Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Tổng rà soát trạm thu phí trên cả nước

04/12/2009 23:45 GMT+7

Sau loạt bài Nghịch lý phí qua trạm, Thanh Niên có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng.

* Bộ trưởng nghĩ gì về thực tế hệ thống trạm thu phí dày đặc hiện nay, thậm chí cách nhau có 15 - 20 km?

- Khoảng cách tối thiểu 70 km mà Bộ Tài chính quy định trong Thông tư 90 chỉ áp dụng với các trạm do Nhà nước đầu tư, chứ không đề cập đến các trạm do doanh nghiệp xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Do vậy, các trạm thu phí theo hình thức BOT không khống chế khoảng cách tối thiểu giữa các trạm. Tuy nhiên, đặt trạm dày đặc như hiện nay thì chưa hợp lý và nguyên nhân là do quy hoạch tổng thể của chúng ta chưa ổn. Hiện Bộ GTVT đang tiến hành tổng rà soát lại tất cả các trạm thu phí và kiến nghị với Bộ Tài chính để xem xét điều chỉnh lại cho hợp lý và đồng bộ hơn. Theo ý kiến của cá nhân tôi, trong quá trình kiểm tra, rà soát, nếu nhận thấy những trạm nào chưa hợp lý thì cần thiết phải giảm bớt, kể cả những trạm do Nhà nước thực hiện và trạm do doanh nghiệp đầu tư.

Ảnh: Thanh Sơn

* Những trạm thu phí BOT trước khi đầu tư đều có xin ý kiến của Tổng cục Đường bộ, tại sao vẫn có tình trạng chưa hợp lý về vị trí và chất lượng cầu đường không tương xứng với mức phí bán cho người lưu thông?

- Tổng cục Đường bộ thẩm định hợp đồng BOT, nhưng vấn đề là trong quá trình triển khai thực hiện, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan có đảm bảo thực hiện đúng theo hợp đồng hay không. Nếu thực hiện không chuẩn hợp đồng BOT thì cần phải xem xét, rà soát trách nhiệm của các đơn vị liên quan vì sao thực hiện không chuẩn. Trong hợp đồng BOT cũng quy định rõ chất lượng của công trình đầu tư, theo đó các công trình cầu đường mà doanh nghiệp thu tiền phải đảm bảo được những dịch vụ tối thiểu.

* Thưa Bộ trưởng, với tình trạng trạm thu phí dày đặc như hiện nay thì phải chăng chúng ta đang lạm dụng BOT?

- Trong tình hình thiếu vốn như hiện nay thì BOT thực sự cần thiết, nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng rất lớn và do đó nếu chỉ dựa vào ngân sách thì không thể đủ được. Năm 2009, trong tổng số vốn mà Bộ GTVT huy động được để đầu tư vào các công trình hạ tầng thì có đến 1/3 là vốn từ BOT. BOT là hình thức phổ biến ở các nước, đặc biệt cần thiết cho các nước đang phát triển như VN.

* Cần thiết, nhưng việc có quá nhiều trạm thu phí đã ảnh hưởng nặng nề đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp vận tải?

 - Tôi nói là cần thiết trong chủ trương chung đầu tư để phát triển. Đây là một loại hình đầu tư nhưng tất nhiên đầu tư như thế nào, quy hoạch như thế nào thì chúng ta phải cân nhắc, chứ không thể làm bằng bất cứ giá nào được. Chúng ta phải xem xét để đảm bảo huy động được vốn của các thành phần xã hội đầu tư vào hạ tầng, nhưng cũng tính đến mức chịu đựng và tiện lợi của người sử dụng. Phải tính toán sao cho hài hòa giữa các lợi ích này, chỗ nào chưa ổn thì phải tính. Tính là tính ở chỗ đó, còn chủ trương về đầu tư theo BOT là nhất quán.

* Bộ GTVT đã xây dựng quy hoạch chung cho các dự án đầu tư theo BOT chưa?

- Quy hoạch chung về trạm thu phí thì có, nhưng các trạm đầu tư theo BOT thì không thể quy hoạch được tất cả. Bởi vì thời điểm dựng trạm BOT là do nhà đầu tư đề xuất, họ nghiên cứu thấy có lợi thì họ đề xuất dự án. Có cái có trong quy hoạch nhưng người ta lại không đề xuất vì họ thấy không có điều kiện để thực hiện, thấy không có lợi cho nhà đầu tư. Nhưng có cái ngoài quy hoạch thì người ta lại đề xuất. Đề xuất ngoài quy hoạch nhưng thấy hợp lý thì chúng ta bổ sung quy hoạch để thực hiện.

Ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM: Chấm dứt ngay việc thu sai đối tượng

Việc tranh thủ các nguồn vốn để xây mới và nâng cấp các công trình cầu đường trong điều kiện năng lực tài chính nhà nước có hạn là cần thiết. Tuy nhiên Nhà nước cần có những quy định cụ thể hơn về quản lý các công trình BOT. Theo đó, trong công tác đánh giá tính khả thi của dự án, cần phải có phản biện để các công trình BOT thực sự có tác dụng cải thiện hệ thống đường bộ, nâng cao chất lượng giao thông, tránh manh mún, chắp vá và lạm dụng để thu tiền mà không tương xứng với nguồn vốn đầu tư, gây khó khăn cho hoạt động của các ngành kinh tế và đời sống người dân. Sau khi công trình BOT đưa vào hoạt động, cũng cần phải giám sát chặt chẽ để đảm bảo sản phẩm cầu đường bán ra tương xứng với mức phí mà người dân phải mua. Chứ tình trạng phí cao trong khi cầu đường hư hỏng, xuống cấp như hiện nay thì không thể chấp nhận được. Phải có chế tài thật nặng đối với những đơn vị bán sản phẩm kém chất lượng kiểu này, nếu cần thì đình chỉ việc thu phí cho đến khi khắc phục hư hỏng tại các công trình cầu đường BOT.

Ảnh: P.Thanh


Mặt khác, phải chấn chỉnh, chấm dứt ngay những trường hợp trạm thu phí thu sai đối tượng, thu phí "lúa non" cho cầu đường chưa làm xong, thu quá cao so với mức quy định chung... Để giải quyết tận gốc, trong quy định quản lý nhà nước về đầu tư BOT, cần có yêu cầu các trạm thu phí BOT phải đặt đúng vị trí đoạn đường mà nhà đầu tư xây dựng và thu phí hoàn vốn, tránh tình trạng đầu tư một nơi, thu phí một nẻo, sai với Pháp lệnh Phí và lệ phí mà Quốc hội đã ban hành. Mặt khác, cần nghiên cứu, tính toán thời gian thu phí hoàn vốn hợp lý, không để các doanh nghiệp BOT đưa ra mức phí quá cao nhằm nhanh chóng thu hồi vốn, quá với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp vận tải. Về lâu dài, cần có quy hoạch tổng thể các dự án BOT, trong đó đảm bảo hài hòa quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư và người dân.

P.Thanh (ghi)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN: Nên xóa bỏ nhiều trạm thu phí

Mạng lưới trạm thu phí ngày càng dày đặc trên các quốc lộ và tỉnh lộ, khoảng cách bình quân giữa các trạm chỉ khoảng 30 - 40 km. Chẳng hạn, trên quốc lộ 18 dài chưa đến 100 km đã có 4 trạm thu phí, từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột 300 km có tới 7 trạm, từ TP.HCM đi Vũng Tàu 120 km có tới 3 trạm thu phí. Cá biệt như tại Bình Dương, hai trạm thu phí cách nhau có 15 km...

Ảnh: Thái Sơn



Vị trí đặt trạm thu phí, nhất là các trạm BOT, thường không đúng vị trí. Ngoài trạm Xa lộ Hà Nội mà dư luận đã nói nhiều thời gian qua, trạm BOT tuyến tránh TP Thanh Hóa đặt trên quốc lộ 1 cách tuyến tránh tới 6 km, trạm Bến Thủy thu phí cho đoạn tránh TP Vinh (Nghệ An) và trạm Tam Kỳ thu tuyến tránh TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đều đặt trên quốc lộ 1...

Việc phát triển BOT là cần thiết để nâng cấp đường sá, nhưng cách làm hiện nay thể hiện sự vụn vặt, chắp vá, gây ra tình trạng phí quá nặng nhưng không thực sự cải thiện được chất lượng tuyến vận tải. Chẳng hạn chỉ một đoạn đường 10 km ở Hòa Phước (Đà Nẵng) mà cho phép thu cao gấp 1,5 lần mức cơ bản, và cách đó chưa đầy 30 km lại có một trạm khác thu phí cao gấp 2 lần. Ở miền Trung và phía Nam, nhiều trạm cách nhau có hơn 10 km, có nơi chưa làm xong cầu hay đường đã tiến hành thu phí. Việc thu sai, thu cao đã làm đội giá thành sản xuất, tạo nên tâm lý bất bình cho người lái xe, cũng như hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Do đó, cần phải có một giải pháp tổng thể, trong đó rà soát lại toàn bộ các trạm thu, mức thu toàn quốc, nơi nào chưa đúng thì phải điều chỉnh lại hoặc có thể dẹp bỏ. Ngoài ra, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực này.

Hiệp hội vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đề nghị rà soát về khoảng cách, vị trí đặt trạm và mức thu phí tại các trạm thu phí trên cả nước, trong đó kiến nghị xóa bỏ nhiều trạm thu phí không hợp lý.

Thái Sơn (ghi)

Xuân Toàn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.