Hành trình đến thiên đường ảo - Kỳ 4: Như là địa ngục...

28/12/2009 10:43 GMT+7

Ở một số tỉnh Bắc Trung bộ bây giờ đi đâu cũng nghe nói về phong trào đi lao động ở Anh, Đức và một số nước châu u. Nhiều người chưa bao giờ bước chân ra khỏi “ao làng” nhưng lại chấp nhận đánh cược mạng sống, vay nóng, vay nguội một số tiền lớn để đóng cho những tổ chức lén đưa người ra nước ngoài với hi vọng đổi đời.

Nhưng trên hành trình ấy có người phải bỏ mạng nơi đất khách, kẻ suốt năm tháng chỉ biết đến cơm tù, người may mắn về được thì ôm nợ tán gia bại sản. Chúng tôi tìm về Hà Tĩnh, Quảng Bình - nơi có những người liều mạng đi tìm thiên đường nhưng thất bại trở về trong đắng cay và nợ nần.

Cuộc vượt biên bất thành

Nghe theo lời dụ dỗ đảm bảo đưa đến tận Anh, Đức... với giá không dưới 10.000 USD, anh N. V Bình cùng nhiều người đã tin tưởng giao tiền cho những kẻ tổ chức đường dây. Trải qua ba lần vượt biên giới bất hợp pháp, hàng chục lần ngồi tù, ở trại tị nạn nhưng cuối cùng họ phải quay về. Giờ đây, ngồi bên giường bệnh ở một bệnh viện tại Huế, anh Bình vẫn còn rùng mình khi nhớ lại hành trình nghiệt ngã ấy.

Đêm 30 tháng chạp năm Quý Mùi, anh Bình cùng Hoàng và Phương (hai người quê Hà Tĩnh) được tổ chức bay đi Nga với tấm hộ chiếu du lịch. Tất cả họ trước khi bay đều đã đóng trước cho một phụ nữ tên Q. ở TP Vinh mỗi người 1.000 USD, được gọi là tiền làm hộ chiếu. Tới Nga đúng mồng một tết Giáp Thân (2004), họ được đưa vào nhà của một người Việt Nam sống một tháng với ngày hai bữa ăn và cấm đi ra ngoài.

Hết hạn visa du lịch, họ lại được chuyển xuống Minsk (thuộc Cộng hòa Belarus). Lúc này có thêm sáu người Việt Nam khác nhập cuộc. Tất cả họ sau đó được đưa về Ukraine trú ngụ một tháng. Tại đây quá trình chuẩn bị cho hành trình vượt biên qua nhiều nước bắt đầu để đến Anh, Đức như lời của những kẻ tổ chức.

Vào năm 2002 một thanh niên người xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã bị bắn chết khi cố vượt biên giới từ Ukraine qua Đức. Người thanh niên này được một đường dây ở xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình tổ chức đưa đi Đức bằng visa du lịch rồi vượt qua Đức từ nước thứ ba. Hiện nay tại khu vực hai xã nói trên, phong trào đưa người đi Anh, Đức rất sôi động.
“Tôi nhớ không chính xác, nhưng đó là khoảng đầu tháng 3-2004, chúng tôi 9 người Việt Nam cùng với nhóm 10 người gồm cả Ấn Độ và Afghanistan được thông báo sẽ bắt đầu vượt biên giới Ukraine vào Ba Lan lúc sáng sớm - anh Bình nhớ lại - Cả nhóm được đường dây đưa tới một khu rừng giáp biên giới Ba Lan để bắt đầu vượt biên. Không người dẫn đường, không thức ăn nước uống, chúng tôi buộc phải tự lo lấy thân mình, chỉ khi qua được biên giới mới có người đón. 19 người chia thành nhiều nhóm.

Trước khi bước vào hành trình vượt biên, để đề phòng bất trắc, anh Bình cùng chị Phượng và một thanh niên Nghệ An đi chung nhóm. Cuộc xuất phát bắt đầu lúc 3 giờ sáng. Cả nhóm lầm lũi đi không định hướng giữa rừng rậm dày đặc tuyết và gió lạnh thấu xương. Không một ai dám dừng bước để thở dù đói và khát vì trước khi đi đã được cảnh báo có chó sói trong rừng. Trời bắt đầu sáng thì bước chân của nhóm lại gấp gáp hơn, thậm chí có đoạn phải chạy thục mạng bởi thỉnh thoảng nghe văng vẳng tiếng chó sủa của lính đi tuần.

Đói, khát khiến chị Phượng quỵ chân giữa rừng. Hai người trong nhóm phải vừa dìu, vừa cho chị ngậm tuyết chống khát. Lầm lũi đi, chạy không định hướng đến 1 giờ chiều cùng ngày cả nhóm bất ngờ nghe nhiều tiếng quát và tiếng lên đạn lách cách rồi chó sủa vang, lính biên phòng vây chặt lấy ba người còng tay giải về đồn. Chiều cùng ngày, các nhóm còn lại cũng bị bắt nốt sau một cuộc bố ráp bằng chó săn, máy bay của lính biên phòng Ba Lan”.

Bị nhốt một tuần để làm thủ tục, lấy khẩu cung, cuối cùng cả nhóm lại được trả về Ukraine. Sau khi nhận “hàng” xong, cảnh sát Ukraine đưa luôn cả nhóm về một trại giam. “Chúng tôi cứ tưởng họ giam một vài tuần rồi thả, ai ngờ đó là những chuỗi ngày ngồi tù đen tối” - anh Bình nhớ lại.


Cảnh sát Ba Lan và chó nghiệp vụ ngăn chặn người qua biên giới trái phép - Ảnh: Võ Trung Dung


Tù ngục

Cả nhóm bị giam trong một hệ thống nhà tù tối tăm và thiếu thốn trăm bề. Suốt một tháng bị giam, mỗi ngày được cấp phát ba bữa ăn toàn bánh mì cứng như đá với nước uống được xay ra từ cùi bắp (ngô). Đói và khát luôn thường trực khiến những người khỏe nhất cũng phải suy sụp. Chỉ có vài tấm chăn ẩm mốc để họ chống lại cái lạnh thấu xương.

Anh Bình kể: “Mỗi ngày chúng tôi chỉ được phép ra ngoài hai lần vào buổi sáng và chiều để vệ sinh và tắm rửa. Đây vừa là cơ hội vừa là bi kịch nhất của người tù”. Ấy là lúc họ tranh thủ bới móc ở các thùng rác và nhặt nhạnh những gì có thể ăn được. Cũng có lúc nhiều người tìm thấy vài mẩu bánh mì còn sót lại. May mắn hơn thì nhặt đượt thịt hộp mà các cai ngục bỏ đi.

“Có một lần tôi và một người quê Nghệ An may mắn được cho ra lau chùi nhà vệ sinh. Khi đó nhìn thấy thằng cai ngục đang ăn trứng luộc mà thèm đến nhỏ dãi. Chẳng biết người cai ngục ăn no hay trứng bị hư nên anh ta vứt một quả vào thùng rác. Chờ hắn đi khuất, chúng tôi nhào tới chụp lấy quả trứng chia nhau mà ăn. Đó là bữa ăn có thể là nhục nhã nhất nhưng ngon chưa từng thấy”, anh Bình nói giọng uất nghẹn.

Sau một tháng bị giam, một ngày đầu tháng 4-2004 bỗng nhiên cả nhóm được thả ra. Sau này nghe thông tin rằng ấy là nhờ có sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam ở Ukraine. Vừa ra tù, những kẻ trong tổ chức đem xe tới đón đi ngay. Lúc này, nhiều người do quá hãi hùng, xin được trở về Việt Nam nhưng những kẻ tổ chức vừa dọa nạt, vừa dụ dỗ bắt buộc mọi người đi tiếp. Cô đơn trên đất khách, không tiền bạc, không người thân, cả nhóm lại phải chấp nhận phó mặc số phận để tiếp tục cuộc hành trình khốn khổ.

Theo Hồ Văn / Tuổi Trẻ

>> Kỳ 1: Dưới những cánh rừng Calais
>> Kỳ 2: Đường tới “thiên đường”
>> Kỳ 3: Bẫy rập trên những cánh rừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.