Giá điện sẽ tăng đều ở mọi hộ tiêu dùng?

14/11/2005 15:20 GMT+7

Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đưa ra 5 phương án về giá bán lẻ điện áp dụng trong giai đoạn 2006 - 2008 để Bộ Công nghiệp tham khảo trước khi bộ này có phương án chính thức trình Chính phủ vào thời gian tới.

Với đề xuất này, EVN cho rằng, để đảm bảo cân đối tài chính cho các khâu bán buôn, bán lẻ và nhằm thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài vào ngành điện thì giá bán lẻ điện bình quân năm 2006 phải đạt mức tối thiểu 898 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức giá đề nghị nói trên của EVN tăng khoảng 14,8% so với giá điện bán lẻ bình quân 782 đồng/kWh hiện hành.

Cũng theo đề xuất của EVN, các phương án giá bán lẻ điện mới có nhiều hướng rất khác nhau, như giữ nguyên giá bán điện cho sản xuất, tăng đều đối với các đối tượng còn lại; giữ nguyên hoặc tăng với tỷ lệ thấp đối với 100 kWh điện sinh hoạt đầu tiên và giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn, xóa giá điện của ngành đặc thù...

Cùng với việc đưa ra các phương án giá bán lẻ, EVN cũng đề nghị cải tiến biểu giá bán lẻ và cơ chế tự động điều chỉnh theo hướng điều chỉnh giá bán điện cho các hộ công nghiệp đặc thù lên bằng giá bán cho các hộ công nghiệp khác; quy định thêm giờ cao điểm sáng (từ 9h đến 12h) và tăng thêm số giờ cao điểm tối (từ 17h đến 21h); xóa biểu giá bán buôn cho khu tập thể, cụm dân cư; quy định giá bán công suất dự phòng với mức 100.000 đồng/kW/tháng...

Trước đó, tại Văn bản số 160/TB-VPCP (ngày 1/9/2005) thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về cân đối cung - cầu và huy động vốn đầu tư, Bộ Công nghiệp đã được yêu cầu xây dựng phương án điều chỉnh giá điện trong 3 năm (2006-2008) để áp dụng ngay từ đầu năm 2006. Tất nhiên, Chính phủ cũng yêu cầu giá điện mới phải được tính toán phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, đảm bảo tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.

EVN cho biết, giá điện cho sản xuất ở VN hiện cao hơn giá điện phục vụ sinh hoạt trong khi ở các nước khác, tình hình lại diễn ra ngược lại và điều này cũng chưa thực sự khuyến khích các nhà sản xuất. Tại thời điểm hiện nay, giá bán điện phục vụ sinh hoạt ở mức bình quân 4,05 UScent/kWh; cho sản xuất là 5,2 UScent/kWh (theo tỷ giá 15.900 VND/USD). Sau khi loại trừ thuế giá trị gia tăng, giá bán điện ở VN còn thấp hơn một số nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan... nhưng cao hơn Indonesia.

Một điểm đáng chú ý, theo phân tích của EVN là nếu chỉ tính riêng phần do tổng công ty tự sản xuất, khi giá thành điện thương phẩm là 733,06 VND/kWh thì với giá bán điện bình quân 782 VND/kWh hiện hành, EVN vẫn đảm bảo cân đối tài chính và có lãi. Tuy nhiên, do lượng điện mà EVN tự sản xuất hiện chỉ đáp ứng 42% tổng nhu cầu về điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, nên để đảm bảo cung cấp đủ điện, tất yếu EVN phải mua thêm điện từ các nhà máy điện độc lập. Với phần mua ngoài này, giá thành điện thương phẩm bình quân hiện nay ở mức 1.002 VND/kWh, cao hơn hẳn so với mức giá bán điện bình quân.

Với mô hình hiện tại, khi EVN vẫn đang là người mua duy nhất thì việc sản lượng điện mua ngoài ngày càng tăng sẽ khiến các nhà máy của EVN càng khó có thể cân đối được tài chính. Đó là chưa kể nhu cầu về vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện ngày càng tăng để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu phụ tải khi nền kinh tế phát triển mạnh.

Một quan chức của Bộ Công nghiệp cho hay, đây mới là những phương án do EVN đề xuất và Tổ công tác về giá điện sẽ đưa ra phương án cụ thể trình lên Chính phủ trong năm nay để có thể áp dụng giá điện mới trong năm tới. Lẽ dĩ nhiên là theo phương hướng nào thì việc các hộ sử dụng điện, nhất là điện sinh hoạt sẽ phải chi trả nhiều hơn là điều khó tránh.

Một số chuyên gia cho rằng, phương án tăng đều cho các đối tượng có thể thu hút được sự quan tâm, bởi nó không "gây sốc" đối với bất cứ hộ tiêu dùng nào dù ngành điện có thể không đạt được mức tích lũy như mong muốn.

Trước đó, vào đầu năm nay, phương án tăng giá theo hướng lũy tiến mạnh đối với điện sinh hoạt từ mức 301 kWh/tháng trở lên đã phải tạm dừng triển khai do vấp phải sự phản ứng của người dân.

Theo Đầu tư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.