Đề xuất 7 trường hợp phải đánh lại số nhà

14/05/2024 12:26 GMT+7

Bộ Xây dựng đề xuất 7 trường hợp phải đánh lại số và gắn mới biển số nhà theo nguyên tắc quy định tại dự thảo thông tư đang lấy ý kiến.

Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo thông tư nhằm thống nhất quy định về đánh số và gắn biển số nhà trên toàn quốc. Thông tư dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 8.2024.

Bộ Xây dựng đề xuất quy định thống nhất cách đánh số nhà trên toàn quốc (ảnh minh họa)

Bộ Xây dựng đề xuất quy định thống nhất cách đánh số nhà trên toàn quốc (ảnh minh họa)

T.N

Đảm bảo thuận lợi khi đánh số nhà

Theo dự thảo, việc đánh số và gắn biển số nhà phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu giao tiếp, tiếp nhận thông tin, thư tín, liên lạc, giao dịch dân sự, thương mại và các giao dịch khác; đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị và điểm dân cư nông thôn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, dân cư, PCCC, an ninh, trật tự.

Mỗi khuôn viên nhà ở, công trình xây dựng có nhà tại mặt tiền của các tuyến giao thông được mang một biển số nhà theo quy cách thống nhất.

Số nhà trên các tuyến giao thông được đánh bằng dãy số tự nhiên bắt đầu từ nhà đầu tuyến đến cuối tuyến không phân biệt ranh giới hành chính. Đứng đầu tuyến trái nhìn về phía cuối tuyến, nhà bên trái đánh số lẻ (1, 3, 5, 7 và các số lẻ tiếp theo), nhà bên phải đánh số chẵn (2, 4, 6, 8 và các số chẵn tiếp theo).

Trường hợp một nhà có cửa mở ra hai tuyến giao thông khác nhau thì nhà đó được đánh số theo tuyến giao thông có mặt cắt ngang lớn hơn; nếu các tuyến giao thông có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo tuyến có cửa chính vào nhà.

Tại dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất quy định cách đánh số và gắn biển số với từng loại nhà, gồm: nhà mặt đường, mặt phố, nhà trong ngõ, nhà trong ngách, nhà trong hẻm, nhà trên tuyến đường mới xây dựng, căn hộ của chung cư, nhà trong khu đô thị...

Sau khi thông tư ban hành, các tuyến giao thông thuộc khu phố cổ, khu phố cũ đã có số nhà được đưa vào sử dụng ổn định nếu phù hợp với các nguyên tắc quy định tại thông tư này thì được giữ nguyên số nhà đã đánh.

Ngược lại, trường hợp không phù hợp thì UBND quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất phương án xử lý, gửi về sở xây dựng để thẩm tra, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Bộ Xây dựng đề xuất cụ thể cách đánh số với từng loại nhà, gồm: nhà mặt đường, mặt phố; nhà trong ngõ, ngách, hẻm; căn hộ của chung cư,...

Bộ Xây dựng đề xuất cụ thể cách đánh số với từng loại nhà, gồm: nhà mặt đường, mặt phố; nhà trong ngõ, ngách, hẻm; căn hộ của chung cư,...

TUYẾN PHAN

Trường hợp nào phải đánh lại số nhà?

Dự thảo của Bộ Xây dựng quy định 7 trường hợp phải đánh lại số và gắn mới biển số nhà theo nguyên tắc quy định tại thông tư này, bao gồm:

- Các tuyến giao thông đã đánh số nhà nhưng phát sinh nhiều nhà xây mới hoặc tồn tại nhiều số nhà tự phát;

- Các tuyến giao thông đã đặt tên và đánh số nhà nhưng được mở rộng, cải tạo, số nhà cũ đã giải phóng mặt bằng; các ngõ được mở rộng thành đường, phố và được đặt tên;

- Các tuyến đường, phố đã đánh số nhà nhưng được mở nối dài từ phía đầu đường mà phần nối dài đó không được đặt tên đường, phố mới;

- Các ngõ, ngách, hẻm của tuyến đường, phố khác có lối ra đường, phố mới mở rộng và được đặt tên;

- Các tuyến giao thông quy định tại Điều 6 của Thông tư này được UBND cấp tỉnh quyết định đánh lại số và gắn mới biển số nhà;

- Trường hợp một đường, phố cũ phân chia thành nhiều đường, phố mới hoặc nhiều đường, phố cũ được nhập thành đường phố mới;

- Các nhà chung cư sử dụng số căn hộ trái nguyên tắc đánh số quy định tại thông tư này.

Cách đánh số khi chèn hoặc nhập số nhà

Dự thảo còn quy định chi tiết việc đánh số nhà đối với các trường hợp thực hiện chèn số nhà và nhập số nhà.

Trong đó, trường hợp nhà xây mới xen trên đất của khuôn viên nhà cũ thì đánh số nhà đó bằng tên ghép của số nhà cũ và chữ số phụ là chữ cái in hoa tiếng Việt. Nếu hình thành nhiều nhà mới thì chữ số phụ lấy theo thứ tự A, B, C và chữ cái tiếp theo, chiều xác định theo chiều tăng số nhà của tuyến giao thông;

Trường hợp nhà được xây gộp từ nhiều nhà cũ đã có các số nhà thì số nhà xây gộp là số nhà cũ có số nhỏ hơn.

Trường hợp cải tạo từ nhà thấp tầng thành nhà nhiều tầng nhiều căn hộ, có nhiều chủ sở hữu hoặc sử dụng thì số nhà cũ được sử dụng làm tên của ngôi nhà và thực hiện đánh số cho các căn hộ trong nhà.

Trường hợp một đường, phố cũ phân chia thành nhiều đường, phố mới hoặc nhiều đường, phố được nhập thành đường phố mới thì các nhà mặt đường phải được đánh số và gắn biển số nhà theo quy định tại thông tư này nhưng biển số nhà cũ vẫn được giữ lại trong thời hạn 2 năm và được gắn phía dưới biển số nhà mới…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.