Quyết định lịch sử làm nên đường dây 500 kV giá trị

30/05/2014 10:25 GMT+7

Sau 20 năm, những quyết định lịch sử táo bạo, đột phá và chính xác đã định hình nên đường dây 500 kV vẫn khiến thế hệ sau phải khâm phục.

Điện trong cuộc sống
Bộ đội quân khu 4 tham gia đào móng, giải phóng mặt bằng ở vị trí 937, Hồ Kim Sơn (Kỳ Anh, Nghệ An) - Ảnh: Phương Bình

Nguyên Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải nhớ lại, thời điểm đầu những năm 90, khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình và nhiều nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc hoàn thành, miền Bắc thừa điện, trong khi miền Nam, miền Trung “khát” điện. Tại cuộc họp của Chính phủ thường kỳ, ông Hải đã đưa ra 2 đề nghị giải quyết tình trạng nơi thừa, nơi thiếu này: bán điện miền Bắc cho Trung Quốc, hoặc làm đường dây 500 kV để truyền tải điện vào Nam. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đồng ý với đề xuất làm đường dây 500 kV của ông.

Thời điểm đó không phải các chuyên gia đều đồng tình với việc làm đường dây 500 kV, bởi quá nhiều khó khăn, như thời gian dự kiến 2 năm cho công trình là quá ngắn (các công trình tương tự phải mất 3-4 năm để hoàn thành)… Tuy nhiên, với những giải pháp ông Hải đưa ra, đặc biệt là quyết tâm mang tính lịch sử của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đường dây 500 kV Bắc - Nam vẫn được xây dựng.

Trên chiều dài toàn tuyến 1.487 km, phần lớn đường dây đều xuyên qua rừng núi hiểm trở, đầm lầy, suối sâu heo hút, kỹ sư, công nhân của công ty xây lắp điện 1, 2, 3, 4 đã ăn rừng, ngủ rừng suốt 2 năm, thậm chí phải đổ cả xương máu. Bản thân ông Vũ Ngọc Hải cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong thời gian thực hiện đường dây, nhưng với khát vọng xây dựng công trình lịch sử của tương lai, sức người, sức của đã được huy động tối đa, nhờ đó đường dây 500 Kv đã hoàn thành nhanh chóng trong 2 năm.

Theo Giáo sư viện sĩ, TKSH Trần Đình Long, sở dĩ công trình đạt tốc độ thần tốc bởi thực hiện theo phương châm “vừa thiết kế vừa thi công”. Theo ông Long, công trình có những hạng mục mà nếu chờ, tính toán cho xong toàn bộ rồi mới làm thì chậm tiến độ, trong khi theo tính toán, mỗi năm dự án vào vận hành mang lại lợi ích vài nghìn tỉ đồng, nhất là giải quyết được vấn nạn thiếu điện của miền Trung, miền Nam.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo đường dây 500 kV Bắc - Nam nhớ lại, đường dây 500 Kv được chia làm 4 cung đoạn để khảo sát thiết kế và xây lắp, với sự tham gia đông đảo của cả đội ngũ chính quy cán bộ, kỹ sư trong nghề, kết hợp với nhân dân địa phương, bộ đội, công an… trong suốt trong 2 năm, không kể ngày nghỉ, ngày lễ, mưa rét, bão lụt. Nhiều vị trí, máy móc không thể đưa lên được, phải huy động người các địa phương gùi từng bao xi măng, từng bao cát lên đỉnh núi cheo leo để đúc móng, như đỉnh đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Giằng, Khâm Đức, đèo Lò Xo… 

Ngày 21.1.1993, tại trạm biến áp Phú Lâm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công công trình. Đến 19 giờ 7 phút ngày 27.5.1994, tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hạ lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng, qua đường dây 500 kV, chính thức đưa hệ thống 500 kV vào vận hành. Không chỉ hoàn vốn trong 3 năm đầu vận hành, đường dây đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện cho miền Nam và miền Trung, đưa mức tăng trưởng điện thương phẩm cả nước từ 5-6% giai đoạn 1990 - 1992 lên đột biến 18,2% giai đoạn 1993 - 1997.

Sau hơn 20 năm vận hành đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1, ngành điện tiếp tục đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500 kV mạch 2, mạch 3, tạo thành trục xương sống cho truyền tải điện quốc gia theo cả 2 chiều. Những quyết định lịch sử, bài học kinh nghiệm từ xây dựng đường dây 500 kV mạch 1 tiếp tục là động lực, cảm hứng cho việc xây dựng hạ tầng, đảm bảo vận hành hệ thống điện cả nước thông suốt, hiệu quả.

Nguồn: EVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.