Tiếp thu phê bình

15/12/2005 14:53 GMT+7

Trong đợt vận động chỉnh đốn Đảng vừa được phát động, nhân dân đang trông chờ vào thái độ tiếp thu phê bình của cán bộ đảng viên ở các cấp, các ngành, từ T.Ư đến địa phương.

Chúng ta không trông chờ vào thái độ phê bình khiếu nại, tiếp thu chiếu lệ hoặc tính nước đổ lỗi cho khách quan, thậm chí đổ lỗi hoặc tìm cách đánh trả những người đưa công khai các vấn đề để phê bình mình.

Thành thật, trung thực nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa, đó là mong muốn của đông đảo quần chúng.

Đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay là nòng cốt của chế độ để thực hiện các chính sách, chủ trương, của Đảng và Nhà nước ta, là đại diện cho Đảng cầm quyền trước dân.

Vấn đề ở đây không phải là kỷ luật được bao nhiêu cán bộ đảng viên phạm sai lầm, mà vấn đề cốt lõi hơn nhiều là có bao nhiêu đảng viên cán bộ dám nhận và dám sửa chữa khuyết điểm, để trở thành người công chức, người cán bộ đúng nghĩa : Lo trước cái lo của dân, vui sau niềm vui của dân.

Nếu chúng ta làm tốt vận động chỉnh đốn Đảng lần này thì sẽ nâng cao uy tín của chính quyền, đoàn thể, làm cho người dân thấy rằng chỉ có ở chế độ này mới có bộ máy chính quyền thực sự là của dân và vì dân. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở đối với công tác dân vận cách nay 50 năm.

Trên tinh thần như vậy, chúng ta còn phải tự phê bình đầy đủ cả những quyết sách, chính sách có liên quan đến dân, có đúng, có sát thực tế không, có đem lại lợi ích cho dân không, chứ không chỉ kiểm điểm phê bình đơn thuần về đạo đức, phẩm chất cá nhân của mỗi cán bộ đảng viên.

Người cán bộ công chức trong chế độ ta cần có những ưu điểm về lối sống cá nhân. Sống gương mẫu, đạo đức, trong sáng, nhưng trong các cương vị lãnh đạo cái cần cao hơn là tầm nhìn đối với những quyết sách có lợi cho dân, cho nước, cho sự phát triển chung của đất nước, đưa đất nước thoát ra khỏi cảnh nghèo nhằm góp phần đẩy mạnh sự nghiệp dân giàu nước mạnh, tạo niềm tin trong dân chúng về các chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Trong diễn văn nhân dịp 30 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nói :"Cách mạng đòi hỏi đảng viên và người lãnh đạo phải gần gũi nhân dân, đi sát cơ sở, đi sâu vào thực tiễn, hiểu thấu nguyện vọng của đồng bào, lắng nghe ý kiến và học tập kinh nghiệm của quần chúng , tổ chức thực hiện cụ thể, giải quyết kịp thời các vấn đề nóng hổi đặt ra trong đời sống thì một bộ phận cán bộ, đảng viên lại xa dân, quan liêu, đại khái, hống hách, sách nhiễu, không tôn trọng nhân dân, không lấy kết quả chăm lo đời sống của nhân dân làm thước đo sự lãnh đạo và phẩm chất của mình".

Tôi hiểu "Lấy kết quả chăm lo đời sống của nhân dân làm thước đo sự lãnh đạo và phẩm chất của mình" có nghĩa bao gồm cả sự hoạch định chính sách và quyết sách để đi đến hiệu quả chăm lo đời sống của dân và là thước đo đối với sự lãnh đạo và phẩm chất của từng cán bộ đảng viên.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 28/10/1999)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.