Hai quan chức Mỹ đến Solomon giữa lo ngại an ninh

18/04/2022 22:00 GMT+7

Ông Kurt Campbell và ông Daniel Kritenbrink dự kiến thăm Solomon tuần này, trong bối cảnh Mỹ và đồng minh lo ngại về thỏa thuận an ninh giữa đảo quốc Thái Bình Dương và Bắc Kinh.

Chuyến thăm Solomon của ông Campbell, điều phối viên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia, và ông Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, được Nhà Trắng công bố hôm 18.4.

Hai người sẽ đầu đầu phái đoàn với các thành viên từ Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Phái đoàn Mỹ sẽ thăm ba quốc gia, bao gồm Quần đảo Solomon, Fiji và Papua New Guinea, theo thông báo từ Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng.

Ông Kurt Campbell (trái) và ông Daniel Kritenbrink.

Reuters

"Phái đoàn sẽ gặp các quan chức chính phủ cấp cao để đảm bảo quan hệ đối tác của chúng ta mang lại thịnh vượng, an ninh và hòa bình trên khắp các quần đảo Thái Bình Dương cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thông cáo cho hay, song không nêu thời gian thăm viếng.

Phái đoàn cũng sẽ ghé qua Hawaii để "tham vấn với các quan chức quân sự cấp cao và các đối tác khu vực tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ".

Hồi tháng 2, Mỹ tuyên bố sẽ mở đại sứ quán ở Quần đảo Solomon, một phần nỗ lực của chính quyền Biden trong việc cung cấp thêm nguồn lực ngoại giao và an ninh cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Solomon hồi tháng 3 cho biết họ đang hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các mối đe dọa an ninh và đảm bảo một môi trường an toàn cho đầu tư. Đây được xem là nền tảng quan trọng để Bắc Kinh tăng cường hiện diện tại khu vực mà các đồng minh của Mỹ như Úc và New Zealand đã coi là "sân sau" của họ trong nhiều thập kỷ.

Song sau phản ứng dữ dội từ Mỹ cũng như các nước trong khu vực, Honiara cho biết họ sẽ không cho phép Trung Quốc đặt cơ sở quân sự trên lãnh thổ Solomon.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton nói rằng Trung Quốc hy vọng sẽ giành được chỗ đứng quân sự ở Nam Thái Bình Dương, bao gồm một "quân cảng" ở Papua New Guinea. Trung Quốc từng đề nghị tái phát triển một căn cứ hải quân ở Papua New Guinea vào năm 2018, nhưng nước láng giềng gần nhất của Úc về phía bắc đã quyết định để Canberra xây dựng căn cứ này.

Hôm 15.4, Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ lo ngại về khả năng Quần đảo Solomon ký kết thỏa thuận an ninh với Trung Quốc, cho rằng thỏa thuận này sẽ mở đường cho Bắc Kinh điều động lực lượng quân sự đến Nam Thái Bình Dương.

"Chúng tôi cho rằng việc ký một thỏa thuận như thế có thể làm gia tăng bất ổn tại Quần đảo Solomon và tạo một tiền lệ đáng lo ngại cho khu vực. Rõ ràng là chúng tôi lo ngại về điều này", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.