Cần thiết nhưng đừng là rào cản

21/11/2005 22:07 GMT+7

Tiếng Anh đang ngày càng trở thành công cụ giao tiếp chủ yếu và quan trọng nhất trong quá trình hội nhập thế giới. Bởi thế, nhu cầu học tiếng Anh ngày càng cao cũng là điều tất yếu. Được học ngoại ngữ với người bản địa ngay tại Việt Nam là một cách chọn lựa tiết kiệm hơn việc du học, mà hiệu quả cũng rất cao.

Với gần 300 cơ sở văn hóa ngoài giờ, trung tâm đào tạo ngoại ngữ thì số lượng người nước ngoài giảng dạy ngoại ngữ tại TP.HCM không còn là hiếm. Có điều, không ít trung tâm mở rộng quy mô phát triển một cách ồ ạt gắn liền hoạt động tiếp thị của những người được coi là giáo viên bản địa nhưng không đủ tiêu chuẩn, chất lượng. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng giảng dạy không "vàng thau lẫn lộn" cũng như bảo đảm yếu tố ổn định chính trị - xã hội, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định 93 và 105 quy định việc quản lý người lao động nước ngoài, đó là khi tham gia làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động. Với lĩnh vực giáo dục thì tiêu chuẩn để giáo viên ngoại được giảng dạy tiếng nước ngoài tại Việt Nam là có bằng tốt nghiệp ĐH kết hợp với chứng nhận giảng dạy và có một lý lịch tư pháp rõ ràng.

Ông Nguyễn Trọng Tường - Nguyên Hiệu trưởng Trung tâm Ngoại ngữ - Văn hóa của Cao ủy tỵ nạn LHQ ở Indonesia:  "Các nước thuộc Liên hiệp Anh có cơ chế và thủ tục khá đơn giản nhưng rất hệ thống. Theo đó, tất cả những người nước ngoài muốn đến các nước thuộc Liên hiệp Anh đều phải có chứng chỉ sư phạm, đảm bảo rằng họ có thể làm giáo viên. Đối với người tốt nghiệp tại các trường sư phạm thì đương nhiên họ đáp ứng được điều kiện này trong khi những người có các học vị chuyên môn khác, nếu muốn làm giáo viên đều phải được chứng minh khả năng qua chứng chỉ sư phạm. Đó là điều kiện đầu tiên. Ngoài ra, các học vị khác đều phải được hệ thống giáo dục của các nước trong cùng khối chấp nhận. Đối với Singapore, một nước đang có chính sách mở cửa thì giáo viên nước ngoài đến làm việc tại đây ngoài những yêu cầu nhất định về trình độ, thủ tục được ưu tiên tối đa. 95% trường tư thục ở Singapore giảng dạy chương trình quốc tế của các nước như Anh, Mỹ, Úc, New Zealand". 

Uyên Phi (ghi)

Tuy nhiên, trong đợt phối hợp kiểm tra giữa các ban ngành có liên quan, trong số 36 cơ sở văn hóa ngoài giờ sử dụng 321 giáo viên nước ngoài thì chỉ có 90 người có giấy phép lao động do UBND thành phố cấp, đặc biệt có những trung tâm Anh ngữ 100% người nước ngoài đang giảng dạy không có giấy phép và duy nhất có Trường Nhật ngữ Đông Du là làm tốt công tác này. Để siết chặt công việc quản lý, trên website của Sở GD-ĐT TP.HCM đã dành hẳn một danh mục Danh sách giáo viên nước ngoài, trong đó nêu rõ số lượng giáo viên được cấp phép và những giáo viên chưa đảm bảo yêu cầu ở mỗi trung tâm.

Được biết, quy trình xin cấp giấy phép lao động thực tế mất khá nhiều thời gian và những trung tâm ngoại ngữ gặp một số vướng mắc do khác nhau về thủ tục hành chính. Riêng về lý lịch tư pháp của công dân, mỗi nước có những quy trình khác nhau. Ở Mỹ, do Văn phòng Liên bang không phải là nơi cấp loại giấy này nên Đại sứ quán, Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam không đồng ý chứng nhận và đóng dấu xác nhận vào lý lịch của các công dân này cho dù bản gốc của lý lịch tư pháp đã được đóng dấu tại cơ quan có thẩm quyền tại Mỹ. Bên cạnh đó, trong quy định cấp phép không chấp nhận bản sao có công chứng của giáo viên nên việc cung cấp bản gốc văn bằng ĐH và chứng nhận giảng dạy tiếng Anh trong thời gian quy định khiến các giáo viên bản xứ phải về nước hoặc phải chờ thời gian khá dài mới hoàn tất thủ tục. Đã có không ít giáo viên ngoại không đủ kiên nhẫn chờ được cấp phép nên nhanh chóng chuyển đến giảng dạy ở các nước châu Á khác. Do vậy, từ vướng mắc này mà nhiều trung tâm ngoại ngữ lo ngại sẽ mất đi cơ hội tìm được giáo viên giỏi.

Trở lại vấn đề thủ tục cấp phép, trong buổi làm việc vào tháng 8/2005, khi nghe các trường ngoại ngữä trình bày những khó khăn chung khi xin giấy phép lao động cho giáo viên ngoại, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm phát biểu: "Sẽ xem xét vấn đề này nhưng trước mắt, các sở, ban ngành có liên quan tại TP.HCM nên tạo điều kiện cho các trung tâm Anh ngữ có uy tín khi thực thi nghị định về quản lý người lao động nước ngoài". Theo bà Phan Hà Thủy, Giám đốc Kế hoạch phát triển của Trung tâm Anh văn Hội Việt-Mỹ (VUS) thì: "Những quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng giáo viên nước ngoài tại Việt Nam trong điều kiện thực tế hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, ngành giáo dục nên quy định thủ tục và thời gian hoàn tất những thủ tục pháp lý trong việc cấp giấy phép hành nghề một cách thực tế hơn".

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.