Đề xuất ngành giáo dục chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
15/05/2024 15:52 GMT+7

Dự thảo luật Nhà giáo đang được Bộ GD-ĐT xin ý kiến dư luận nêu thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm.

Theo dự thảo luật Nhà giáo, việc tuyển dụng nhà giáo phải căn cứ vào đề án vị trí việc làm; chuẩn nhà giáo; chương trình giáo dục, đào tạo; quỹ tiền lương nhằm bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu nhà giáo giảng dạy, giáo dục.

Dự thảo luật Nhà giáo nêu thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm

Dự thảo luật Nhà giáo nêu thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm

M.C

Dự luật cũng nêu 5 nguyên tắc tuyển dụng nhà giáo, gồm: "Bảo đảm công khai, công bằng, khách quan và đúng quy định của pháp luật. Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm tính cạnh tranh; tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, chuẩn nhà giáo, chức danh nhà giáo; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người tình nguyện làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ và các đối tượng chính sách khác".

Về thẩm quyền và phương thức tuyển dụng, dự luật nêu: Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: do cơ sở giáo dục trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học ban hành.

Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác, do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo. Tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo. 

Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định cụ thể điều này.

Nhiều bất cập trong tuyển dụng nhà giáo 

Như vậy, nếu dự luật này được thông qua, việc tuyển dụng nhà giáo sẽ có những thay đổi đáng kể khi giao cho ngành GD-ĐT chủ trì tuyển dụng thay vì chính quyền địa phương và ngành nội vụ như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng phát biểu đầy trăn trở về việc ngành GD-ĐT không có thẩm quyền chính trong tuyển dụng giáo viên. Ông nói: "Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả hai điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất".

Trong phân tích về tình hình đội ngũ nhà giáo hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.

Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng: "Quy định về tuyển dụng viên chức nói chung còn chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. 

Chẳng hạn, việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các trường hợp chưa đảm bảo đủ tư cách để trở thành nhà giáo, một số trường hợp gây nguy hiểm đến an toàn của trẻ em nhưng chưa có quy định không được đăng ký dự tuyển nhà giáo; việc quy định người đăng ký dự tuyển viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam, đang cư trú ở Việt Nam làm cản trở việc thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về nhà giáo và hợp tác quốc tế trong GD-ĐT".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.