Giải quyết khiếu nại sai có thể bị truy cứu hình sự

06/12/2011 14:20 GMT+7

(TNO) Sáng nay 6.12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2.

(TNO) Sáng nay 6.12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2.

Bốn dự án luật vừa được công bố là luật Khiếu nại, luật Tố cáo, luật Đo lường và luật Lưu trữ, đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2012.

Giải quyết khiếu nại sai phải bồi thường

Gồm 8 chương, 70 điều, luật Khiếu nại có nhiều quy định mới so với luật Khiếu nại tố cáo hiện hành, từ phạm vi đối tượng điều chỉnh đến các điều khoản bảo đảm tối đa quyền lợi của người khiếu nại đúng, cũng như các quy định kèm theo để ràng buộc trách nhiệm tổ chức, cá nhân tham gia giải quyết khiếu nại.
 
Theo quy định của luật, người khiếu nại lần đầu có quyền khiếu nại trực tiếp đến người có quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc có quyền khởi kiện thẳng ra tòa án mà không bắt buộc phải thông qua bước đầu tiên là khiếu nại trực tiếp tới người có quyết định hành chính, hành vi hành chính.
 
Luật cũng đã bổ sung quy định mới về trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về cùng một nội dung (còn gọi là khiếu nại đông người) và trách nhiệm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung mà khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi nội dung khiếu nại. Nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn thì đơn phải có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.
 
Đáng chú ý, để các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện nghiêm túc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc xử lý vi phạm về khiếu nại, luật tiếp tục quy định việc xử lý vi phạm thành một chương riêng. Trong đó nêu rõ “các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ khiếu nại và giải quyết khiếu nại nếu có sai phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật”.
 
Bổ sung nhiều quy định bảo vệ người tố cáo
 
Gồm 8 chương, 50 điều, luật Tố cáo bổ sung nhiều quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo cũng như cá nhân, tổ chức tham gia giải quyết tố cáo.
 
Theo đó, người tố cáo được giữ bí mật tên, họ, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo đảm quyền này của người tố cáo.
 
Ngoài quy định người tố cáo được quyền yêu cầu thông báo kết quả giải quyết tố cáo thì người tố cáo còn được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết; được quyền tố cáo tiếp; được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
 
Ngoài việc xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo, luật còn quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp cận thông tin về người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo đều có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này không kể người tố cáo có yêu cầu hay không.
 
Trường hợp nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập thì người giải quyết tố cáo phải chủ động chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền để áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người tố cáo.
 
Đáng chú ý, luật Tố cáo quy định người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo bằng các hình thức: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
 
Việc công khai này phải đảm bảo không tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật nhà nước.
 
Ngược lại, người bị tố cáo có quyền được nhận thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; được xin lỗi, cải chính công khai do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra.
 
Khó bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng vì nạn “đong gian”

 
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân cho biết thêm một số thông tin về dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện luật Đo lường, liên quan đến giải quyết quyền lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp, cơ sở bán hàng có hành vi “đong gian”.
 
Ông Quân cho biết, khó thực hiện việc bồi thường đối với những người tiêu dùng đã bị móc túi một thời gian dài trong trường hợp cơ sở bán hàng gian lận về đo lường, vì không thể xác định chính xác đối tượng, mức độ thiệt hại. Chỉ có thể thực hiện bồi thường đối với trường hợp những người tiêu dùng mua hàng tại thời điểm lực lượng thanh, kiểm tra phát hiện cơ sở bán hàng đó vi phạm, có thể xác định rõ mức độ thiệt hại của người tiêu dùng tại thời điểm đó.
 
Ngoài 3 dự án luật trên, Chủ tịch nước cũng đã có Lệnh công bố về luật Lưu trữ. Luật này gồm 7 chương, 42 điều, lần đầu tiên quy định thời hạn được phép sử dụng rộng rãi đối với tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật. Cụ thể, sau 40 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu mật có đóng dấu mật nhưng chưa được giải mật, sau 60 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật…

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.