Nước mắt chảy xuôi - Kỳ 4: Bóng cha trên đê

01/12/2008 08:54 GMT+7

Ông hay nhắc cái bờ đê sông Hồng ở ngoại thành Hà Nội từng cưu mang gia đình ông những ngày khó khăn không nhà. Đó cũng là nơi những đứa con dõi trông bóng cha mỗi chiều ông đi nhặt rác mang miếng ăn về cho con.

“Xây tổ ấm” trên đê

Ngồi tâm sự với ông, tôi cứ bị ám ảnh bởi vai áo ông đã bạc màu, sờn rách. Ông kể ông sinh năm 1945, mẹ đặt tên ông là Nguyễn Thế Hải, mong đời con sẽ làm được việc lớn lao. Nhưng tính ông hay nóng nảy, không mấy người thích. Ông bỏ học, xin vào bộ đội, rồi xông pha chiến trường Lào. Nhiều trận bom đạn ông chết đi, sống lại. Tuy nhiên, ông vẫn không kiềm chế được tính nóng và bị kỷ luật. Hòa bình, ông trở về, người thân thích thất lạc gần hết. Ông thất nghiệp vì chẳng có chuyên môn gì.

Ông lang thang bốc vác kiếm sống, rồi kết duyên muộn màng với bà Đào Thị Xuân. Đời bà cũng khổ như ông khi không có một mái nhà để chui ra chui vào. Chồng trước chết sớm, để cho bà đứa con trai còn ẵm ngửa, đứa con trở thành con chung. “Ngày tôi và bà nhà hàn gá với nhau chỉ tạm quên lo âu được đúng buổi sáng. Rồi ngay đêm đó lại mất ngủ vì không có cái giường riêng”. Nghèo khổ nhưng ông vẫn vui vì đời đã có người sẻ chia. Ông tếu táo kể vợ chồng nắm tay lên đê sông Hồng “xây tổ ấm” mà mái nhà là tấm bạt rách lượm ngoài chợ Đồng Xuân, còn vách là những manh chiếu cũ vứt dưới gầm cầu Long Biên.

 

Ông vẫn tin đời cháu sẽ hạnh phúc hơn -Ảnh: Quốc Việt

Tình yêu cho đôi vợ chồng thêm ba đứa con gái dưới mái lều bờ sông. Ngày ngày bà đi nhặt rác các chợ. Ông bị vết thương chiến tranh, mất sức nên cũng phải bỏ bốc vác, cầm bao rác lang thang kiếm miếng ăn cho con. Bốn anh em ở nhà tự trông nhau, mà anh cả lúc ấy mới sáu tuổi. Một lần, cô con gái Thanh Ba dò dẫm chơi rớt xuống sông, may có người vớt kịp.

Hôm khác, bé bị sốt mê sảng đến 40 độ trong lúc không có người lớn bên cạnh. Ông bà về ôm con khóc suốt đêm. Nhưng sáng sau họ lại phải bỏ mặc con để đi tìm rác vì nếu không cả nhà sẽ đói. Những lần đội trật tự dọn dẹp bờ đê, họ phải bỏ con vào thúng, gánh chạy đi ngủ nhờ trước các hiên nhà đến sáng hôm sau mới dám quay về.

Thương con thiếu thốn, ông bà vác bao nhặt rác từ sớm đến tối mịt, thậm chí đi cả đêm. Nhưng việc kiếm sống của họ ngày càng khó vì quá đông người ở quê lên mưu sinh cùng việc. Một mùa đông Hà Nội mưa dầm cả tuần, vợ chồng vẫn phải chịu rét thấu xương, lang thang tìm phế liệu.

Tuy nhiên, họ lại không bán được vì trạm thu không nhận thứ ướt át, nặng ký. Họ đành lủi thủi vác về, đổ đống bên lều. Hũ gạo còn lại không đủ cơm cho gia đình sáu người no bụng, ông bà phải bớt ăn để nhường cho con. Đến khi không còn đủ gạo nấu cơm nữa, họ đành nấu cháo lẫn với củ sắn mua rẻ ở chợ chiều và cầu xin ông trời nắng lên.

Cha vẫn tin ngày mai

Cố gắng được một thời gian thì ông bà Hải yếu dần, vì cuộc sống thiếu thốn trên bờ đê và công việc độc hại. Đặc biệt, lá phổi bị bom ép của ông Hải phát bệnh hen suyễn, rồi dạ dày của ông cũng bị lở loét nặng do không có tiền chữa trị. Càng bệnh ông càng cố sức làm nuôi con và lại càng kiệt sức hơn. Một lần ông bị nhiễm trùng máu nặng, vẫn cố đi làm rồi gục dọc đường. Mấy người bán báo dạo quen biết phải cõng ông vào bệnh viện.

Ông không có tiền, sợ khổ vợ con cứ đòi về, nhưng họ bắt ông ở lại. Sau đó, họ lại đi xin tiền khách du lịch cho ông trả viện phí. Một ngày khác ông cũng lê lết, rồi gục dọc đường nhặt rác vì bệnh dạ dày phát đau dữ dội cùng với cơ thể suy kiệt nặng. Cũng lòng tốt của những người cùng cảnh khổ đã đi xin tiền đưa ông vào viện. Bác sĩ khám bệnh, thở dài: “Sao để nặng thế! Trễ một ngày nữa là khó cứu!”. Ông nhìn con vào thăm, ứa nước mắt: “Tôi chưa chết được đâu. Làm sao tôi bỏ con mà đi được!”. Nằm viện được vài ngày ông lại lặng lẽ trốn về vì còn con ở nhà.

Đời cha, đời con khổ rồi, phải ráng lo đời cháu con à. Cha vẫn tin ngày mai sẽ khá hơn hôm nay
Gần 20 năm vạ vật trên đê, ông Hải cố dành dụm mỗi tháng 400.000 đồng thuê phòng trong ngách sâu. Phòng nhỏ, ẩm thấp, mấy giường gỗ phải xếp chồng lên nhau, nhưng mấy người con vẫn phải nằm trên nền nhà. “Con cái đã thành thiếu nữ, mình cứ sống lang thang ngoài đê cũng không được!”.

Ông Hải tâm sự đời mình khổ rồi, chỉ tâm nguyện đời con đỡ hơn, nhưng ông vẫn day dứt lắm. Cuộc sống khó khăn buộc ông bà suốt ngày đêm phải ở ngoài đường kiếm miếng ăn. Rồi khi con cái đến tuổi học, vợ chồng lại đổ bệnh triền miên.

Chuyện học của con đành dở dang. “Tiền đong gạo còn thiếu trước hụt sau làm sao xoay nổi tiền học hành cho bốn con”. Ông Hải ứa nước mắt kể hồi ông nằm viện, con trai lớn phải ôm hộp đánh giày, con gái theo mẹ nhặt rác. Ông không cho con làm nhưng chúng chỉ khóc rồi vẫn lén đi. Hũ gạo đã cạn rồi mà bệnh của ông cũng cần nhiều tiền. Lòng tốt khách qua đường đâu lo hết nổi.

Nước mắt người cha lại rơi khi một đứa con gái ít học, ngây thơ bị lừa qua Trung Quốc. Ông bà như điên dại vì thương con. May có anh thanh niên thiện nguyện Tạ Ngọc Vân đi đón về. Nước mắt chưa kịp khô, tấm lòng cha mẹ lại tan nát biết núm ruột yêu thương của họ đã mắc căn bệnh nan y trong khi bị vùi dập ở xứ người! Ông ôm con mà chết lặng trong lòng. Mấy ngày sau ông lại gượng dậy, tiếp tục vác bao rác lang thang.

Ông muốn chia sẻ tất cả những gì có thể làm được cho con những ngày còn ở bên ông. “Nhưng ông trời vẫn chưa tha tôi! Đứa con gái đầu lại chịu bất hạnh!”. Chồng người con gái này đã lặng lẽ bỏ vợ và hai con nhỏ. Một trung tâm nhân đạo thương cảnh, nhận cô phụ bếp. Tuy nhiên, gánh gia đình vẫn nặng vai người cha giờ đã già yếu trước tuổi. Không vác bao rác nổi nữa, ông ra hè phố sửa xe, mà chủ yếu cũng chỉ có bơm vá kiếm tiền lẻ, vì cả đời ông chưa lần nào được lái xe máy nên làm gì biết sửa. Nhiều hôm ông đã gục xuống bên chiếc ống bơm vì bệnh hen suyễn và dạ dày trở nặng. Nhưng ông vẫn gượng dậy vì con.

Bòn mót được đồng nào, ông đưa con gái lo cho gia đình. Vừa rồi, cháu ngoại đầu vào mẫu giáo, đứa em gái cũng được hai tuổi bi bô suốt ngày. Ông phải xoay xở mấy tháng mới gom nổi tiền phụ con đóng học phí cho cháu. Nhưng ông vui lắm!

Mỗi chiều cháu đi học về, lễ phép chào thưa, ông cười tâm sự với con gái: “Đời cha, đời con khổ rồi, phải ráng lo đời cháu con à. Cha vẫn tin ngày mai sẽ khá hơn hôm nay”. Đó là những lúc hiếm hoi căn phòng ẩm thấp12m2 là chỗ chen chúc của chín người rộn tiếng cười.

Theo Quốc Việt (Tuổi Trẻ)

 >> Kỳ 1: Bà cụ bắt tép nuôi con
>> Kỳ 2: Mẹ phải sống vì con
>> Kỳ 3: Thương con ai kể tháng ngày

Kỳ tới: Gánh rau nuôi đàn con

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.