Hà Nội: Nhiều mặt hàng tăng giá 10-20%

01/12/2009 23:06 GMT+7

Tại Hà Nội, một số sản phẩm nhập khẩu bán trong siêu thị đã tăng giá. Một số loại bánh hộp sắt xuất xứ từ Malaysia, Pháp, Đức đã tăng giá từ 10-30 ngàn đồng/hộp, các loại sô-cô-la, rượu ngoại cũng rục rịch tăng giá.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó TGĐ Công ty cổ phần Nhất Nam - sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart - trong thời gian qua, nhiều nhà cung cấp sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm nhập khẩu đã thông báo tăng giá với lý do giá USD tăng, ảnh hưởng tới giá nhập khẩu. Các mặt hàng tăng giá từ 10-20%. Bà Hậu cho biết, một số sản phẩm sản xuất trong nước sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng giá như nước ngọt, bột nêm...

Theo phân tích của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, các siêu thị tại Hà Nội có xu hướng tăng giá chậm hơn so với phía Nam. Do phần lớn các mặt hàng bày bán được sản xuất từ các nhà máy phía Nam, nên các siêu thị phía Bắc thường trữ nhiều hàng hơn (xa nơi sản xuất) và khi bán hết hàng mới tăng giá cho đợt hàng tiếp theo. Còn siêu thị ở phía Nam, do gần nhà máy sản xuất nên bán ra đến đâu nhập đến đó, lượng hàng trữ không nhiều, việc cập nhật giá nhanh hơn. “Về phía hiệp hội, sắp tới tôi sẽ gửi thông báo tới các siêu thị thành viên về việc tăng cường khối lượng hàng hóa dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết; các hệ thống siêu thị, công ty phân phối có thể liên kết với nhau, trao đổi thông tin để luân chuyển hàng hóa, mua bán giữa nơi thừa, nơi thiếu nhằm bình ổn thị trường, không tạo ra sốt ảo. Nếu có các siêu thị bán giá cao bất hợp lý, chúng tôi sẽ thông báo cho Sở Công thương đưa lực lượng chức năng vào kiểm tra, xử lý”, ông Phú nói.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó TGĐ siêu thị Big C, thì cho rằng việc thay đổi tỷ giá USD không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản phẩm “do đó chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ mức giá hợp lý để không phải bất kỳ nhà cung cấp nào muốn tăng giá và tăng giá bao nhiêu cũng được”.

Chuẩn bị cho mùa Tết, theo ông Dũng, phía Big C đã nhận được sự cam kết không tăng giá, cung cấp đủ số lượng các mặt hàng gạo, mì gói, quần áo... Mặt hàng thực phẩm tươi sống, rượu bia... phía siêu thị đang tiếp tục đàm phán. Ông Dũng tiết lộ bí quyết để đàm phán được giá tốt với các nhà cung cấp: “Chúng tôi thực hiện những biện pháp như cam kết số lượng hàng lớn từ vài tháng trước để nhà cung cấp có điều kiện chuẩn bị nguyên vật liệu, tổ chức sản xuất ở lúc thấp điểm. Một số mặt hàng nhạy cảm, đi kèm với các thỏa thuận đó, chúng tôi trả trước 10%, 20% thậm chí 50% giá trị lô hàng để ràng buộc chắc chắn hơn và cũng để hỗ trợ tài chính cho nhà sản xuất".

 Theo bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, thành phố sẽ dành 250 tỉ đồng hỗ trợ nguồn vốn vay không lãi suất cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trong dịp Tết. Sở cũng đã giao cho Tổng công ty lương thực miền Bắc, Công ty TNHH chế biến lương thực thực phẩm Thái Dương, Công ty TNHH nhà nước một thành viên đầu tư phát triển nông nghiệp, Tổng công ty thương mại Hà Nội, Công ty rượu Hà Nội, Công ty cổ phần Thăng Long... tham gia bình ổn giá hàng hóa trong dịp Tết này. Tại Hà Nội, hiện có 13 trung tâm thương mại, 74 siêu thị và khoảng 200 cửa hàng kinh doanh theo mô hình cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn.

 Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.