo và tư vấn truyền thông AAA (nhà tổ chức sản xuất đêm diễn), tổng đạo diễn của hai đêm diễn hào hứng chia sẻ.
Có vẻ như năm nay, nhà tài trợ và tổ chức quyết “chi mạnh”, vì ngoài việc không tranh thủ “on tour”, lại còn mang hẳn 2 vở sang Việt Nam? Vì sao anh không dùng luôn Kẹp hạt dẻ cho cả TP.HCM?
Talarium Et Lux nói rằng, nếu họ đã cố gắng để đến thị trường chúng ta trong thời điểm không có tour diễn châu Á, thì họ cũng muốn tận dụng tối đa cơ hội để quảng bá về ballet với khán giả Việt và muốn chúng ta có thêm nhiều cơ hội thưởng thức các tác phẩm ballet kinh điển.
Anh có lo khán giả TP.HCM sẽ kém nồng nhiệt với ballet Nga hơn khán giả Hà Nội?
Đặc tính vùng miền chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Chúng tôi dựa vào nguồn đặt vé trên mạng năm ngoái, cùng các phân tích từ nhà tài trợ - đơn vị sở hữu khối dữ liệu khổng lồ về nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng, để từ đó ra quyết định.
Phiên bản Hồ thiên nga của Talarium Et Lux khi về đến Việt Nam đã gây lo lắng là “phá vỡ sự hoàn hảo của bản gốc”, nhưng cuối cùng đã được đón nhận rất nồng nhiệt. Theo anh, đó là do trình độ thưởng thức ballet của khán giả Việt còn hạn chế, hay là do “ly cocktail” của Talarium Et Lux là “hợp mốt”?
Nói trình độ thưởng thức của khán giả còn hạn chế là coi thường họ. Mỗi chúng ta đều có nhu cầu thưởng thức thứ mà mình thích. Thế giới phân định rất rõ ràng, sự áp đặt hay ấu trĩ chỉ làm hạn chế sự phát triển của nghệ thuật.
Mang về VN một phiên bản ballet không đúng như “chuẩn” của nó: Trung tâm hội nghị quốc gia (thay vì nhà hát), dùng nhạc playback (thay vì nhạc sống), ứng dụng công nghệ 3D (thay vì phông màn sân khấu vẽ tay)... Anh nghĩ đó là “công” hay “tội”?
Vượt qua những định kiến có phần phiến diện của một thiểu số cho mình quyền phán xét, trong khi chưa chắc đã thực sự hiểu thế nào là ballet hay nghệ thuật hàn lâm đúng chuẩn, chúng ta có thể nhận thấy một thực tế là: Sau khi chúng tôi thực hiện Hồ thiên nga, thị trường ballet cả đúng chuẩn và không đúng chuẩn đẳng cấp quốc tế đã thực sự trở nên sôi động, và người có lợi nhất là những khán giả đích thực.
Thách thức lớn nhất để đưa được một đoàn nghệ thuật đỉnh cao về Việt Nam lúc này là gì?
Chính là sự phiến diện và ấu trĩ mà tôi vừa đề cập. Nếu tư duy như họ, chắc Pavarotti phải là một “tội đồ” của opera vì ông đã dám “pop hóa” thứ nghệ thuật hàn lâm này. Và còn vô số những “tội đồ” khác như: Lang Lang, vì đã dám chơi nhạc cổ điển với nhóm rock Metallica; hay Yo Yo Ma, vì ông ta đã chơi nhạc cùng với cây trompet Chris Botti... Càng biết nhiều thì càng dễ mở lòng. Thế giới nghệ thuật được tạo ra bởi sự hiểu biết và sáng tạo, không phải sự áp đặt hay thiếu hiểu biết.
Cần cảm ơn các nhãn hàng lớn vì nhờ họ mà nghệ thuật đỉnh cao đã đến được với khán giả Việt Nam.
• Nhà tài trợ độc quyền:
Tổng công ty viễn thông MobiFone
• Đơn vị tổ chức sản xuất:
Công ty cổ phần đào tạo và tư vấn truyền thông AAA.
Liên hệ mua vé
- Truy cập website: http://www.ballet.com.vn/
- Hoặc liên hệ theo hotline: 0903477455 hoặc 0902220277
- Fanpage chính thức:
Kẹp hạt dẻ: www.facebook.com/
Nutcracker.inHanoi
Hồ thiên nga: www.facebook.com/
TheSwanLake.inHoChiMinh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.