80% hộ nghèo vào WTO

29/11/2006 00:11 GMT+7

Khi trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về việc tăng giá điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ ý kiến riêng của mình, đại ý: chúng ta có 75% hộ nông dân dùng điện, 5% hộ nghèo ở thành thị chỉ dùng điện dưới 100 kwh/tháng, tổng cộng 80% hộ dân này chỉ tiêu thụ hết 21% lượng điện quốc gia. Vậy thì theo ý Thủ tướng, không nên tăng giá điện ở lần này cho 80% hộ dân. Cái này, nói theo ông cha ta, là "khoan sức dân".

Và hôm nay, sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO, 80% hộ nghèo ở VN đã chính thức "vào WTO", bình đẳng với 20% hộ dân còn lại.

Nhiều đại biểu Quốc hội trong phát biểu trước khi biểu quyết đã nhấn mạnh đến khả năng phân hóa giàu nghèo sẽ gia tăng mạnh sau khi VN vào WTO, một thực tế khó thay đổi, nhưng với mục tiêu phấn đấu cho một xã hội công bằng dân chủ văn minh và hạnh phúc, chúng ta sẽ phải làm gì để 80% hộ dân trong nước ta có mức sống khá hơn khi Việt Nam vào sân chơi thế giới?

Có thể nói, 75% hộ nông dân trong nước không phải tất cả đều nghèo, trong khi họ là lực lượng chính đưa lượng gạo xuất khẩu của VN đứng hàng thứ 2 thế giới. Rồi cà phê, rồi hồ tiêu, rồi cao su, rồi thủy hải sản... Nếu không có nông dân và ngư dân, không có những người nuôi cá nuôi tôm thì lấy đâu ra vị thế một nước Việt Nam xuất khẩu mà như đại biểu Vũ Tuyên Hoàng cho là "năng động bậc nhất ở Đông Nam Á". Nhưng cũng thực tế, là "vùng trũng" khổ nghèo của đất nước vẫn nằm ở "vùng 80%" này, trong đó nổi lên những vùng sâu vùng xa "không có kinh tế thị trường”. Nhưng "trợ cấp trực tiếp cho nông dân" liệu có là giải pháp hay?

Đã có đại biểu Quốc hội phân tích chí lý, là ở những nước mà nhà nước bảo hộ trực tiếp cho nông dân khu vực sản xuất nông nghiệp, thì nông nghiệp ở những nước đó không phát triển. Ngược lại, những hỗ trợ theo đúng bài bản "trao cần câu, không trao con cá" đã tỏ ra hữu hiệu. Và một trong những "cần câu" mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói tới, chính là chủ trương của Chính phủ "chưa vội tăng giá điện cho 80% hộ dân, trong đó có 75% hộ nông dân". Vì sao như thế ?

Ai cũng biết, với hộ nông dân nghèo, thì điện không chỉ là phương tiện sản xuất, mà còn là phương tiện mang lại ánh sáng văn hóa, ánh sáng khoa học kỹ thuật cho họ, nhất là cho con em họ đang cắp sách đến trường. Thêm một ngọn đèn khuya cho con em họ học bài cũng là một cách trợ giúp cho nông dân đấy! Sẽ có rất nhiều gia đình nông dân có con em đi học sẽ được hưởng lợi từ quyết định "chưa vội tăng giá điện" ấy.

Như thế, có rất nhiều cách để Nhà nước có thể trợ giúp cho nông dân, cho những hộ nghèo mà không hề vi phạm cam kết WTO. Như trợ giúp bằng công tác khuyến nông, khuyến ngư chẳng hạn. Nào ai cấm ta bày vẽ cho bà con ta cách trồng tỉa, chăn nuôi cây gì hay con gì là thích hợp cho từng vùng đất, và có thể bán được, xuất khẩu được với giá cao. Chẳng hạn như nuôi tôm làm sao để con tôm không bị dịch bệnh, không phải dùng thuốc kháng sinh? Và tại sao không nhân rộng những mô hình công ty sản xuất nông nghiệp hay nuôi thủy hải sản kết hợp với một trung tâm khoa học? Từ những kết quả nghiên cứu và thử nghiệm thành công "nóng hổi", những bí quyết sản xuất sẽ được chuyển đến tận tay những người nông dân hay ngư dân. Đó thực sự là những món quà mà người sản xuất rất cần. Và họ được trợ giúp đúng lúc.

80% hộ nghèo vào WTO là một thách thức lớn, không chỉ với họ, mà còn với Nhà nước. Nhưng nói như đại biểu Vũ Tuyên Hoàng, nếu trao được kiến thức, nâng được trí tuệ, kích phát được sự năng động làm ăn nơi 80% dân số này, thì người Việt Nam không chỉ "hạnh phúc trong mức thu nhập thấp" như hiện nay. Và WTO sẽ thực sự là sân làm ăn của đại đa số người Việt Nam.

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.