Nặng nợ với dòng sông

29/11/2008 10:29 GMT+7

Không nhớ nổi tên họ đầy đủ cũng như tuổi tác của chính mình, bà bảo: "Tôi tuổi Mùi - con dê nên đời cứ phiêu bạt trên sông nước vậy đó. Muốn lên bờ, nhưng dòng sông nó níu lại chẳng rứt ra được".

 Hơn 30 năm len lỏi khắp các dòng sông, con rạch lớn nhỏ của thành phố Cà Mau, bà không nhớ đã vớt bao nhiêu cây củi, bọc nylon và trả lại cho khổ chủ những vật dụng gia đình vô tình đánh rơi xuống nước...

Mắc nợ dòng sông...

Đến bến tàu Cà Mau, gần chợ phường 8 hỏi bà Võ Thanh Lùn - khóm 2, phường 8, ai cũng... lắc đầu. Chị chèo đò thấy tôi hỏi mấy người nhưng ai cũng lắc đầu, bèn "tài lanh" mách nước: "Bà ấy lớn tuổi chưa, có đặc điểm gì?". "Bà già nhặt rác trên sông Cà Mau, chị biết không?" - tôi hỏi. "Bà Tư Liệu hả, trời ơi nãy giờ sao không nói!".

Trước mặt tôi là một bà già ngồi nhai trầu bỏm bẻm, bên đứa cháu nội áo quần nhem nhuốc múc cơm ăn. Nghe nhà có khách, bà nhanh nhẹn bước ra chào: "Tôi tên là Tư Liệu, Tư Lù cũng được, nhưng ai cũng kêu là bà Tư vớt rác hết, chú tìm tôi có việc gì không?".

Bỏm bẻm nhai trầu kể chuyện dòng sông.


Sở dĩ bà Tư có biệt danh Tư Liệu vì bà hay liệu (một dạng của chứng tự kỷ ám thị). Đang bơi xuồng, ai bảo nhảy xuống sông bà lập lại và nhảy ào xuống, mặc cho trời mưa hay nắng...

Thật ra bà Tư không liệu bẩm sinh. Trước năm 1975, khi còn sống dọc ngang sông nước bằng nghề giăng câu tận Biển Hồ (Campuchia), 4 đứa con hễ đến 4 tuổi là thuyền lật chết. Đứa thứ nhất, rồi thứ hai cho đến đứa thứ tư sông nước đều cướp đi như thế. Cái điệp khúc kinh hoàng đeo đẳng người đàn bà ấy lâu dần, biến thành chứng bệnh giật mình rồi dẫn đến hay liệu.

Bây giờ bệnh đã thuyên giảm, ít giật mình, nhưng thỉnh thoảng cũng nhảy sông khi có kẻ xúi giục. Người ta nhanh chóng quên khuấy cái tên cúng cơm của bà mà gán thêm chữ liệu sau "thứ tự ra đời" của ông nhà.

Sau năm 1975, bà từ Biển Hồ trôi dạt đến Cà Mau. Không nhà cửa, một mình nuôi 4 đứa con thơ dại bằng chính cái nghề lênh đênh trên sóng nước. Đầu tiên bà chèo đò, nhưng tuổi tác không cạnh tranh nổi với những thanh niên.

Vả lại nghề chèo đò không đủ nuôi sống gia đình, bà quay sang sống bằng nghề vớt rác. Thi thoảng vào đêm bà bán hột vịt lộn trên sông, nhưng những người cạnh tranh cứ chọc ghẹo cho bà liệu. Vậy là hột vịt xuống sông. Bà ngậm ngùi bơi xuồng về nhà, chẳng biết trách ai.

Chưa bao giờ bà có ý định lên bờ sống vì "lên bờ biết làm gì, già rồi giúp gì được cho con cháu thì làm. Ngửa tay xin tiền con coi sao được". Và có một điều gần như thiêng liêng là bà muốn có ngày nào đó tìm được 4 đứa con đã chết vì sông nước, dù chính tay bà vớt chúng nó lên. Không biết bà nợ sông hay sông nước nợ bà, mà cuối cuộc đời bà không thể dứt khỏi nghiệp sông nước.

...và nợ... rác

Lâu lắm rồi người ta không còn gọi bà Tư bằng Tư Liệu, mà thay vào đó là bà Tư vớt rác. Với chiếc xuồng nhỏ, cứ 4 giờ sáng hàng ngày bà bơi đi khắp các dòng sông, vớt bất cứ những thứ gì người thành phố Cà Mau quẳng xuống dòng sông mà có thể bán được. 4 giờ sáng đạp xuồng đi, 1 giờ trưa bơi xuồng về với lỉnh kỉnh đồ vứt đi của người khác, nhưng là miếng cơm manh áo nuôi sống bà trên 30 năm nay.

Thành quả sau một ngày vớt rác.


Nhiều nhất là bọc nylon. Đen theo đen, trắng theo trắng được bà cẩn thận làm giàng phơi cập nhà. Phơi xong, bà quay sang đem những bắp cải thúi, cà chua, củ cải bỏ vào cái nồi to đùng nấu cho heo ăn. Củi chụm cũng được vớt trên sông. Mấy năm gần đây cây trôi trên sông hiếm, bà nhặt nhạnh bất cứ thứ gì có thể chụm cho nồi rau cải sôi lên được. Khi thì xác mía, lúc những bọc đựng rau cải cũ rách nát...

Chính từ những thứ củi này và rau cải vứt đi mà lúc nào trong chuồng cũng có vài con heo. Nói đến việc nuôi heo bằng rau cải bỏ đi, bà nhai trầu bỏm bẻm, cười thật tươi: "Tui thương mấy con heo này lắm. Tội nghiệp, một tuần nó mới ăn cháo một lần. Toàn ăn rau không hà, nhưng cũng lớn như ai". Bà lại xỉa thuốc. Chính những đàn heo lớn lên từ rác mà ra nhà, ra xuồng, thậm chí có cái để cho thằng con trai mượn làm vốn mua bán để nuôi đứa cháu nội bà học đại học.

Ơ cái xứ trăm thứ đổ xuống dòng sông, bà Tư Liệu lượm lặt những gì có thể biến thành tiền, thành nguyên liệu cho kinh tế gia đình. Trong nhiều thứ bà lượm lặt từ dòng sông, bọc nylon là thứ nhiều nhất, vì nó có đầy trên sông và bán nhiều tiền hơn những thứ khác. Một kilôgram bọc đã phơi khô người ta mua 1.000 đồng, đồ nhựa bỏ đi 2.000 đồng.

Trung bình một ngày bà vớt đươc trên 7kg bọc nylon, 2kg đồ nhựa bỏ đi. Thấy bà sống được bằng nghề vớt rác, cũng có người sắm xuồng chèo đi vớt kiếm sống, nhưng số tiền bán được đều thua bà Tư. Bà nói: "Người ta thấy tui già cả nên thương tình cho thêm. Bên chợ nhiều người không quăng xuống sông mà cất lại chờ tôi đến. Nhờ vậy mà lúc nào tôi cũng vớt nhiều hơn người khác đó chớ".

Hơn 30 năm sống bằng nghề vớt rác, chưa bao giờ bà cầm nhầm đồ của người khác. Bà cần cù, chịu khó, nên hết thảy những cư dân sống ven sông thành phố Cà Mau đều thương. Hôm tôi đến, bà khoe: Bọc thịt này là của con Năm bán thịt, mớ rau này là của con Tám, mớ đậu đũa này là của thằng Út... Hễ có nơi nào viện trợ, trưởng khóm 2 đều ưu tiên một phần cho bà Tư.

Bà Tư có cả thảy 4 đứa con - 3 trai 1 gái, tất cả đều có gia đình. Bà sống với vợ chồng người con trai út. Các anh chị đều có việc làm đủ sức nuôi mẹ, nhưng bà dứt khoát không nghe. Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 4 giờ sáng là bà đạp xuồng khỏi nhà, lang thang khắp các dòng sông.

Day dứt dòng sông

Thành phố Cà Mau nằm ven sông, những con sông uốn quanh như chở che, đùm bọc cả thành phố miền cuối đất này. Chuyện người dân vứt rác thải xuống sông, gây ô nhiễm môi trường được cảnh báo nhiều năm nay. Thành phố Cà Mau đã thành lập đội vớt rác trên sông nhằm làm trong sạch môi trường.

Tuy nhiên, đội vớt rác này hoạt động không được thường xuyên, liên tục. Bà Tư ngược lại, ngày nào cũng đúng cái nhịp thời gian ấy mà bơi xuồng đi, đến 1 giờ chiều quay về. Những chiếc tàu cao tốc chạy chuyến này đều thuộc nằm lòng "lịch trình" của bà Tư đi ngang, đều giảm tay ga cho tàu chạy chậm lại, vì sợ làm chiếc xuồng nhỏ đầy rác của bà Tư tròng trành sóng nước.

Ông Mã Ngoan Cường - Phó Bí thư Đảng uỷ phường 8, thành phố Cà Mau - tỏ ra ái ngại khi nói về bà Tư: "Nhiều khi thấy bà già cả mà bơi xuồng đi vớt rác hoài, chúng tôi lấy làm ái ngại, nhưng khuyên cách nào bà cũng không chịu lên bờ. Chúng tôi có đề nghị trường hợp này lên Phòng Tài nguyên - Môi trường và Cty vệ sinh môi trường thành phố xem có trợ cấp được gì cho bà, nhưng anh em bên đó nói không được vì bà đã quá tuổi lao động rồi, không thể trợ cấp được".

Người ta sợ trao tiền hàng tháng vô hình trung khuyến khích một bà già "gần đất xa trời" làm việc nặng nhọc, nguy hiểm trên sông. Họ thầm cảm ơn, nhưng tiền trợ cấp hàng tháng thì không.

Tôi đem chuyện này nói với bà. Bà lại nhai trầu bỏm bẻm, cười rất tươi, làm cho khuôn mặt dãn ra hằn những nếp nhăn co rúm lại: "Tôi nói chú đừng cười. Rác là bạn tôi đó. Hôm nào không có rác, tôi buồn lắm. Nhờ dòng sông này thương tình cho mình miếng cơm, bà con cô bác thương cho thêm thức ăn nên sống cũng được".

Dù bà không nói ra nhưng tôi biết, bà rất tự hào với cái nghề chẳng có trường nào đào tạo này. Bởi lẽ 30 năm nay, chính bà đã góp phần làm cho dòng sông thêm trong sạch, bớt đi những tấm bọc nylon. Những chủ tàu chạy trên sông nước bớt đi nỗi ám ảnh bọc nylon quấn vào chân vịt. Thành phố này bớt đi một người nghèo. Con cái bà bớt một phần gánh nặng...

Đã có quá nhiều lời cảnh báo cho các dòng sông gây ô nhiễm môi trường. Sông Cà Mau cũng vậy, các nhà máy chế biến thuỷ sản xử lý nước chưa đạt chuẩn, những đại lý thu mua tôm nguyên liệu thải xuống sông. Thói quen của người dân vùng sông nước này cứ quẳng rác xuống sông, thay vì đem bỏ vào sọt.

Dẫu biết rằng "một cánh én không làm nên mùa xuân", nhưng nếu trong cuộc sống này ý thức về chuyện rác thải, nhất là bọc nylon (loại rác thải khó phân huỷ nhất hiện nay) như bà Tư, thì những dòng sông ngày càng xanh trong, mát dịu.

Theo Nhật Hồ / Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.