Doanh nghiệp tặng công trình, chính quyền không dám nhận

27/05/2023 06:51 GMT+7

Do vướng mắc trong thủ tục giao đất và cấp phép xây dựng công trình của nhà tài trợ tặng nên 3 dự án ở TP.Thủ Đức vẫn nằm trên giấy.

TRỤ SỞ PHƯỜNG TRONG TRƯỜNG MẦM NON

Cuối đường Nguyễn Cơ Thạch bên trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm có một bảng chỉ dẫn nhỏ hướng dẫn đường đi vào trụ sở UBND P.An Lợi Đông (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Nhìn vào dãy nhà cấp 4 lọt thỏm xung quanh khu đất toàn cây cỏ um tùm, ít người nghĩ rằng đây là trụ sở của cơ quan hành chính bởi cơ sở vật chất xập xệ, nhất là khi quá khác biệt với dãy nhà phố, biệt thự cách đó chừng vài trăm mét.

Trụ sở phường vốn là trường mầm non cũ bị giải tỏa khi thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm được cải tạo lại để sử dụng tạm thời. Ban chỉ huy quân sự phường cũng bố trí tạm bên trong, còn trụ sở công an phường nằm ở mé sông Sài Gòn. Mang tiếng là phường có giá nhà đất đắt đỏ nhất TP.Thủ Đức nhưng trụ sở phường lại thấp trũng, thường xuyên ngập nước khi mưa lớn hay triều cường.

Doanh nghiệp tặng công trình, chính quyền không dám nhận - Ảnh 1.

Trụ sở UBND P.An Lợi Đông (TP.Thủ Đức, TP.HCM) xuống cấp nghiêm trọng, công nhân đang sửa sang lại cổng

SỸ ĐÔNG

Nhiều năm trước, Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh ngỏ ý muốn xây tặng trụ sở UBND P.An Lợi Đông để cán bộ, công chức có nơi làm việc khang trang hơn. Thế nhưng trong buổi làm việc mới đây, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, cho biết thủ tục rườm rà khiến dự án vẫn chưa thể triển khai. Lý do, doanh nghiệp muốn tặng công trình theo hình thức "chìa khóa trao tay", tức là doanh nghiệp trực tiếp đầu tư xây dựng trên phần đất do nhà nước đang quản lý chứ không phải trao tặng tiền mặt.

UBND TP.Thủ Đức đã tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp với các sở: Xây dựng, TN-MT, KH-ĐT, Tài chính nhưng các bên vẫn còn đang lúng túng và chưa có phương án tối ưu. Nếu làm theo quy định hiện nay, nhà tài trợ phải thực hiện 6 bước, như lập dự án đầu tư trình Sở KH-ĐT thẩm định, lập thủ tục giao đất trình Sở TN-MT, trình Sở Xây dựng phê duyệt thiết kế bản vẽ và cấp phép xây dựng rồi mới tổ chức thi công.

Trong quy trình này, để được cấp phép xây dựng thì nhà nước phải giao đất cho nhà tài trợ (thời hạn giao đất là thời gian thực hiện dự án). Ông Hoàng Tùng cho rằng việc lập thủ tục giao đất sẽ kéo dài và phức tạp, đặc biệt là giao đất nhà nước trực tiếp quản lý cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Các thủ tục phức tạp và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự quan tâm, không thu hút nguồn vốn tài trợ của doanh nghiệp trên địa bàn.

Doanh nghiệp tặng công trình, chính quyền không dám nhận - Ảnh 2.

Nếu chỉ vì vướng thủ tục mà không thể tiếp nhận công trình của doanh nghiệp tặng cũng là một hình thức lãng phí nguồn lực

RÚT NGẮN THỦ TỤC, HOÀN THÀNH TRONG NĂM 2024

Trên địa bàn TP.Thủ Đức, ngoài trụ sở UBND P.An Lợi Đông do Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh có ý định xây tặng, còn có Công ty CP kinh doanh địa ốc Him Lam cũng muốn tặng trạm trung chuyển chất thải rắn ở P.Long Trường và Công ty TNHH Sài Gòn Sports City muốn tặng trường trung học cơ sở ở P.An Phú. Tổng kinh phí xây dựng 3 công trình này hơn 200 tỉ đồng. Nhu cầu của địa phương cần, nhà tài trợ sẵn sàng đầu tư nhưng thủ tục chưa thông nên dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.

Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều chuyên gia và đại biểu HĐND TP.HCM nhìn nhận nếu chỉ vì vướng thủ tục mà không thể tiếp nhận công trình của doanh nghiệp tặng cũng là một hình thức lãng phí nguồn lực. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nhà nước tìm mọi cách huy động nguồn lực để kêu gọi đầu tư, nay doanh nghiệp tặng tài sản mà chính quyền lại không nhận được. Lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND TP.HCM cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xây dựng, địa phương chỉ cần giám sát chặt chẽ chất lượng công trình, đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, UBND TP.Thủ Đức đề xuất phương án mới với quy trình rút gọn còn 4 bước. Cụ thể, trên cơ sở đề nghị của nhà tài trợ, UBND TP.Thủ Đức quyết định tiếp nhận đề nghị sản phẩm dưới dạng công trình công ích, phục vụ cộng đồng theo phương thức "chìa khóa trao tay". Sau đó, chủ đầu tư lập dự án trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, UBND TP.Thủ Đức phê duyệt dự án, rồi chủ đầu tư làm bản vẽ thiết kế thi công và tổ chức xây dựng. Sau khi dự án được nghiệm thu hoàn thành thì bàn giao cho chính quyền địa phương, làm thủ tục xác lập tài sản công.

Với quy trình trên, thời gian thực hiện các thủ tục là 135 ngày, chưa tính thời gian xây dựng công trình. Bên cạnh đó, thẩm quyền giải quyết hồ sơ được rút gọn chỉ còn Sở Xây dựng và UBND TP.Thủ Đức thay vì phải qua 4 - 5 đầu mối như trước.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND TP.Thủ Đức, Sở Tài chính, Sở KH-ĐT và Sở TN-MT khẩn trương nghiên cứu đề xuất của TP.Thủ Đức, báo cáo UBND TP.HCM phương án tiếp nhận và phương án hoàn thành để đưa các công trình trên vào sử dụng cuối năm 2024. 

Có thể áp dụng hình thức đối tác công tư

Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Duy Minh cho hay việc tiếp nhận các tài sản lưu động như máy móc, thiết bị hay xe cộ từ doanh nghiệp hoặc tổ chức tặng thì rất dễ xử lý. Tuy nhiên, việc tặng trụ sở làm việc trên đất công thì còn vướng bởi trong 5 hình thức ghi nhận sở hữu nhà nước đối với tài sản thì không có hình thức này.

Do đó, ông Minh gợi ý có thể thực hiện theo phương thức đối tác công tư, sau khi hoàn thành công trình thì doanh nghiệp chuyển giao, đồng thời tặng cho nhà nước phần tài sản thuộc quyền khai thác của họ. Giám đốc Sở Tài chính đánh giá đây là phương thức nhanh nhất, bởi nếu nhận tiền tài trợ thì phải hòa vào ngân sách, TP.Thủ Đức phải xin dự án theo luật Đầu tư công.

Nếu khó quá thì chuyển qua đầu tư công

Theo một lãnh đạo Thành ủy Thủ Đức, bản thân thấy sốt ruột bởi sự phối hợp để tháo gỡ vướng mắc quá lâu, trong khi doanh nghiệp đã đặt vấn đề tài trợ từ lúc còn chưa thành lập TP.Thủ Đức, P.An Lợi Đông còn thuộc Q.2 cũ. Do trụ sở phường bố trí tạm nên ảnh hưởng đến không gian làm việc cũng như tâm lý của cán bộ, công chức. Hiện, có gần 30 cán bộ, công chức làm việc tại phường, chưa kể ban chỉ huy quân sự. Vị này đề nghị các sở ngành tháo gỡ nhanh để sớm triển khai. Trong trường hợp thấy khó quá, chưa tìm ra được giải pháp tối ưu thì chuyển qua hình thức đầu tư công, đăng ký vốn rồi thực hiện theo quy định để biết được thời điểm hoàn thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.