Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Phải biết khước từ những cái đã có

20/12/2008 21:50 GMT+7

So với các đạo diễn Việt Nam thuộc thế hệ trước và cùng thời, đạo diễn Đặng Nhật Minh được đánh giá có những cách tư duy mới về chiến tranh, xã hội và con người, với một lối thể hiện đầy sáng tạo. Ông cũng là một trong những đạo diễn Việt Nam hiếm hoi góp phần đưa nền điện ảnh Việt Nam ra thế giới.

* Từng có ý định từ bỏ điện ảnh rồi vẫn vướng duyên nợ mãi chưa dứt. Tại sao vậy?

- Đúng là có lúc tôi toan từ giã điện ảnh nhưng thấy có thể tiếp tục làm phim với điều kiện kịch bản do mình viết, nói về những điều mà mình quan tâm muốn giãi bày cùng người xem. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy yếu tố quan trọng đã giúp tôi tìm ra con đường đi riêng cho mình là: Biết cương quyết khước từ những cái mà mình không thích, dù những cái đó được khích lệ và cổ xúy rùm beng. Khi đã biết khước từ, ắt sẽ tìm được cái gì đó riêng cho mình.

* Đối với một đạo diễn, việc sử dụng kịch bản điện ảnh thuần túy với kịch bản điện ảnh được chuyển thể từ tác phẩm văn học có gì khác biệt lắm không? Ông thích chọn bên nào?

- Tôi tự viết lấy kịch bản 8 phim và có một phim tự chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn. Cả hai việc này đều do tôi tự làm nên không thấy có gì khác biệt lắm. Truyện ngắn Thương nhớ đồng quê của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà tôi chuyển thể chỉ có 5 trang sách.

- Nguyên tắc làm phim của tôi là những hình ảnh chủ yếu của bộ phim tương lai phải có sẵn ở trong đầu rõ mồn một như đang được chiếu vậy.

- Đối với tôi, linh hồn của bộ phim là cả người biên kịch và người đạo diễn.

- Để đảm bảo được phong cách của mình, người đạo diễn phải cố giữ mình là mình không chỉ trong sáng tác mà cả trong cuộc sống.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Tôi thích nó vì trong đó có một không gian mà tôi cho là rất điện ảnh, có những tính cách nhân vật lạ. Nhưng nó chỉ như một cái bình rượu đẹp, còn đựng rượu gì trong bình, tôi phải chế tạo lấy. Dù tự viết hay chuyển thể, phần sáng tạo của mình vẫn quyết định.

Nếu ai cho tôi ước một điều, tôi ước rằng sau một đêm ngủ dậy, thấy nằm trên bàn mình một kịch bản phim thật hay, khi đọc xong chỉ muốn đem ra quay ngay không cần nghĩ ngợi gì.

Nhưng tôi chắc điều ước đó không bao giờ thành.

* Bí quyết gì khiến ông tạo nên được những tác phẩm điện ảnh thành công đến vậy, mặc dù không hề được đào tạo chính thống về điện ảnh? Ông đã tự học cách làm phim từ đâu? Hãy đưa ra lời khuyên cho các đạo diễn trẻ mới vào nghề? 

- Tôi không dám nhận rằng tất cả các phim của tôi đều thành công. Tôi ít khi xem lại phim của mình vì cảm giác tiếc nuối, ân hận về sự chưa hoàn chỉnh của nó (có phần do lỗi của tôi, có phần vì hoàn cảnh khách quan do những cộng sự của tôi đã không làm được như tôi yêu cầu). Ở VN có câu ngạn ngữ: Không thầy đố mày làm nên.

Thầy của tôi là tác giả những phim mà tôi yêu thích, là tác giả những cuốn sách mà tôi say mê. Do vậy tôi có rất nhiều thầy (phần lớn là ở ngoài nước). Trong tôi không bao giờ có khái niệm đào tạo chính thống và không chính thống. Đào tạo nào cũng là đào tạo, miễn nó mang lại hiệu quả. Nếu có lời khuyên cho các đạo diễn trẻ mới vào nghề ở VN, tôi khuyên họ nên tự chứng minh rằng: điện ảnh còn là thế này nữa. Đừng bắt chước những người đi trước, dù bắt chước những cái hay của họ.

* Từng cộng tác làm phim với một số đạo diễn quốc tế như phim Người Mỹ trầm lặng, ông thấy công đoạn làm phim của Việt Nam có gì quá khác biệt so với công đoạn làm phim nước ngoài? Làm thế nào để rút ngắn được khoảng cách và những khác biệt đó?

- Năm 2000, tôi được đạo diễn Philippe Noyce mời làm đạo diễn của đội quay thứ hai (Second unit director) trong phim Người Mỹ trầm lặng. Cái khác biệt quan trọng giữa một đoàn làm phim Mỹ và một đoàn làm phim VN thời tôi làm đạo diễn là: một bên kinh phí làm phim là của tư nhân và một bên là của nhà nước. Ngoài ra, còn một sự khác biệt nữa giữa một đạo diễn VN như tôi và một đạo diễn Hollywood như Philippe Noyce là ở chỗ: Ông ta nghĩ 10 thì thực hiện được 10 và tôi nghĩ 10 thì thực hiện được 5, 6 là cùng. Những ý tưởng ông ta phóng ra, lập tức cả đoàn phim tìm mọi cách thực hiện bằng được. Ở đây yếu tố kinh phí, tiền của, phương tiện vật chất kỹ thuật đóng vai trò quan trọng.

Nhưng không phải chỉ có thế. Nó còn là trách nhiệm sống còn của những người tham gia làm phim. Nếu họ làm không tròn sẽ không ai mời họ đi làm phim tiếp theo nữa, họ sẽ bị thất nghiệp. Còn trong một đoàn làm phim nhà nước ở VN thì khác. Không có ai bị thôi việc vì thiếu trách nhiệm. Một khi họ đã được hãng phim nhà nước nhận vào biên chế chính thức rồi thì đến 60 tuổi họ mới về hưu. Do vậy, ở VN người đạo diễn phải thuyết phục, động viên những thành phần làm phim khác giúp đỡ mình, đặc biệt với chủ nhiệm phim là người quyết định việc chi tiêu tiền của Nhà nước.

* Trong thực tế, có nhiều bộ phim lại trái ngược hẳn với tư chất của người đạo diễn ở ngoài đời, khiến không ít người phải ngạc nhiên vì bất ngờ. Chẳng hạn: phim mạnh mẽ còn đạo diễn thì yếu ớt, phim sôi nổi còn đạo diễn lại lạnh lùng, phim nồng nàn còn đạo diễn lại cô đơn… Ông nhìn nhận điều này ra sao?

- Cái khác nhau giữa phim và con người làm ra nó ở ngoài đời chỉ là sự khác nhau nhìn từ bên ngoài. Cái toát ra từ bộ phim mới là con người đích thực của người làm ra nó. Có thể nói: “phim là người” cũng như “văn là người” vậy.

* Ông thấy giữa phim của ông và con người thực của ông có điểm đồng nhất với nhau không?

- Phim của tôi chính là con người tôi, là giọng nói của tôi.

* Có bao giờ ông đã ân hận vì làm đạo diễn không? Nếu có cơ hội được chọn lại, ông sẽ chọn nghề gì?

- Tôi không ân hận vì đã làm đạo diễn, bởi đó là sự sắp đặt của số phận. Nhưng nếu được chọn từ đầu, tôi sẽ chọn nghề y để theo nghiệp cha tôi. Có một điều khiến tôi được an ủi phần nào đó là nghề y và nghề đạo diễn đều có chung một mối quan tâm: đó là mối quan tâm về con người.

* Năm 2008 sắp khép lại, ông có cảm thấy ưng ý với những gì mình đã làm được? Ông có những dự định gì cho năm 2009?

- Suốt hơn hai năm nay, mọi suy nghĩ, sức lực của tôi đều dành cho phim Đừng đốt, dựa trên nhật ký của nữ bác sĩ-liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và những câu chuyện xoay quanh số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký đó. Cho đến phút này, tuy phim chưa hoàn thành, mới chỉ xong phần dựng hình ảnh nhưng tôi có thể nói rằng tôi đã có hạnh phúc lớn khi được làm bộ phim này, có được những cộng sự làm việc hết lòng vì bộ phim. Trước mắt, tôi phải cố gắng hoàn thành tốt nhất những công việc còn lại để bộ phim sớm ra mắt khán giả. Có lẽ đó là kế hoạch cụ thể nhất của tôi trong đầu năm 2009 này. 

 
Cảnh phim "Bao giờ cho đến tháng mười" - Ảnh Nhân vật cung cấp
Các phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh:

Phim truyện: Những ngôi sao biển, Ngày mùa cuối năm, Thị xã trong tầm tay (1981), Bao giờ cho đến tháng mười (1983), được CNN bình chọn là 1 trong 18 phim hay nhất của Điện ảnh châu Á mọi thời đại, Cô gái trên sông (1987), Trở về (1993), Thương nhớ đồng quê (1995), Hà Nội mùa đông 1946 (1997), Mùa ổi (2000), Đừng đốt (2008 - đã xong phần quay). Giải châu Á Nikkei về những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa (1999). Giải Thành tựu trọn đời tại LHP GuangJu (Hàn Quốc).

Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.