Sáng bệnh viện, chiều giảng đường

25/11/2005 23:10 GMT+7

Thông thường một kỳ thực tập, kiến tập kéo dài ở bậc ĐH cho các ngành là 3 tháng nên thật khó hình dung nổi khi một năm học có 9 tháng thì cả 9 tháng, những cô cậu sinh viên đều phải... đi thực tập bên cạnh việc học lý thuyết ở giảng đường. Thế mà chẳng có ai kêu ca phàn nàn, ngược lại, họ háo hức và vui mừng thấy rõ khi được khoác lên mình màu áo trắng đặc trưng của ngành y tế, chuẩn bị cho một tương lai làm những người quản trị bệnh viện.

"Em có thể làm trưởng phòng, chỉ mỗi tội là... thiếu kinh nghiệm. Còn cách thức, phương pháp quản trị thì em đã hình dung ra nhờ những ngày thực tập ở đây" - Trần Quang Vinh, sinh viên năm cuối khoa Quản trị bệnh viện Trường ĐHDL Hùng Vương tự tin nói. Cùng với Vinh là hơn 70 sinh viên khác của lớp 02QB đang "đổ bộ" vào các phòng Kế hoạch tổng hợp, Điều dưỡng, Chỉ đạo tuyến, Tài chính kế toán... của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để học làm người quản lý cho công việc trong tương lai. Sáng 8 giờ là có mặt tại bệnh viện, riêng thứ ba và thứ năm, hơn bảy chục sinh viên được nghe giám đốc bệnh viện - BS Phan Quý Nam cùng các cộng sự giảng bài, chia sẻ về kinh nghiệm làm việc, cách thức quản lý công tác chuyên môn, công tác chăm sóc toàn diện, khám chữa bệnh nội ngoại trú, tổ chức và quản lý cơ sở hạ tầng... Buổi chiều, những sinh viên này lại trở về giảng đường học các môn trong chương trình. Nói chung là... hơi căng, nhưng các khóa trước đây của khoa Quản trị bệnh viện, đâu có khóa nào được tạo điều kiện vừa học vừa thực hành cả năm như thế!

"Cũng nhờ tâm huyết của thầy Út mà chúng em có cơ hội được thực tập tại đây. Mỗi tháng chúng em sẽ làm việc ở 1 phòng của bệnh viện, 9 tháng là 9 phòng, như vậy có thể hình dung đầy đủ về nghề quản trị bệnh viện của mình mà khi chưa đi thực tập, bọn em vẫn có cái nhìn khá mơ hồ" - Nguyễn Ngọc Cẩm Tú cho biết. Lê Thị Bích Hậu, thực tập phòng Kế hoạch tổng hợp cũng hào hứng kể: "Tụi em được trực tiếp sắp xếp hồ sơ bệnh án, thống kê bệnh nhân, nhập dữ liệu, lập kế hoạch tuần, theo dõi công tác văn thư, lưu trữ, thống kê... Cần phải nhạy bén và linh động, những điều mà nếu ngồi ở giảng đường tụi em không thể nào biết được". Thanh Huy, Bích Tiên, Quốc Toàn - 3 cử nhân mới tốt nghiệp được giữ lại khoa thì bày tỏ: "Tụi mình thầm "ghen" với các em đấy. Trước đây chỉ được thực tập khoảng 1, 2 tháng vào kỳ cuối năm tư, chưa thể có cái nhìn đầy đủ về nghề quản trị bệnh viện. Nay dẫn các em đi thực tập, bọn mình cũng tranh thủ cơ hội học hỏi thêm luôn".

Với một chương trình học kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành như vậy không chỉ tạo không khí hào hứng cho sinh viên mà giải quyết được ngay lời kêu ca bấy lâu nay của các nhà tuyển dụng là "sinh viên ĐH tuyển về toàn phải đào tạo lại!". Vậy thì tại sao không nếu sinh viên báo chí đi làm báo, sinh viên ngành công nghệ thông tin làm bán thời gian ở các công ty phần mềm...? Nên lắm chứ!

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.