Ecuador hứng bão ngoại giao sau vụ xông vào sứ quán Mexico bắt người

07/04/2024 09:31 GMT+7

Ecuador đã hứng chịu chỉ trích từ các nước Mỹ Latinh, thậm chí bị cắt đứt quan hệ, sau khi lực lượng an ninh xông vào Đại sứ quán Mexico ở Quito để bắt giữ một cựu phó tổng thống đang tị nạn chính trị ở đây.

Lực lượng đặc biệt của Ecuador tối 5.4 đã bao vây Đại sứ quán Mexico ở Quito (thủ đô Ecuador) cùng với thiết bị phá tường, và ít nhất một đặc vụ đã trèo qua tường, trong vụ đột kích gần như chưa từng có tiền lệ nhằm vào các cơ sở ngoại giao vốn được coi là lãnh thổ có chủ quyền, bất khả xâm phạm, theo AFP.

Vụ đột kích được thực hiện để bắt giữ cựu Phó tổng thống Ecuador Jorge Glas, người đã ẩn náu trong Đại sứ quán Mexico từ tháng 12 năm ngoái và được nước này cấp quy chế tị nạn chính trị trước đó trong ngày 5.4. Ông Glas đã hai lần bị kết án vì tội tham nhũng và đang bị truy nã.

Mexico cắt quan hệ với Ecuador sau vụ bắt giữ người ở đại sứ quán

Sự việc đã khiến Mexico nhanh chóng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador, đánh dấu đỉnh điểm của một tuần chứng kiến căng thẳng ngoại giao leo thang nhanh chóng.

"Đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền của Mexico", Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador của Mexico viết trên mạng xã hội X.

Theo nhà lãnh đạo, lực lượng Ecuador đã xông vào tòa nhà sứ quán Mexico theo cách "cưỡng ép" để bắt giữ ông Glas. Ông cũng cho biết Mexico sẽ khởi kiện Ecuador tại Tòa án Công lý Quốc tế.

Ecuador hứng bão ngoại giao sau vụ xông vào sứ quán Mexico bắt người- Ảnh 1.

Xe quân sự đậu bên ngoài Đại sứ quán Mexico ở Quito hôm 5.4

REUTERS

Công ước Vienna, điều ước điều chỉnh quan hệ quốc tế, quy định rằng một quốc gia không được phép xâm phạm các đại sứ quán nằm trên lãnh thổ của mình.

Nicaragua sau đó đã "nối gót" Mexico, trong khi các chính phủ trên khắp khu vực Mỹ Latinh - bao gồm Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Peru, Cuba, Bolivia và Venezuela - đã lên án Ecuador một cách kịch liệt, theo AFP.

Trong tuyên bố về việc chấm dứt "toàn bộ quan hệ ngoại giao" với Ecuador hôm 6.4, Nicaragua cho rằng việc xông vào Đại sứ quán Mexico là "hành động bất thường và đáng bị lên án", "vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn".

Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil, quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu khu vực, đã lên án vụ việc "theo cách mạnh mẽ nhất" và bày tỏ tình đoàn kết với người đồng cấp Mexico. Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Brazil, hành động của Ecuador "phải bị phản đối mạnh mẽ, bất kể lý do biện minh cho việc thực hiện nó là gì", theo Reuters.

Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS, trụ sở tại Mỹ) cho biết trong một tuyên bố rằng họ phản đối "bất kỳ hành động nào vi phạm hoặc gây nguy hiểm cho quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan đại diện ngoại giao".

Ecuador hứng bão ngoại giao sau vụ xông vào sứ quán Mexico bắt người- Ảnh 2.

Xe quân sự chở ông Glas rời Quito hôm 6.4 sau vụ bắt giữ

REUTERS

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington lên án mọi hành vi vi phạm công ước bảo vệ các cơ quan ngoại giao, theo Reuters. Tuyên bố cũng nêu rằng Mỹ khuyến khích "hai nước giải quyết những bất đồng của họ theo cách phù hợp với các chuẩn mực quốc tế".

Trong ngày 6.4, Đại sứ quán Mexico tại Quito vẫn bị cảnh sát bao vây và quốc kỳ Mexico đã bị hạ xuống.

Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena cho biết các nhà ngoại giao của họ sẽ rời khỏi Ecuador trên các chuyến bay thương mại và với sự hỗ trợ của "các đại sứ quán thân thiện".

Nguồn cơn căng thẳng

Vụ xông vào đại sứ quán bắt người xảy ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mexico và Ecuador đã trở nên căng thẳng suốt thời gian qua.

Tổng thống Lopez Obrador đã khiến Quito khó chịu khi so sánh tình trạng gia tăng tội phạm ở Mexico trước cuộc bầu cử tháng 6 với bạo lực trong cuộc bầu cử năm 2023 ở Ecuador, trong đó ứng cử viên nổi tiếng Fernando Villavicencio bị ám sát, theo AFP.

Tổng thống Mexico cho rằng vụ sát hại ông Villavicencio đã khiến tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên cánh tả Luisa Gonzalez giảm sút, trong khi tỷ lệ ủng hộ chính trị gia trẻ tuổi Daniel Noboa tăng lên, giúp ông này đắc cử.

Ecuador hứng bão ngoại giao sau vụ xông vào sứ quán Mexico bắt người- Ảnh 3.

Tổng thống Noba của Ecuador

AFP

Tổng thống Noboa, 37 tuổi, lên nắm quyền vào cuối năm ngoái với cam kết sẽ trấn áp bạo lực do các băng nhóm ma túy gây ra, làm chao đảo quốc gia một thời rất yên bình.

Ông Noboa cho rằng bình luận của ông Lopez Obrador là một sự "xúc phạm" đối với Ecuador và ra lệnh trục xuất đại sứ Mexico, người chưa rời khỏi quốc gia Nam Mỹ hôm 6.4.

Đáp lại, Mexico cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông Glas, động thái mà ông Noboa cho là "bất hợp pháp".

Trước vụ bắt giữ, Ecuador nói rằng theo các công ước quốc tế, "việc trao quyền tị nạn cho những người bị kết án hoặc bị truy tố vì các tội thông thường và bởi các tòa án thông thường có thẩm quyền là bất hợp pháp".

Ecuador không xa lạ với việc cấp quyền tị nạn cho những người muốn trốn tránh các vụ xét xử. Đại sứ quán nước này ở London là nơi ở của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, người khi đó tìm cách để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển, trong suốt 7 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.