Hành trình trên đất Mỹ - Kỳ 6: Thú vị chuyện làng báo

29/11/2008 23:26 GMT+7

Một tờ nhật báo có số lượng phát hành 50.000 bản với đội ngũ nhân sự toàn là sinh viên và cô tổng biên tập chừng 20 tuổi. Nhưng sự thú vị của làng báo chí Mỹ chưa dừng lại ở đó.

Nhỏ nhưng có võ

Ở Paris (bang Illinois), tôi có dịp tiếp xúc với một tờ báo rất đặc biệt, tờ Paris Beacon News. Tờ báo cỏn con sinh ra chỉ để phục vụ cái thành phố khoảng 9.000 dân này thế mà đã có một lịch sử lâu đời. Nó ra đời năm 1848. Theo lời kể của cựu chủ bút Ned Jenison, thời đó có tới ba tờ báo ở địa phương. Nhưng sau một thời gian, Paris Beacon News trở thành tờ báo nổi trội nhất và đã “nuốt” dần hai tờ kia. Năm 1926, cha của ông Jenison mua lại Paris Beacon News và tờ báo này trở thành sản phẩm của gia đình từ đó. Sau thời gian phục vụ quân đội, Jenison đã trở về thay cha quản lý tờ báo. Hiện tờ báo có khoảng 28 nhân viên, trong đó có 8 phóng viên. Tờ báo này có mua tin tức và hình ảnh của một số hãng tin.

Cũng như gia đình anh nông dân Brad Tucker, tờ báo của Jenison đã rơi vào tình trạng không người thừa kế, khi con trai của ông Ned Jenison sau một thời gian làm quản lý tại tòa soạn đã sang tiểu bang Indiana để giảng dạy môn truyền thông trong trường đại học. Thế là cách đây mấy tháng, ông Jenison, ở tuổi 73, đã bán lại tờ báo gia đình của mình. Hiện trong giai đoạn “chuyển giao quyền lực”, ông Jenison vẫn tiếp tục cộng tác với tờ báo với tư cách là cố vấn thêm một thời gian nữa trước khi bàn giao hoàn toàn cho chủ mới.

 
Cô gái nhỏ nhắn này là Tổng biên tập một tờ báo sinh viên nổi tiếng


Một buổi họp giao ban tại Báo Florida Times-Union - Ảnh: Đỗ Hùng

Paris Beacon News với tuổi đời gần 200 năm đã trải qua những bước thăng trầm lịch sử. Tờ báo này từng tường thuật các sự kiện lớn của nước Mỹ như vụ ám sát các Tổng thống Abraham Lincoln, John F.Kennedy, Thế chiến 1, 2, chiến tranh Việt Nam... Hiện báo phát hành vào buổi chiều tối hằng ngày, với số lượng ổn định là 5.000 bản/ngày. Con số 5.000 bản tưởng chừng như không mấy ấn tượng, nhưng nếu xét tới dân số 9.000 người của thành phố Paris và rộng ra là hạt Edgar với khoảng 20.000 dân thì quả là một tỷ lệ đáng nể. Và vì Paris Beacon News quá nhỏ nên nó có những thế mạnh riêng mà các tờ báo lớn như New York Times, Washington Post... không có được, đặc biệt là trong việc phản ánh các vấn đề địa phương. Nó tránh được sự “ăn hiếp” của các tờ báo lớn cũng nhờ điều này. “Nhưng còn internet, truyền hình thì sao? Những phương tiện truyền thông này có làm tổn thương Paris Beacon News?”, tôi thắc mắc. “Tất nhiên là có, nhưng ở mức độ rất nhỏ. Các phương tiện đó ảnh hưởng nhiều tới những tờ báo mạnh, còn những tờ tí hon như chúng tôi thì mức độ bị tác động không nhiều, bởi những câu chuyện xảy ra trong cộng đồng này thì chỉ có thể tìm đọc trên báo chúng tôi, còn các phương tiện khác ít khi phản ánh”, ông Jenison giải thích.

Trên thực tế thì Paris Beacon News và ông Jenison giờ đã trở thành một người bạn của mỗi gia đình ở Paris. Họ đọc tờ báo này vào mỗi buổi chiều tối cũng giống như việc tìm gặp một người bạn tâm tình để chia sẻ vậy. Đó chính là lý do để Paris Beacon News tiếp tục tồn tại sau gần 200 năm. Tuy nhiên, trong tương lai điều này rất khó dự đoán, bởi sau thế hệ độc giả gắn bó máu thịt với Paris Beacon News, lớp trẻ ngày nay có quá nhiều điều để quan tâm, có quá nhiều cách tiếp cận thông tin nhanh và dễ dàng hơn.

Sinh viên làm báo

Chia tay Paris, chúng tôi tới thành phố Austin, thủ phủ của tiểu bang Texas nằm ở tận miền nam nước Mỹ. Và cuộc gặp gỡ với những người làm báo tại đây cũng mang lại nhiều điều lý thú không kém.

Buổi trưa một ngày đầu tuần, theo lời hẹn, đoàn chúng tôi tới trường Đại học Texas ở Austin để tìm hiểu về nhật báo The Daily Texan. Đây là một trong những tờ báo sinh viên lớn nhất nước Mỹ, ra đời năm 1900. The Daily Texan hiện có số lượng phát hành khoảng 50.000 bản, toàn phát miễn phí, còn doanh thu thì đến từ nguồn quảng cáo.

Tiếp chúng tôi là một cô gái trẻ, với cặp kính cận to quá cỡ. Trong bản giới thiệu có ghi rõ tên cô gái này là Leah Finnegan, biên tập viên cấp cao. Finnegan dẫn chúng tôi đi một vòng, giới thiệu về hoạt động của tờ báo. Thì ra The Daily Texan là một tờ báo của sinh viên đúng nghĩa, có nghĩa là tất cả mọi công đoạn làm báo đều do sinh viên thực hiện, không sử dụng bài viết của cộng tác viên, chỉ mua tin từ một nguồn là hãng AP. Toàn bộ đội ngũ của The Daily Texan gồm khoảng 25 người, đều là những sinh viên năng nổ. Họ vừa học vừa làm báo. Ấy thế mà trong lịch sử, các thành viên của tờ báo này từng đoạt tới 10 giải Pulitzer - giải thưởng báo chí uy tín nhất của Mỹ, là tờ báo sinh viên đoạt nhiều giải Pulitzer nhất của nước.

Nói chuyện một hồi, có người hỏi về tổng biên tập của The Daily Texan, Finnegan mỉm cười: “Là tôi đây. Tôi là tổng biên tập”. Quả là hơi sốc. Cô gái nhỏ nhắn, trạc 20 tuổi đang đứng trước mặt tôi mà là tổng biên tập một tờ báo hoành tráng thế này ư? Thật khó tin, nhưng đó là sự thật. The Daily Texan với 50.000 bản mỗi kỳ, nếu so ra với các tờ báo trung bình ở Mỹ hoặc ở Việt Nam thì cũng không có gì ghê gớm. Tuy nhiên, điều đặc biệt là tờ báo này hoàn toàn do sinh viên thực hiện và quản lý, hoạt động hoàn toàn độc lập với nhà trường. Khi một thành viên tốt nghiệp, thì người đó cũng tự động “mất tư cách” làm báo ở đây. Gọi The Daily Texan là “báo sinh viên” là vì lẽ đó. Chứ về nội dung thì tờ báo này cũng tương tự như nhiều nhật báo khác tại Mỹ, nghĩa là nội dung rất phong phú, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao...

Ngoài Paris Beacon News The Daily Texan, trong chuyến đi vừa qua, chúng tôi còn tới tham quan một số tòa soạn báo khác, từ tờ Washington Post nổi tiếng ở thủ đô Washington, D.C tới một tờ báo “tỉnh lẻ” như Florida Times-Union ở Jacksonville, Florida. Các cuộc viếng thăm và trao đổi này đã cho tôi có dịp quan sát kỹ hơn về bức tranh tổng thể của làng báo chí Mỹ.

Ở Mỹ, việc ra báo, tạp chí, thành lập truyền hình cáp đều không phải xin phép nhà chức trách. Nghĩa là ai sinh sống, làm ăn hợp pháp trên đất Mỹ đều có thể ra báo, lập truyền hình cáp (riêng đài phát thanh và truyền hình thông thường thì cần có giấy phép). Vì thế báo đài cũng không bị buộc phải đóng cửa, đình bản, tước giấy phép vì các lý do chuyên môn. Họ chỉ đóng cửa khi làm ăn thua lỗ, không “trụ” nổi nữa mà thôi. Theo luật pháp Mỹ, khi nhà báo sai phạm trong nội dung, nếu có kiện tụng thì sẽ được điều chỉnh theo quan hệ dân sự. 

Ở Mỹ có những tổ chức giám sát báo chí, như tổ chức Accuracy in Media ở thủ đô Washington mà tôi có dịp tới thăm. Đây là những tổ chức độc lập, không liên quan gì tới chính quyền, với hoạt động chính là thực hiện các báo cáo về sai sót trên báo chí, sự thiên vị của báo chí... Các tổ chức này thường “sống” bằng các nguồn ủng hộ, tài trợ.

Nhìn vào hoạt động báo chí ở Mỹ, có thể thấy các báo, đài và các tổ chức liên quan hoạt động trong một không gian rộng mở và theo cơ chế cạnh tranh bình đẳng. Và chính trong môi trường như thế, những cô cậu sinh viên cũng có thể làm được một tờ báo ra trò. (Kỳ sau: Câu hỏi trên vách trường tiểu học)

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.