Công ty niêm yết đối thoại nhà đầu tư

16/12/2007 22:23 GMT+7

Ngày 16.12, "Ngày đối thoại giữa các công ty niêm yết và các nhà đầu tư" đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Cuối ngày, có không ít người ra về chưa hài lòng.

Được thông tin rầm rộ trước cả tháng trời, các nhà đầu tư háo hức mong chờ nhưng thực tế "Ngày đối thoại giữa các công ty niêm yết và các nhà đầu tư" đã diễn ra không mấy ấn tượng, nếu không muốn nói là buồn tẻ. Cuộc đối thoại giữa những công ty niêm yết và các nhà đầu tư chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy hai giờ đồng hồ, trong đó phần trình bày, giới thiệu về doanh nghiệp đã "ngốn" mất nửa tiếng.

Ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch Hiệp hội Các tổ chức niêm yết cho biết: "Mục đích của Ngày đối thoại nhằm tạo ra một môi trường minh bạch hơn, thúc đẩy mạnh hơn nữa việc các doanh nghiệp phải công bố thông tin công khai, minh bạch". Nhưng mong muốn đó của nhà tổ chức dường như chưa tìm được tiếng nói chung từ các doanh nghiệp tham gia. Ở hàng ghế dành cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư thấy xuất hiện rất nhiều chỗ trống, mặc dù ban tổ chức có ghi tên các công ty trên một tấm biển rõ ràng. Điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư bức xúc. Anh Nguyễn Hồng Thanh (ở Hoàng Quốc Việt, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) lên tiếng: "Dù sở hữu cổ phiếu của công ty này, công ty kia nhưng thực tế chúng tôi rất ít có cơ hội để được đối diện, đặt câu hỏi với ông Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) hay Tổng giám đốc doanh nghiệp. Tôi hy vọng rất nhiều vào việc tham gia Ngày đối thoại, bởi đây sẽ là cơ hội cho tôi. Tôi định đặt câu hỏi, chất vấn lãnh đạo FPT một số vấn đề nhưng lãnh đạo FPT không có ai trả lời, ban tổ chức hứa hẹn nhà đầu tư gửi câu hỏi, họ sẽ gửi phần trả lời sau". Không chỉ có những nhà đầu tư muốn đặt câu hỏi với FPT mới thất vọng mà nhà đầu tư muốn đặt câu hỏi cho nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào hoàn cảnh này.

Ngày 16.12, Hiệp hội Các tổ chức niêm yết đã chính thức ra mắt tại Hà Nội. Ban điều hành lâm thời của hiệp hội có một chủ tịch và ba phó chủ tịch. Ông Đỗ Văn Trắc giữ chức Chủ tịch lâm thời của hiệp hội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Trắc thừa nhận, Ngày đối thoại này chưa thực sự thành công như mong muốn. Và ông hứa, sẽ có văn bản gửi các đơn vị thành viên để nhắc nhở.

Bên cạnh đó, khá nhiều nhà đầu tư cũng đã hài lòng với Ngày đối thoại, chẳng hạn những ai sở hữu và quan tâm đến những mã cổ phiếu SSI, REE, STB, TMS, DTT... Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc các doanh nghiệp này đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Trước chất vấn của nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE đã giải trình một cách cặn kẽ, đưa ra những lý do cụ thể để giải thích vì sao một số dự án bất động sản của REE bị chậm tiến độ.

TMS và DTT có tham gia đấu giá Vietcombank không? Bà Trần Thị Minh Hằng, Tổng giám đốc TMS và ông Lê Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT DTT khẳng định: "Không tham gia". Bà Hằng cho biết thêm: "TMS có kế hoạch tham gia đầu tư vào một số loại cổ phiếu khác, đầu tư vào mảng tài chính, tín dụng của TMS là một mảng rất phụ". Liên quan đến việc đấu giá Vietcombank, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc SSI Nguyễn Duy Hưng nhận được khá nhiều câu hỏi. Theo ông Hưng, đấu giá của Vietcombank không quan trọng đến mức như mọi người nghĩ, các nhà đầu tư "đè ra" và gán cho nó vai trò quá quan trọng nên bản thân Vietcombank cũng chịu nhiều sức ép. Ông Hưng cho rằng: "Giá của Vietcombank không thể làm giá tham chiếu cho các ngân hàng khác được, vì Vietcombank mới tập trung kinh doanh ở mảng tín dụng chứ chưa kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác".

Về những nguyên nhân khiến VN-Index gần đây sụt giảm mạnh, ông Hưng phân tích: "Có quá nhiều tổ chức tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu đã làm cho thị trường khan vốn. Chúng tôi nghiên cứu, để mua cổ phiếu của các doanh nghiệp phát hành thêm trong thời gian gần đây thì trong vòng hai tháng nhà đầu tư cần có khoảng 3 tỉ USD". Chỉ mua cổ phiếu ưu đãi thôi, nhà đầu tư đã cạn tiền, nói gì đến mua cổ phiếu mới. Ông Hưng nhận định: "Thị trường sẽ tiếp tục phát triển vì ngày càng có nhiều công ty và các quỹ đầu tư lớn tham gia nhưng VN-Index tiếp tục lình xình, sẽ có sự phân cấp mạnh, có những cổ phiếu phát triển chậm, xuống giá chậm và có những cổ phiếu xuống nhanh". Ông Hưng nhận xét: "Sắp tới tôi nghĩ là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền".

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.