Chuẩn bị tiêm thử nghiệm vắc-xin cúm A/H1N1

03/12/2009 23:52 GMT+7

Bộ Y tế VN đang chuẩn bị triển khai cho tiêm phòng vắc-xin cúm A/H1N1 cho các đối tượng ưu tiên.

Kiểm soát chất lượng

Theo ông Đỗ Gia Cảnh, Ủy viên Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu  y sinh học (Bộ Y tế), vắc-xin phòng cúm A/H1N1 dù là chủng mới nhưng được sản xuất theo quy trình giống hệt với sản xuất cúm mùa thông thường. Ngoài ra, theo ông Cảnh, vắc-xin cúm A/H1N1 (loại sử dụng theo đường tiêm) là vắc-xin an toàn cao vì đây là vắc-xin "chết" (vi-rút đã bị bất hoạt), khác với vắc-xin giảm độc lực (vi-rút sống đã bị làm yếu đi). 

Lý giải về vấn đề gây thắc mắc: trong khi một số vắc-xin cúm mùa thông thường không chỉ định cho phụ nữ mang thai nhưng vắc-xin cúm A/H1N1 đại dịch lại được chỉ định tiêm cho đối tượng này, ông Cảnh cho biết: phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 và bị tai biến do cúm A/H1N1 cao hơn 10 lần so với các đối tượng khác. Vì vậy, phụ nữ mang thai là đối tượng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm phòng cúm A/H1N1 để được bảo vệ tốt hơn. Ông Cảnh cũng cho biết thêm: số có phản ứng nặng ngoài mong muốn do vắc-xin cúm rất hy hữu (dưới 1/1.000.000).

Bộ Y tế cho biết, với 1,2 triệu liều vắc-xin được tiếp nhận từ WHO dự kiến về VN trong thời gian một tháng tới, sẽ dành tiêm các đối tượng ưu tiên. Bao gồm: 200-300 ngàn cán bộ y tế trực tiếp khám, điều trị và phòng chống dịch; 800 ngàn phụ nữ mang thai và người có bệnh mãn tính. Kinh phí cho triển khai tiêm vắc-xin lần này khoảng 40 tỉ đồng.

Ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trước thông tin về một số ca gặp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin A/H1N1 và có một lô vắc-xin cúm A/H1N1 ngừng sử dụng tại Canada, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị WHO cho biết thêm các thông tin liên quan về tính an toàn, hiệu quả của vắc-xin này. Vắc-xin A/H1N1 tiêm cho người dân VN dù từ nguồn nào cũng cần đảm bảo an toàn. Bộ Y tế chủ trương sẽ có các ưu tiên trong quá trình thẩm định cấp phép để vắc-xin được đưa vào sử dụng sớm nhất. Nhưng trước khi được lưu hành, vắc-xin đó phải được đưa ra hội đồng các chuyên gia của Bộ Y tế xem xét, quyết định việc thử nghiệm lâm sàng (trên người) ở giai đoạn nào. Khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng, nhà sản xuất cũng sẽ phải cung cấp các thông tin về kết quả thử nghiệm trước đó; đồng thời tổng hợp thông báo về các phản ứng xảy ra (nếu có) trong quá trình sử dụng thực tế. Vì không loại trừ các phản ứng đó không thể hiện trong giai đoạn thử nghiệm.

Chưa có cơ sở kết luận tai biến do vắc-xin gây nên

Theo ông  Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ  sinh dịch tễ T.Ư,  các phản ứng sau tiêm vắc-xin cúm A/H1N1 thường là phản ứng tại chỗ: sưng, đau tại vết tiêm, sốt nhẹ và các triệu chứng này sẽ hết sau 1-2 ngày. Các ca tai biến gần đây sau tiêm vắc-xin cúm A/H1N1 tại một số quốc gia đang được điều tra làm rõ, chưa có cơ sở kết luận do vắc-xin gây nên.

Theo ông Đỗ Gia Cảnh lưu ý, tai biến sau tiêm vắc-xin do các nguyên nhân khác nhau, không phải tất cả đều do lỗi của vắc-xin. Phần lớn tử vong sau tiêm vắc-xin là do trùng lặp ngẫu nhiên.      

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.